Hiệu trưởng có thể mất đi vai trò người đứng đầu vì không là công chức

23/02/2019 06:18
Trần Phương
(GDVN) - Nếu giữ nguyên như hiện nay, khi hiệu trưởng không còn là công chức thì có phát huy được vai trò người đứng đầu? công việc chung của trường sẽ như thế nào?

Theo quy định trong dự thảo Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức mà Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến thì hiệu trưởng ở các trường phổ thông công lập không còn là công chức nữa.

Quy định mới này khiến nhiều người băn khoăn cho rằng, nếu hiệu trưởng không còn là công chức nữa thì những quyền hạn của hiệu trưởng có giảm bớt so với hiện nay không?

Hay khi hiệu trưởng không là công chức nữa thì có khích lệ, động viên được hiệu trưởng làm việc tốt hơn bây giờ?

Hiệu trưởng có thể mất đi vai trò người đứng đầu vì không là công chức ảnh 1Sau cánh cửa lớp là những lo toan chồng chất!

Trước những ý kiến trên, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Đinh Văn An, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sủng Trái (Đồng Văn, Hà Giang) cho rằng:

“Theo ý kiến cá nhân của tôi, việc các nhà nghiên cứu dự thảo có lẽ cũng đã nghiên cứu kỹ và có thể sẽ có hướng tích cực. Tuy nhiên, với đặc thù hiện tại theo tôi còn có nhiều khó khăn ngay bước đầu áp dụng.

Nếu như hiện nay, hiệu trưởng không là công chức thì việc quản lý chung sẽ có nhiều khó khăn.

Một trong những công việc của Hiệu trưởng chính là quản lý và đánh giá cán bộ giáo viên.

Như vậy, nếu không còn là công chức, vai trò của người đứng đầu sẽ mờ nhạt. Việc quản lý các công việc chung sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bởi, theo quy định hiện hành, công việc của hiệu trưởng không bó hẹp mà nó còn nhiều công việc khác nhau trong đó phải chịu trách nhiệm cho chất lượng dạy và học của trường, phụ trách địa bàn của cả một cấp xã (đối với các trường phổ thông cơ sở, tiểu học)…”.

Trước ý kiến cho rằng vẫn có nhiều Hiệu trưởng có biểu hiện lộng quyền khi lạm dụng việc mình làm công chức để thực hiện các chức năng nhiệm vụ khác ngoài hiệu trưởng, thầy giáo Đinh Văn An:

“Hiện nay cơ chế dân chủ lấy phiếu tín nhiệm cũng đã và đang được thực hiện đầy đủ hàng năm. Đây cũng là hình thức đánh giá đầy đủ năng lực của Hiệu trưởng.

Nếu phát huy tốt cơ chế dân chủ tại cơ sở thì không có lý do gì chúng ta không làm tốt nhiệm vụ của Hiệu trưởng.

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều tiêu chí để đánh giá năng lực làm việc của hiệu trưởng. Nếu làm tốt các tiêu chí thì sẽ không có việc bất cập về công chức hay viên chức”.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thuận, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Táo (Đồng Văn, Hà Giang) cho rằng còn có nhiều bất cập nhất là đối với giáo dục vùng sâu, vùng xa.
Thầy giáo Nguyễn Văn Thuận, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Táo (Đồng Văn, Hà Giang) cho rằng còn có nhiều bất cập nhất là đối với giáo dục vùng sâu, vùng xa. 

Cũng tỏ ra băn khoăn trước ý kiến của dự thảo về việc hiệu trưởng không là công chức, thầy giáo Nguyễn Văn Thuận, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Táo (Đồng Văn, Hà Giang) cho rằng những quy định như vậy khi áp dụng vào thực tế có thể sẽ còn nhiều bất cập:

“Đặc thù công việc của Hiệu trưởng bao quát rất nhiều công việc khác nhau không chỉ là quản lý chất lượng giáo dục, nếu là viên chức, hiệu trưởng có thể chỉ thực hiện các công việc của một viên chức, ít chủ động sáng tạo trong quản lý các hoạt động của nhà trường”.

“Công việc của hiệu trưởng hiện nay là quản lý nhiều mặt khác nhau như xây dựng, tổ chức bộ máy nhà trường;

Xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường…Quản lý nhân sự trong trường; Quản lý học sinh và các hoạt động của học sinh; Quản lý tài chính, tài sản của nhà trường…

Hiệu trưởng có thể mất đi vai trò người đứng đầu vì không là công chức ảnh 3Hiệu trưởng không còn là công chức thì làm không được, cho nghỉ luôn

Như vậy, nếu là viên chức, các quy định của hiệu trưởng sau này có quy định khác đi hay không?

Nếu giữ vững các quy định như hiện nay, cùng là viên chức như giáo viên, hiệu trưởng sẽ mất vai trò người đứng đầu.

Đối với trường công lập, hiện nay, việc quản lý tài sản của nhà trường là vai trò của hiệu trưởng, trách nhiệm của công chức sẽ rất quan trọng.

Nếu là viên chức, việc quản lý tài sản của nhà nước trong trường có đảm bảo các quy định hiện hành hay không?

Bên cạnh đó, ở các trường vùng sâu vùng xa sẽ rất khó khăn bởi, nếu là công chức, có biên chế, theo lệnh điều động họ phải đi.

Còn khi bỏ biên chế, sẽ khó có giáo viên nào tình nguyện đi đến các điểm trường vùng khó khăn”. Thầy Thuận cho biết.

Bên cạnh đó, cũng theo thầy Thuận nếu thực hiện việc hiệu trưởng không là công chức thì cũng cần phải có những quy định cụ thể về chức danh, nhiệm vụ, bổ sung những chính sách để đảm bảo quyền lợi cũng như công việc cụ thể của hiệu trưởng để đảm bảo công việc quản lý.

Đồng thời, thầy Thuận cũng tỏ ra băn khoăn, nếu quy định hiệu trưởng không còn là công chức viên chức thì các quy định về công việc của hiệu trưởng cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, như vậy mới đảm bảo quyền lợi và tạo động lực cho hiệu trưởng làm việc, thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo tại cơ sở.

Trần Phương