Vẫn còn nhiều thầy cô cho rằng mình có quyền đánh đập học sinh

19/03/2019 06:04
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo ông Vũ Văn Dũng: “Đành rằng giáo viên hiện nay có nhiều áp lực nhưng có áp lực đến đâu đi chăng nữa cũng không thể để xảy ra bạo lực với học sinh”.

Thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc bạo lực trong nhà trường. Trong đó, có chuyện thầy cô bạo hành chính học sinh của mình. Đặc biệt, những vụ việc lạm dụng tình dục học sinh  gây sửng sốt dư luận.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm tư vấn dịch vụ truyền thông của Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội.

Theo ông Dũng, đây là một thực trạng đã rất là đau lòng khi giáo viên, lãnh đạo nhà trường đã xâm hại tình dục trẻ em và ông cảm thấy rất xót xa.

Ông Vũ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm tư vấn dịch vụ truyền thông của Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội (ảnh Trinh Phúc).
 Ông Vũ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm tư vấn dịch vụ truyền thông của Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội (ảnh Trinh Phúc).

Phân tích sâu hơn vấn nạn này, ông Vũ Văn Dũng bày tỏ quan điểm: “Đành rằng có nhiều áp lực của giáo viên, áp lực về công việc, áp lực cuộc sống gia đình nhưng những áp lực đó có đến đâu chăng nữa cũng không để xảy ra bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em.

Nhà trường là nơi an toàn nhất để yên tâm gửi con vào học tập và phát triển nhưng các vụ việc vừa rồi đã làm cho phụ huynh và mọi người trong xã hội cảm thấy bất an”.

Để hạn chế được vấn nạn này, theo ông Vũ Văn Dũng, phải nâng cao nhận thức, hiểu biết của học sinh về vấn đề bạo lực, xâm hại.

Cùng việc nâng cao nhận thức của học sinh thì phải nâng cao nhận thức của giáo viên.

Vẫn còn nhiều thầy cô cho rằng mình có quyền đánh đập học sinh ảnh 2Giáo viên im lặng để hiệu trưởng xâm hại tình dục học sinh là tội ác

Ông Vũ Văn Dũng nhấn mạnh: “Vấn đề đánh đập vẫn còn xảy ra mà đôi khi người thầy hoặc cô cho rằng mình có quyền được điều đó.

Như vậy, vấn đề nhận thức chưa đúng đắn.

Cần có sự thay đổi về nhận thức làm sao để có câu nói yêu thương mạnh hơn quát mắng.

Cùng với việc nâng cao nhận thức của giáo viên cũng như học sinh thì cũng cần phối hợp rất chặt chẽ giữa nhà trường với học sinh”.

Cuối cùng vị này cho rằng: “Tôi tâm đắc với câu nói lắng nghe con trẻ mỗi ngày. Các bậc phụ huynh khi con về đến gia đình thì hãy dành một thời gian nhất định để trao đổi, trò chuyện cùng với con.

Mỗi cha mẹ quan tâm đến con cái thì sẽ phát hiện ngay ra vấn đề và vào cuộc sớm hơn sẽ không xảy ra các chuyện đau lòng.

Đừng như một trường hợp trẻ ở phía Nam bị bạn của ông xâm hại. Cháu kể với người lớn thì không ai tin. Áp lực quá, khiến cháu đã tự tử”.

Đã có nhiều cố gắng nhưng việc ngăn chặn bạo lực học đường chưa được như ý muốn

Bàn về trách nhiệm của Cục trẻ em, ông Vũ Văn Dũng cho biết: “Đối với vấn đề xâm hại tình dục, bạo lực trong học đường thì Cục trẻ em là đơn vị quản lý nhà nước về trẻ em.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có triển khai chương trình phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo về các chương trình phối hợp, các chương trình tập huấn, truyền thông về các vấn đề bạo lực, xâm hại trong nhà trường.

Về mặt quản lý nhà nước các Bộ ngành đã phối hợp làm sao nâng cao được trình độ, nhận thức về vấn đề bạo lực xâm hại trẻ em cũng như giáo viên trong nhà trường.

Chính phủ đã có các chương trình cụ thể như chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em, rồi các dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia về hệ thống trợ giúp xã hội.

Những cái này, cũng đã có các chương trình, kế hoạch triển khai vấn đề này. Tuy nhiên, vấn đề trong quá trình triển khai có thể gặp khó khăn và chúng ta chưa đặt được hệ quả như mong muốn của các chương trình đã đề ra”.

Trinh Phúc