Hơn 1 triệu lượt ý kiến góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

19/02/2019 07:08
Đỗ Thơm
(GDVN) - Tính đến ngày 22/01/2019, qua 100 báo cáo, biên bản, tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân đã có khoảng hơn 1 triệu lượt ý kiến tham gia góp ý về dự thảo Luật.

Ngày 16/8/2018, Tổng Thư ký Quốc hội có Thông báo số 2165/TB-TTKQH về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 26, trong đó đề nghị Chính phủ chủ động tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tổng hợp ý kiến Nhân dân trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lấy ý kiến Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tiếp tục lấy ý kiến Nhân dân về Luật Giáo dục (sửa đổi) tại Công văn số 12553/VPCP-PL ngày 26/12/2018.

Các quy định liên quan đến việc đào tạo ngành sư phạm nhận được nhiều ý kiến đóng góp của Nhân dân. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Các quy định liên quan đến việc đào tạo ngành sư phạm nhận được nhiều ý kiến đóng góp của Nhân dân. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tính đến ngày 22/01/2019, qua 100 báo cáo, biên bản, tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương, địa phương và kết quả của các hoạt động lấy ý kiến khác thì đã có khoảng hơn 1 triệu lượt ý kiến của Nhân dân tham gia góp ý về dự thảo Luật.

Đối tượng lấy ý kiến được trải rộng từ các cơ quan ở Trung ương (một số các Bộ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; các cơ quan quản lý ở địa phương: cán bộ quản lý sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, nhà giáo, đại diện cha mẹ học sinh và người học (đối với trung học cơ sở, trung học phổ thông); từ các cơ quan nhà nước đến các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức, đơn vị.

Có 11 nhóm vấn đề được Chính phủ xác định là trọng tâm trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân.

Trong đó vấn đề đào tạo, tuyển sinh sinh viên sư phạm, được nhiều ý kiến quan tâm đóng góp.

Về chính sách học bổng (tín dụng sư phạm), có hai loại ý kiến

Trong đó, đa số ý kiến nhất trí với Điều 83 dự thảo Luật quy định về chế độ tín dụng sư phạm như sau: Học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học, quy định về việc chi trả đối với những trường hợp người học không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường vẫn làm trong ngành giáo dục và đề xuất các chính sách nhằm thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm thông qua cơ chế học bổng và các biện pháp khác.

Các quy định này nhằm khắc phục tình trạng quy định hiện nay không thu học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm là không phù hợp và không hiệu quả do nhu cầu của thị trường lao động đã thay đổi; nhiều sinh viên sư phạm ra trường làm không đúng ngành sư phạm, không thể kiểm soát, gây lãng phí nhân lực và ngân sách; việc miễn học phí không thực sự là lý do để khuyến khích sinh viên vào học ngành sư phạm.

Đồng thời, quy định này đã làm cho các cơ sở đào tạo giáo viên gặp khó khăn về kinh phí chi thường xuyên, trong khi việc cấp bù của ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.

Hơn 1 triệu lượt ý kiến góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) ảnh 2Bộ trưởng thật chí lý khi chia sẻ về niềm hạnh phúc của thầy cô

Mặt khác, đề nghị quy định theo hướng học sinh, sinh viên sư phạm không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm nếu sau khi tốt nghiệp “giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đủ thời gian theo quy định”.

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đề nghị cần quy định về chính sách vay tín dụng đối với sinh viên các ngành khác ngoài ngành sư phạm; hoặc sinh viên học các ngành khác sau khi tốt nghiệp vào ngành sư phạm công tác cũng được hưởng tín dụng sư phạm.

Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số của Nhân dân nêu trên, sửa đổi, bổ sung quy định về học bổng và trợ cấp xã hội như trong Dự thảo quy định.

Chính phủ quy định cụ thể chính sách tín dụng sư phạm đối với học sinh, sinh viên sư phạm

Về vấn đề phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp

Vấn đề này, cơ bản có hai loại ý kiến.

Trong đó, đa số các ý kiến góp ý phải có quy định về chế độ tuyển dụng đặc thù (so với Luật Viên chức) đối với giáo viên các cơ sở giáo dục công lập.

Với lý do: nhằm khắc phục bất hợp lý hiện nay như: Không có cơ chế  phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp phải thông qua quy trình tuyển dụng theo pháp luật viên chức; không thu hút được sinh viên giỏi học ngành sư phạm; cơ quan chức năng khi xác định chỉ tiêu biên chế, giao biên chế, giảm biên chế và quy trình tuyển dụng vẫn chưa tính đến đặc thù của ngành giáo dục; tình trạng nơi thừa giáo viên, nơi thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều nơi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo không có chức năng thẩm quyền giải quyết.

Có ý kiến đề nghị cần có chính sách khuyến khích thông qua học bổng tín dụng và phân công công tác, tuyển dụng, chế độ lương. Tuy nhiên, cũng cần có lộ trình khả thi.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị, trong bối cảnh chưa sửa được Luật Viên chức thì để thu hút thu hút được sinh viên giỏi học ngành sư phạm cần sửa đổi các quy định về lương và phụ cấp của giáo viên cho phù hợp với ngành giáo dục. 

Chính phủ tiếp thu ý kiến đa số của Nhân dân nêu trên, sẽ bổ sung một khoản hoặc một điều trong dự thảo Luật quy định đặc thù về xác định biên chế và cơ chế tuyển dụng giáo viên cho sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm vào các cơ sở giáo dục công lập.

Đỗ Thơm