Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi trường công thành trường tư

28/02/2019 06:12
Trinh Phúc
(GDVN) - Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Giáo dục nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi mô hình trường công lập ra ngoài công lập.

Ngày 19/2, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện nâng mức tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 -2021.

Theo đó, phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 – 2015.

Cụ thể: Giai đoạn 2018 – 2021: phấn đấu đạt 257 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi đầu tư và chi thường xuyên và tự đảm bảo chi thường xuyên.

Trường phổ thông trung học Chu Văn An sẽ được xây dựng theo hướng tự chủ tài chính (ảnh nguồn VTV).
Trường phổ thông trung học Chu Văn An sẽ được xây dựng theo hướng tự chủ tài chính (ảnh nguồn VTV).

Các đơn vị sự nghiệp công lập nâng mức tự chủ tài chính sẽ được giao quyền tự chủ nhiều hơn như: được quyết định số lượng người làm việc;

Được chủ động quyết định việc sử dụng nguồn tài chính, tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động của đơn vị để nâng cao thu nhập cho công chức, viên chức, người lao động.

Xác định cụ thể các nội dụng, nhiệm vụ chủ yếu, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện thị xã và các đơn vị sự nghiệp trong việc triển khai thực hiện, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chỉ tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 19 – NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành TW về việc nâng mức tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi trường công thành trường tư ảnh 2Trường Thanh Xuân không phải là trường chất lượng cao

Riêng về lĩnh vực giáo dục, có 46 đơn vị tự chủ tài chính bao gồm: Trường đại học Thủ đô Hà Nội; Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội; Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông, Trường Cao đẳng điện tử điện lạnh; Trường Trung cấp nghề cơ khí Hà Nội; Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính…

Đặc biệt, Hà Nội quyết tâm xây dựng Trường Trung học phổ thông Chu Văn An và Trường trung học phổ thông Lê Lợi theo hướng tự chủ tài chính.

Chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tọa tiếp tục chủ động rà soát kỹ, xây dựng và đề xuất phương án nâng mức tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục theo hướng các đơn vị lĩnh vực giáo dục chuyển sang tự chủ theo hướng phát triển trường chất lượng cao và đề xuất tên trường cụ thể gửi Sở Tài chính tổng hợp bổ sung Kế hoạch (nếu có).

Chủ động chủ trì, nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi mô hình cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao hoặc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các trường theo mô hình chất lượng cao nhằm giảm dần các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên hiện nay.

Rà soát tuyên truyền, vận động các trường công lập tự nguyện nâng mức tự chủ tài chính, đánh giá khả năng tự chủ tài chính đối với các trường công lập nhất là các trường chất lượng cao;

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn khi thực hiện nâng mức tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp khối giáo dục.

Trinh Phúc