Sở Giáo dục Hà Nội có quan liêu, thờ ơ với gánh nặng ngân sách?

05/03/2019 15:21
Hồng Thủy
(GDVN) - Trường công sĩ số càng đông, ngân sách rót về càng nhiều, các khoản thu "tự nguyện" càng lớn và tạo ra bất công trong giáo dục.

Báo Hà Nội Mới, ngày 10/8/2018 đưa tin, cùng ngày Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, năm học 2017-2018 kết thúc đúng dịp Hà Nội kỷ niệm 10 năm mở rộng địa giới hành chính. 

Đây cũng là năm học đánh dấu nhiều chuyển biến tích cực của ngành. Hà Nội hiện có 2.641 trường học với trên 54.700 nhóm lớp và gần 1,9 triệu học sinh...[1]

Cùng đưa tin về hội nghị này, Báo Đại Đoàn Kết viết:

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng cho biết, Hà Nội hiện có 2.641 trường học với trên 54.700 nhóm lớp và gần 1,9 triệu học sinh. [2]

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng tại lễ tổng kết năm học 2017-2018, ngày 10/8/2018. Ảnh: Thanh Tùng / TTXVN.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng tại lễ tổng kết năm học 2017-2018, ngày 10/8/2018. Ảnh: Thanh Tùng / TTXVN.

Tạp chí Giáo dục Thủ đô, cơ quan ngôn luận của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng ngày đưa tin về hội nghị tổng kết năm học, dẫn số liệu:

Hà Nội hiện có 2.641 trường mầm non, phổ thông và 2 trường trung cấp chuyên nghiệp với 54.798 nhóm lớp, 1.892.748 học sinh, (so với cùng kỳ năm trước tăng 60 trường, tăng 5.083 nhóm lớp, tăng 134.388 học sinh). [3]

Giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội làm lộ sự quan liêu của Sở Giáo dục và Đào tạo?

Trang 1 Báo cáo số 75/BC-VHXH ngày 26/10/2018 của Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố về kết quả công tác triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội, cho biết:

Năm học 2018-2019 Hà Nội có 2.689 trường và 1.986.809 học sinh mầm non và phổ thông (so với năm học 2017-2018 tăng 48 trường, tăng 109.980 học sinh).

Trong số này, công lập có 2.182 trường, 1.734.596 học sinh; tư thục có 507 trường với 252.213 học sinh. Học sinh tăng tập trung ở cấp mầm non (9.400 / 109.930 = 86%) và cấp tiểu học (54.330 / 109.930 = 49%).

Như vậy so với báo cáo của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng tại hội nghị tổng kết năm học ngày 10/8/2018, báo cáo của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội "dôi ra" 48 trường và ít nhất 86.809 học sinh.

Sở Giáo dục Hà Nội có quan liêu, thờ ơ với gánh nặng ngân sách? ảnh 2

Không giảm sĩ số và biên chế, Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội nên nêu gương từ chức

Con số mới này cũng được ông Kiều Cao Chinh, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra tại tọa đàm trực tuyến "Đảm bảo an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú trong trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội" do Báo Kinh tế và Đô thị, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức ngày 27/11/2018. [4]

Như vậy, chỉ trong vòng 2,5 tháng mà số trường, số học sinh đã có sự thay đổi lớn như vậy, chứng tỏ công tác quản lý của Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội rất có vấn đề.

Đưa tin về buổi tổng kết năm học ngày 10/8/2018, Báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam viết:

Triển khai nhiệm vụ năm học 2018 – 2019, ông Lê Ngọc Quang cho biết, thành phố Hà Nội đã dành 19.000 tỷ đồng để xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất trường, lớp học, chiếm 25,5% mức chi từ ngân sách. 

Toàn thành phố có thêm 66 trường học và 22.000 phòng học mới. [5]

Chúng tôi đã phân tích sự quan liêu của Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội với các thông tin, số liệu này qua 2 bài: 22 nghìn phòng học Hà Nội xây mới ở đâu để con em chen chúc gần 70 học sinh/lớp?; Sở Giáo dục Hà Nội đã sử dụng 19 nghìn tỷ đồng từ ngân sách như thế nào?

Để biết con số chính xác số trường lớp xây mới phục vụ năm học 2018-2019, chúng tôi tìm đọc Báo cáo số 75/BC-VHXH ngày 26/10/2018:

Các quận, huyện, thị xã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho năm học mới, đã xây mới được 74 trường học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, trong đó có 29 trường được thành lập mới;

Bổ sung thêm 1.579 phòng học, có 9 trường trung học phổ thông được đưa vào hoạt động;  toàn thành phố cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp với 2.450 phòng học xây mới và 2.552 phòng học cải tạo. [6]

So với báo cáo tổng kết năm học của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mà Phó giám đốc Lê Ngọc Quang trình bày, số liệu báo cáo của Ban Văn hóa - Xã hội nhiều hơn 8 trường, nhưng lại ít hơn 19.460 phòng học mới.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang phát biểu tại lễ tổng kết năm học 2017-2018, ảnh: Báo Kinh tế và Đô Thị.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang phát biểu tại lễ tổng kết năm học 2017-2018, ảnh: Báo Kinh tế và Đô Thị.

Con số 19 nghìn tỷ đồng mà ông Quang nói để xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất trường, lớp học, thực chất là kinh phí ngân sách dành cho cả ngành giáo dục thủ đô năm học 2017-2018. [7]

Sĩ số càng quá tải, trường công lập càng được rót nhiều ngân sách và tăng nguồn thu

Từ những con số nhảy múa nói trên, chúng tôi tìm hiểu xem thực tế quản lý việc sử dụng ngân sách cho hệ thống trường phổ thông công lập ở Hà Nội vận hành như thế nào.

Báo cáo số 75/BC-VHXH của Ban Văn hóa -Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố cho biết:

Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng Hậu quận Cầu Giấy thu quỹ phụ huynh lớp là 1,5 triệu đồng / kỳ, thu cào bằng một mức, không lập dự toán thu chi, riêng khối 6 thu thêm 500.000 đồng / học sinh tiền xã hội hóa để lắp điều hòa.

Chúng tôi xin bắt đầu từ ví dụ này, ngõ hầu để làm rõ bức tranh thực trạng quản lý ngân sách nhà nước rót cho các trường phổ thông công lập ở Thủ đô cũng như trở lực mà nó gây ra đối với chính sách xã hội hóa giáo dục của Đảng, Nhà nước.

Sở Giáo dục Hà Nội có quan liêu, thờ ơ với gánh nặng ngân sách? ảnh 4

Tuyển sinh đầu cấp trường tư Sài Gòn trải thảm, Hà Nội rải đinh

Vào website nhà trường, chúng tôi không thể tìm được thông tin nào về tổng số học sinh, sĩ số...theo quy định 3 công khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, cộng chỉ tiêu tuyển sinh trường này được cấp trong 4 năm qua (2015-2016 có 270 chỉ tiêu; 2016-2017 có 280 chỉ tiêu; 2017-2018 có 300 chỉ tiêu; 2018-2019 có 432 chỉ tiêu), thì ra tổng số học sinh của trường này là 1.282 học sinh cả 4 khối (số học sinh tuyển vượt chỉ tiêu, xin tạm không tính).

Theo Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND ngày 5/12/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về phân cấp nguồn thu, nghiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, tỉ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2010:

Mức chi sự nghiệp giáo dục (cấp học phổ thông) của Hà Nội là 7.300.000 đồng/học sinh/năm, trong đó chi khác tối thiểu 1.800.000 đồng/học sinh/năm.

Trường hợp định mức không đảm bảo quỹ tiền lương và chi khác tối thiểu, ngân sách sẽ cấp bù, đảm bảo chi khác không thấp hơn mức tối thiểu.

Với Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng Hậu, năm học 2018-2019 sẽ được ngân sách cấp cho số tiền là: 1282 học sinh x 7.300.000 đồng = 9.358.600.000 đồng (chín tỷ, ba trăm năm tám triệu, sáu trăm ngàn đồng).

Trong số này, quỹ lương sẽ chiếm số tiền là: 1282 học sinh x (7.300.000 đồng - 1.800.000 đồng chi khác) = 7.051.000.000 đồng (bảy tỷ, không trăm năm mươi mốt triệu đồng).

Với 66 lao động tất cả, mức lương tháng bình quân đầu người của Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng Hậu là 8,9 triệu đồng, kể cả tháng nghỉ hè.

Chi khác năm học 2018-2019 của Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng Hậu là 1282 học sinh x 1.800.000 đồng = 2.307.600.000 đồng (hai tỷ, ba trăm linh bảy triệu, sáu trăm nghìn đồng).

Sở Giáo dục Hà Nội có quan liêu, thờ ơ với gánh nặng ngân sách? ảnh 5

Cứ "thỏa thuận" được với phụ huynh là thoải mái thu tiền, Bộ chỉ đạo vô nghĩa?

Như thế có thể thấy Nhà nước, chính quyền thành phố Hà Nội đã rất chăm lo cho các trường công lập với quỹ lương và chi khác hàng năm không nhỏ với định mức ngân sách/học sinh/năm cao gấp 3,6 lần mức bình quân của cả nước.

Vậy nhưng chỉ trong 1 học kỳ, Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng Hậu đã thu quỹ phụ huynh 1,5 triệu đồng / học sinh, thu cào bằng một mức.

Tổng số tiền quỹ phụ huynh 1 học kỳ của trường là 1282 học sinh x 1.500.000 đồng = 1.921.500.000 đồng (một tỷ, chín trăm hai mươi mốt triệu năm trăm ngàn đồng).

Gần 2 tỷ đồng quỹ phụ huynh / 1 học kỳ, không lập dự toán thu chi, Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng Hậu sử dụng vào mục đích gì? 

Riêng khối 6 năm học 2018-2019, Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng Hậu thu thêm 500.000 đồng / học sinh tiền xã hội hóa lắp điều hòa.

Năm học 2018-2019 Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng Hậu tuyển 432 chỉ tiêu với 9 lớp 6, tổng số tiền "xã hội hóa" lắp điều hòa đã thu là: 432 học sinh x 500.000 đồng = 216.000.000 đồng (hai trăm mười sáu triệu đồng).

Chia số tiền này cho 9 lớp 6, thì mỗi chiếc điều hòa sẽ có trị giá 24 triệu đồng. Trong khi đó, loại điều hòa hàng đầu thị trường hiện nay, công suất 1,5 HP cho văn phòng diện tích 60 m2, chưa đến 20 triệu đồng.

Đấy là chưa kể việc thu tiền "xã hội hóa" để mua điều hòa là vi phạm quy định tại Quyết định số 04/2018/QĐ-HĐND ngày 23/1/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Ủy ban nhân dân thành phố đã yêu cầu các trường chấm dứt thu chi khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường theo quy trình 4 bước đã được quy định tại Điều 11 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND.

Sở Giáo dục Hà Nội có quan liêu, thờ ơ với gánh nặng ngân sách? ảnh 6

Trường chất lượng cao chỉ biết xin ngân sách, thu tiền, Hà Nội còn giữ làm gì?

Vấn đề là sau khi báo chí đăng tải kết quả giám sát, không thấy Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có bất kỳ động thái nào chấn chỉnh, xử lý.

Qua bức tranh chi tiêu ngân sách cho một trường công lập trên địa bàn Thủ đô, có thể nhận thấy những rào cản của xã hội hóa giáo dục nằm ở chính cơ chế phân bổ ngân sách.

Với 1.734.596 học sinh Hà Nội học trường công lập, ngân sách phải chi thường xuyên 13,5 ngàn tỷ đồng / năm, chưa kể tiền xây dựng trường lớp.

Với mỗi trường công lập, tổng số học sinh càng nhiều, ngân sách hàng năm rót về càng lớn. 1 trường công lập Hà Nội với khoảng 1000 học sinh, sẽ được ngân sách rót 7,8 tỷ/năm.

Sĩ số càng lớn, thì các khoản thu càng lớn, thậm chí lạm thu như trường hợp nói trên. 

Vì chính sách hiện nay của Hà Nội là tập trung mọi nguồn lực cho trường công, ưu ái trường công, học phí lại rẻ, nên nếu chỉ tính trên phương diện chi phí thì có đóng 1,5 triệu / học kỳ quỹ phụ huynh, thì vẫn rẻ hơn nhiều so với học phí trường tư.

Cho nên, một vị hiệu trưởng trường tư chia sẻ với người viết, chỉ cần một cuộc họp là những trường công nội thành Hà Nội có thể thu về hàng tỷ đồng "tự nguyện" từ cha mẹ học sinh như Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng Hậu, hay Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân trong cơn ồn ào năm ngoái.

Một vị khác băn khoăn, học sinh trường tư thục có được miễn nghĩa vụ quân sự hay không? Câu trả lời là không! Các em ra đời làm việc nuôi sống bản thân và gia đình, đóng thuế và làm nghĩa vụ với đất nước như các bạn trường công, không khác.

Vậy tại sao ngân sách lại chỉ rót cho học sinh công lập mà bỏ quên các em học trường tư thục?

Phải chăng quá tải sĩ số chỉ là vấn đề của học sinh và người dân, chứ không phải vấn đề lớn đáng để Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng như các trường công phải bận tâm, giải quyết? 

Tài liệu tham khảo:

[1]http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/909738/hoc-sinh-thu-do-tiep-tuc-khang-dinh-tai-nang-trong-cac-ky-thi-hoc-sinh-gioi

[2]http://daidoanket.vn/giao-duc/ha-noi-can-tang-cuong-ho-tro-cac-truong-o-khu-vuc-kho-khan-tintuc412389

[3]http://giaoducthudo.com.vn/tin-tuc/1-nganh-gddt-ha-noi-tong-ket-nam-hoc-2017-2018-va-trien-khai-nhiem-vu-nam-hoc-2018-2019-2604.html

[4]https://thuonghieucongluan.com.vn/nhung-kho-khan-vuong-mac-trong-quan-ly-bep-an-ban-tru-a67037.html

[5]http://dangcongsan.vn/preview/newid/493471.html

[6]http://dbndhanoi.gov.vn/portal/Home/van-ban/details.aspx?v=651

[7]http://kinhtedothi.vn/ha-noi-danh-gan-19000-ty-dong-cho-giao-duc-322246.html

[8]http://thcsdichvonghau.edu.vn/vi/gioi-thieu/Van-ban-huong-dan/Cong-khai-thong-tin-ve-doi-ngu-nha-giao-can-bo-quan-ly-va-nhan-vien-nam-hoc-2017-2018-28/

Hồng Thủy