Hồi ức của thầy giáo Phạm Văn Tân về giáo dục huyện Cô Tô

01/04/2019 06:47
LÃ TIẾN
(GDVN) - Dành 40 năm gắn bó với ngành giáo dục huyện Cô Tô (Quảng Ninh), thầy giáo Lê Minh Tân là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho giáo dục huyện.

Năm 1979 rời thành phố Hoa Phượng Đỏ, thầy giáo Lê Minh Tân chuyển đến huyện Cô Tô (Quảng Ninh)- mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc nhận sứ mệnh gieo chữ cao cả.

Khi mới đặt chân lên mảnh đất này, thầy Tân đã xác định nơi đây là quê hương thứ 2 của mình.

Thầy Tân quyết sẽ gắn bó cả cuộc đời còn lại để gieo chữ, để giữ đảo, xây dựng Cô Tô.

Nhớ lại những ngày đầu còn đầy gian khó, thầy Tân cho biết: “Lúc mới ra nhận nhiệm vụ, huyện Cô Tô có một trường cấp 1-2.

Do học sinh ít, lại có nhiều trình độ khác nhau nên mỗi lớp chỉ có chừng 9 đến 10 học sinh, thậm chí có lớp chỉ có 6 học sinh.

Nói là trường nhưng thực tế là sử dụng nhà kho cũ, hoặc nhờ nhà dân, còn bàn ghế, bảng đều được ghép bằng gỗ do dân đóng góp.

Sách, vở, tài liệu giáo khoa đều thiếu, thậm chí nhiều khi phấn viết bảng không có”.

Thầy giáo Phạm Văn Tân vẫn dành nhiều thời gian chăm sóc, dạy dỗ các cháu học hành (Ảnh: Công Quý)
Thầy giáo Phạm Văn Tân vẫn dành nhiều thời gian chăm sóc, dạy dỗ các cháu học hành (Ảnh: Công Quý)

Khó khăn là vậy song thầy Tân vẫn quyết tâm bám trụ lại Cô Tô, bởi ngoài tình yêu nghề, thầy Tân còn nhận thấy trách nhiệm với các em học sinh thân yêu.

Từ tấm lòng của thầy, trong suốt hơn 20 năm (đến năm 2000 thầy Tân nghỉ hưu) qua nhiều thế hệ học sinh của Cô Tô đã ra trường, trưởng thành, tiếp tục ở lại địa phương xây dựng huyện Cô Tô.

Anh Vũ Văn Phúc là một trong những cựu học sinh của thầy Tân, nay đang giữ chức Phó Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Thanh Lân (huyện Cô Tô).

Anh Phúc luôn tự hào vì thế hệ học sinh các anh được các thầy, cô giáo luôn tận tâm, tận tình dạy bảo, đặc biệt là thầy Tân.

“Không chỉ học được kiến thức từ thầy, chúng tôi còn học được cách sống, ý chí, nghị lực vượt khó.

Những lúc khó khăn nhất chúng tôi luôn được thầy động viên, đồng hành. Để có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ những đóng góp to lớn của thầy Tân”, anh Phúc nói.

Hồi ức của thầy giáo Phạm Văn Tân về giáo dục huyện Cô Tô ảnh 2

Chuyện thầy giáo Nùng giữa rẻo cao mây trắng, yêu học trò bằng tình người anh cả

Những thầy cô công tác cùng thầy Tân lúc bấy giờ còn có thầy giáo Trần Thế Vinh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cô Tô.

Theo thầy Vinh, năm 1996 thầy ra nhận công tác tại huyện Cô Tô, thời điểm đó huyện chỉ có trường cấp 2, 3 Cô Tô, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu thốn.

Do mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy hơn nữa phải xa nhà nên tâm lý chưa ổn định, an tâm để công tác.

Những lúc như thế, thế hệ giáo viên trẻ như thầy Vinh luôn được thầy Tân chia sẻ kinh nghiệm, trau dồi kiến thức.

“Thầy Tân luôn giúp đỡ các đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục của huyện nhà.

Thầy Tân luôn là cánh chim đầu đàn để dìu dắt chúng tôi và quan tâm tới chúng tôi như người cha trong gia đình”, thầy Vinh chia sẻ.

Dù đã nghỉ hưu gần 20 năm nay, ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” song thầy Tân vẫn còn rất khỏe và minh mẫn.

Trong tâm trí của thầy lúc nào cũng canh cánh trong lòng, mong sao công tác giáo dục và đào tạo của huyện ngày càng phát triển.

Thầy luôn động viên ngành giáo dục huyện thi đua dạy tốt, học tốt, đào tạo ra những thế hệ trẻ có năng lực, trình độ, phát huy truyền thống của cha ông, tiếp tục xây dựng Cô Tô mạnh về kinh tế, vững về an ninh quốc phòng.

79 mùa xuân đã qua, thầy Tân đã dành tới 40 năm sinh sống, làm việc tại huyện Cô Tô.

Dù đã nghỉ hưu song thầy luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động tại địa phương như Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn Cô Tô, tham gia Câu lạc bộ thơ.

Đặc biệt là khi huyện Cô Tô có chủ trương vận động nhân dân hiến đất làm đường xuyên đảo giai đoạn 1, gia đình thầy Tân đã tự nguyện hiến đất để bàn giao mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công.

Thầy Tân tâm sự: “Người dân chúng tôi khi được tin huyện mở rộng, nâng cấp đường xuyên đảo, ai nấy đều phấn khởi và khi huyện có chủ trương nhân dân hiến đất làm đường chúng tôi đồng thuận luôn.

Chúng tôi ra Cô Tô từ những năm 1979, khi đó Cô Tô không có đường rộng mà chỉ có những lối đi rất nhỏ, cỏ mọc um tùm, cát nóng bỏng chân…

Được chứng kiến sự đổi thay của huyện qua từng năm tháng, thấy được Cô Tô nay đã khác, đã có bước tiến vượt bậc.

Vì vậy được góp công, góp của để tiếp tục xây dựng huyện Cô Tô chúng tôi cảm thấy rất vui.

Có lẽ với tôi vui hơn cả là thế hệ học trò của tôi trong thời gian nan nhất, nay có nhiều em đã thành đạt. Đó cũng là niềm tự hào của tôi”.

LÃ TIẾN