Các tổ chức xã hội ở đâu trong mối quan hệ thầy trò?

14/03/2019 06:59
Hưng Long
(GDVN) - Các tổ chức xã hội biệt tăm, biệt tích trong mối quan hệ thầy trò có nhiều biến động khó lường.

Mạng xã hội dẫn dắt thông tin…

Thời gian qua, hàng loạt các vụ việc liên quan đến đạo đức nhà giáo đã và đang diễn ra gây bức xúc dư luận. Nhiều thầy giáo – cô giáo đứng trước “nghi án” chưa rõ thực hư.

Hàng loạt các bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội với nhiều thông tin nhiễu loạn.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ. (Ảnh: H.L)
Luật sư Hồ Nguyên Lễ. (Ảnh: H.L)

Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh phân tích, xã hội càng tiến bộ thì mối quan hệ thầy trò càng phải thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau.

Luật Giáo dục 2005 qui định, nhà giáo có nhiệm vụ giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học, bảo vệ các quyền lợi chính đáng người học.

Người học có nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ học tập; tôn trọng nhà giáo, thực hiện nội quy nhà trường.

Luật sư Lễ nói, thế nhưng, đâu đó vẫn xuất hiện những việc mà pháp luật nghiêm cấm, đạo đức nghiêm cấm diễn ra trong quan hệ, môi trường giáo dục.

Rồi sự việc phơi bày trên dư luận truyền thông, báo chí, mạng xã hội... đẩy đưa sự việc vượt qua tầm kiểm soát của chính quyền, người trong cuộc.

Từ việc một thầy giáo một huyện ở An Giang có hình phạt đánh nhiều roi vào mông bốn học sinh lớp 7 là chưa đúng qui định pháp luật.

Sau khi nhận được phản ánh thì Nhà trường, thầy giáo đến nhà học sinh để xin lỗi và bồi thường, tuy nhiên nhà trường không nhận được sự thông cảm của gia đình đó có thể vì còn bức xúc...

Nhưng đến một tháng sau, gia đình có phản ánh rằng học sinh bị thầy giáo đánh “vẹo cột sống” kèm phim X-Quang chứng minh. Với việc tố cáo của phụ huynh thì giáo viên có thể dẫn đến hậu quả xử lý hình sự người vi phạm. Lúc này, truyền thông lại dậy sóng.

Đến thêm vụ tố giác cô giáo ở chung phòng khách sạn với học sinh dưới 16 tuổi ở tỉnh Bình Thuận. Chồng cô giáo đã bắt quả tang vụ việc tại khách sạn kèm vật chứng là áo ngực phụ nữ và chiếc bao cao su nên tố cáo ra công an.

Sự việc lại được dư luận quan tâm và mọi thông tin cá nhân của cô giáo và em học sinh dưới 16 tuổi được cập nhập liên tục trên mạng xã hội.

Đáng ngại hơn, nam học sinh không liên quan đến vụ việc là em Trần Công Mẫn – học sinh lớp 10A3 của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ lại bị cộng đồng mạng quy chụp cho là ngủ với cô giáo.

… truyền thông lại đi quá xa trong nhiều sự việc

Nam học sinh bị tung các hình ảnh cá nhân với nhiều lời chỉ trích trên các trang mạng xã hội với nhiều bình luận khiến em suy sụp tinh thần. Nam học sinh Mẫn đã phải nghỉ học vài ngày do bị sốc.

Luật sư Lễ phân tích, trong sự việc này, truyền thông đã đi quá xa, đẩy cô giáo vào thế phải chống đỡ dư luận, nhà trường và gia đình ngay trong ngày 08/3. 

Cả nhà em xin ...Dư luận hãy buông tha 

Với các hành vi của cô giáo có thể chưa tới mức phải xử lý hình sự, dù cô giáo có thể đang phạm một sai lầm về hành vi ứng xử…

Nhưng cần phải công bằng với cô giáo, cần phải tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của cô giáo để có thông tin đa chiều. Về phía chồng cô giáo chắc cũng không nghĩ, không ngờ tới hậu quả của đơn tố cáo vợ “có quan hệ” với học trò do chồng ký tên, bị đẩy đi quá xa như vậy!  

Luật sư Hồ Nguyên Lễ đặt câu hỏi, thế nhưng, có ai nghĩ tới em học sinh dưới 16 tuổi?

Hiện em vẫn là “trẻ em” được pháp luật bảo vệ theo Luật về trẻ em 2016. Thế nhưng, bảo vệ trẻ em không phải là đưa hình ảnh trẻ em bị xâm hại lên mạng xã hội, đưa tên tuổi trẻ em và cô giáo cho dư luận được rõ từng chi tiết.

Em đang tuổi 16 “bẻ gãy sừng trâu”, là tuổi đang tìm hiểu về tâm sinh lý... em biết làm sao chống đỡ dư luận khi hình ảnh cá nhân em bị truyền thông lật tung Facebook, bình luận và đưa hình ảnh của nam học sinh lên các trang mạng?

Nam học sinh dưới 16 tuổi làm sao có thể đối mặt với bạn cùng lớp, bạn hàng xóm, người thân trong dòng họ? Nếu em nghĩ quẩn thì hậu quả càng xấu?

Luật sư Lễ cho rằng, làm cha - mẹ phải hiểu trách nhiệm giáo dục không chỉ bởi từ nhà trường mà còn phải điều chỉnh theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận.

Các bậc làm cha, làm mẹ cũng phải làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ nhấn mạnh, ngoài sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền thì trách nhiệm của nhiều tổ chức xã hội, như: Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội bảo vệ quyền trẻ em... phải lên tiếng và thực hiện trách nhiệm của Hội trước những vụ việc như trên.

Hưng Long