Giấy chứng nhận hoàn thành giáo dục phổ thông là rắc rối, nhiêu khê

26/02/2019 07:10
Đỗ Thơm
(GDVN) - Ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, đổi mới căn bản, toàn diện mà chúng ta cứ làm manh mún. Gặp cái gì làm cái nấy, thấy có vẻ vướng cái gì làm cái đó thì rất nguy.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đang tiếp tục được hoàn thiện sau khi có báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân do Chính phủ thực hiện.

Có nhiều vấn đề trong dự thảo vẫn đang tiếp tục được tranh luận. Trong đó, đề xuất sẽ có thêm Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được dư luận quan tâm.

Chưa thấy quốc gia nào có Giấy chứng nhận hoàn thành giáo dục phổ thông

Cụ thể, Điều 32 dự thảo Luật quy định: Học sinh học hết chương trình Trung học phổ thông nếu đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định tương ứng trong Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Đánh giá về đề xuất này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Thực tế đây cũng là một loại “bằng”. Tôi thấy nó thật là rắc rối, nhiễu sự.

Nhiễu sự là vì các em thi không đỗ mà được cấp loại giấy này tức là vẫn phải tham gia một cuộc thi quốc gia.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho rằng, có thêm giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Ảnh: Vietnamnet
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho rằng, có thêm giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Ảnh: Vietnamnet

Ba năm học, các em đều có bảng điểm, có các kỳ thi cuối kỳ. Tại sao chúng ta không làm nghiêm để tin được kết quả đó thay vì thêm một loại “bằng” nữa”, ông Chức phân tích.

Với đề xuất trên trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh, Đảng đã ra Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Đổi mới căn bản, toàn diện thì chúng ta không nên làm manh mún.

“Thời gian vừa qua, tôi có cảm giác là chúng ta đang gặp cái gì làm cái nấy, thấy có vẻ vướng cái gì làm cái đó thì rất nguy hiểm.

Nó sẽ dẫn đến giáo dục luôn luôn thay đổi, thay đổi chóng mặt. Đấy không phải là đổi mới.

Việc thay đổi chóng mặt này làm cho thầy cô, học sinh cuốn theo sự thay đổi thường xuyên như thế. Biến học sinh, giáo viên là những chủ thể bậc nhất quyết định quan trọng sự thành công của giáo dục bị thụ động.

Thụ động đến mức độ sợ sệt, chạy theo để hoàn thành những cái mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định”, ông Nguyễn Viết Chức đánh giá.

Theo ông, những cái mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định lại không mang tính chiến lược để thay đổi.

“Lịch sử cũng có những cuộc thay đổi kiểu như vậy như thay đổi chữ ngắn, chữ dài, chữ bỏ nét…Hết thi riêng lại đến thi gộp. Những thay đổi đó chưa mang lại hiệu quả lâu dài cho giáo dục.

Giờ lại có đề xuất cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông cho người không tham gia kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc thi không qua”, ông Nguyễn Viết Chức nói.

Theo ông cần quay lại gốc vấn đề ai là chủ thể trong giáo dục. Đó là học sinh, thầy cô, còn Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

“Đừng biến Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở thành Bộ đi dạy học.

Bộ Giáo dục không có nhiệm vụ là đi dạy học mà hãy để các trường làm việc đó.

Bộ, Sở hãy là nơi quản lý sự dạy và sự học. Cần phải thay đổi yếu tố tư duy căn bản trong giáo dục thì mới mong đổi mới căn bản, toàn diện được.

Giấy chứng nhận hoàn thành giáo dục phổ thông là rắc rối, nhiêu khê ảnh 2Lý tưởng nhất là tuyển sinh sư phạm, ưu đãi giáo viên như lực lượng vũ trang

Hết năm này qua năm khác đều, các trường, thầy cô đều phải chạy theo các thay đổi.

Đến lúc này có thể nói là người đi học, thầy cô giáo hoàn toàn thụ động thậm chí cả trường cũng vậy đều chạy theo quy chế, quy định.

Như thế là trái với giáo dục hiện đại. Giáo dục hiện đại là khơi gợi, làm cho tính tích cực, tìm tòi, chủ động của học sinh ngày càng cao. Chứ không phải học để thi, học để đối phó.

Trước đây, chúng ta nói rất nhiều về sự học. Học không phải để đối phó, động cơ để học tập, để hiểu biết, để làm người.

Nhưng cứ đối phó suốt, chạy theo hết thi cử này đến thi cử khác thì sao chủ động được?”, Tiến sĩ Chức băn khoăn.

Đỗ Thơm