Nhà nước có cần mất tiền soạn sách giáo khoa không?

27/03/2019 07:13
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Việc độc quyền biên soạn, phát hành sách giáo khoa đã để lại dư luận không tốt trong nhân dân, cả kinh tế và xã hội.

LTS: Chủ đề bàn luận về một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa đang được nhiều người quan tâm.

Trong bài viết này, thầy giáo Sơn Quang Huyến nêu vấn đề về việc liệu nhà nước có cần chi tiền để soạn sách giáo khoa?

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Luật Giáo dục 2005 đã nêu: Sách giáo khoa là tài liệu dạy và học trong nhà trường, nhằm “Cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung, kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục của các môn học ở mỗi lớp, của giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục phổ thông”.

Với ý nghĩa đó, từ trước đến nay sách giáo khoa có một “vai trò rất lớn” trong dạy và học, chi phối và liên quan đến rất nhiều người, nhiều tổ chức, gây ra nhiều bàn cãi, tranh luận từ học thuật đến kinh doanh, in ấn, phát hành v.v...

Nhà nước có cần mất tiền soạn sách giáo khoa? Ảnh minh hoạ: VOV
Nhà nước có cần mất tiền soạn sách giáo khoa? Ảnh minh hoạ: VOV

Trong dạy học, sách giáo khoa trước đây được coi như “pháp lệnh”, nó là “cái khuôn vàng, thước ngọc” cho hoạt động dạy học. 

Thế nhưng, sách giáo khoa càng ngày càng bộc lộ những “yếu điểm chết người”, nó “trói buộc” người dạy và người học, không được sáng tạo. Vì thế, sách giáo khoa không còn vị trí “độc tôn” trước đây nữa. 

Hôm nay, sách giáo khoa đã được trả lại “giá trị thật” của nó: Chỉ là một tài liệu tham khảo của người dạy, người học.

Vấn đề quan trọng nhất của giáo dục chính là khung chương trình; chuẩn kiến thức kĩ năng.

Nhà nước có cần mất tiền soạn sách giáo khoa không? ảnh 2Ai trả tiền viết sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới?

Thay đổi chương trình, vấn đề sách giáo khoa lại làm nóng dư luận, một bộ hay nhiều bộ? Ai soạn sách giáo khoa? Ai trả tiền soạn sách giáo khoa? 

Chúng ta đi qua một vòng bất cứ tiệm sách nào, sách tham khảo áp đảo sách giáo khoa! 

Vậy các đầu sách tham khảo đó có phải do Bộ giáo dục soạn, nhà nước mất tiền in ấn, phát hành?

Không, xin thưa, nhà nước không mất một đồng tiền thuế nào của dân để soạn các tài liệu “bổ trợ” dạy và học đó; mà ngược lại, còn thu được tiền thuế từ hoạt động kinh doanh này. 

Việc độc quyền biên soạn, phát hành sách giáo khoa đã để lại dư luận không tốt trong nhân dân, cả kinh tế và xã hội. 

Như vậy, tại sao chúng ta không để sách giáo khoa được hoạt động theo cơ chế thị trường? 

Chủ tịch Quốc hội băn khoăn nhất là về sách giáo khoa

Nhiều bộ sách giáo khoa, sẽ phát huy được trí tuệ của nhiều người, nhiều tầng lớp tham gia biên soạn, thích hợp với từng vùng miền; góp phần tự do, dân chủ hóa trong giáo dục. 

Khi có sự tham gia soạn sách như vậy, phát huy được công nghệ, có thể có sách giáo khoa điện tử, giảm giá thành, không phải in sách, góp phần bảo vệ môi trường, giúp học trò sớm tiếp cận công nghệ 4.0. 

Bên cạnh đó, người dạy và người học có nhiều nguồn tư liệu khác nhau, tham khảo bộ sách nào phù hợp với mình, vùng miền mình thì sử dụng cho thích hợp.

Thế nhưng, để đảm bảo đúng hiến pháp, pháp luật; cũng cần phải thay đổi luật giáo dục về vấn đề sách giáo khoa; sách giáo khoa là tài liệu tham khảo của người học và người dạy, một chương trình có thể có nhiều bộ sách giáo khoa. 

Xã hội hóa việc biên soạn, giảm chi phí ngân sách của nhà nước; nâng cao được chất lượng, tự do cạnh tranh lành mạnh; làm như thế chỉ có lợi cho đất nước, nhân dân, người dạy, người học.

Sơn Quang Huyến