Ba nhiệm vụ của Sở Giáo dục Hà Nội giai đoạn 2018 - 2021 là gì?

01/03/2019 07:17
Công Tiến
(GDVN) - Theo kế hoạch số 44/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tại mục III, điểm 4 nêu Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phải thực hiện ba nhiệm vụ đối với ngành.

Ngày 19/2/2019, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch số 44/KH-UBND về việc Triển khai thực hiện nâng mức tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2021.

Như vậy, theo kế hoạch số: 44/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, mục III, điểm 4 có nêu ra ba nhiệm vụ đối với Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2021 sẽ phải thực hiện.

Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập nâng mức tự chủ tài chính sẽ được giao quyền tự chủ nhiều hơn, được quyết định số lượng người làm việc, được chủ động quyết định việc sử dụng nguồn tài chính, tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động của đơn vị để nâng cao thu nhập cho công chức, viên chức, người lao động.

Theo như kế hoạch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đơn vị sự nghiệp trong việc triển khai thực hiện.

Ba nhiệm vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giai đoạn 2018 - 2021 là gì? (Ảnh minh họa: vov.vn)
Ba nhiệm vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giai đoạn 2018 - 2021 là gì? (Ảnh minh họa: vov.vn)

Ba nhiệm vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội

Theo kế hoạch số: 44/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tại mục III, điểm 4 có nêu, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phải thực hiện ba nhiệm vụ sau:

Thứ nhất: Tiếp tục chủ động rà soát kỹ, xây dựng và đề xuất phương án nâng mức tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục theo hướng các đơn vị lĩnh vực giáo dục chuyển sang tự chủ theo hướng phát triển trường chất lượng cao và đề xuất tên trường cụ thể gửi Sở Tài chính tổng hợp bổ sung kế hoạch (nếu có).

Thứ hai: Chủ động chủ trì, nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi mô hình cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao hoặc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các trường theo hướng mô hình chất lượng cao nhằm giảm dần các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên hiện nay.

Thứ ba: Rà soát, tuyên truyền, vận động các trường công lập tự nguyện nâng mức tự chủ tài chính, đánh giá khả năng tự chủ tài chính đối với các trường công lập nhất là các trường chất lượng cao, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khó khăn khi thực hiện nâng mức tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp khối giáo dục.

Những vấn đề về giáo dục liên quan cần bàn luận

Hiện nay, Điều 14 và Điều 58 của Luật Giáo dục đã tương đối đủ để tạo thành hành lang pháp lý cho việc thực hiện quyền tự chủ của các trường phổ thông.

Có điều, tính chưa thống nhất ở các văn bản dưới luật lại không đồng nhất với tinh thần của Luật Giáo dục như: trong các điều lệ trường tiểu học và trung học, tuyệt nhiên không có quy định nào về việc thực hiện các quyền tự chủ theo Điều 58 của Luật Giáo dục.

Ba nhiệm vụ của Sở Giáo dục Hà Nội giai đoạn 2018 - 2021 là gì? ảnh 2Sở Giáo dục Hà Nội có đi ngược chủ trương xã hội hóa của Đảng, Chính phủ?

Dường như các nhà soạn thảo điều lệ nhà trường vẫn nhìn trường phổ thông dưới góc độ của một nhà trường tuân thủ, chịu trách nhiệm thi hành các mệnh lệnh hành chính hoặc các quy định được truyền đạt từ cơ quan quản lý cấp trên.

Ở một khía cạnh khác, từ Nghị định 43 năm 2006 đến Nghị định 16 năm 2015 quy định về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thì nhà trường công lập được tự chủ hay không và tự chủ đến mức độ nào lại hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tự bảo đảm các khoản chi.

Như thế từ tinh thần tự chủ của Luật Giáo dục đến tinh thần tự chủ của các văn bản dưới luật đã có sự khác biệt lớn về nhận thức.

Tiếp đến, ở Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo yêu cầu tách quản lý nhà nước với quản trị cơ sở giáo dục.

Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, ngày 25/4/2006 có Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Tiếp theo, ở Nghị định 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 có Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Như vậy, xét theo Nghị định 43/2006 và 16/2015 thì điều kiện để thực hiện tự chủ trong giáo dục phổ thông là khả năng tự bảo đảm chi phí, điều này khó thực hiện với nhà trường phổ thông và trái với thông lệ quốc tế.

Công Tiến