Nhà trường, nơi khởi nguồn của những ý tưởng khởi nghiệp

02/04/2019 06:13
TẤN TÀI
(GDVN) - Những tiết học trên giảng đường, sinh viên được thầy cô hướng dẫn phương thức hình thành nên các ý tưởng, sản phẩm sáng tạo ý nghĩa để khởi nghiệp.

Ngày 30/3, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh – Đại học Đà Nẵng đã tổ chức "cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo – VNUK Innofest 2019" với sự tham gia của 11 đội.

Những ý tưởng khởi nghiệp độc đáo của sinh viên được khơi nguồn từ những tiết học trên giảng đường. Ảnh: TT
Những ý tưởng khởi nghiệp độc đáo của sinh viên được khơi nguồn từ những tiết học trên giảng đường. Ảnh: TT

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh (VNUK) chia sẻ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang ngày càng chứng tỏ vị thế là một trong những mấu chốt quan trọng trong việc phát triển nội lực của nền kinh tế, xã hội của các quốc gia. Và trường học là nơi tuyệt vời để bắt đầu kinh doanh.

Vì vậy, việc thổi bùng ngọn lửa sáng tạo khởi nghiệp và trang bị những kiến thức nền tảng cần thiết về khởi sự kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

Để trở thành công dân toàn cầu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

“Tại VNUK, sinh viên được truyền cảm hứng và tiếp cận với các kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngay tử năm 1 thông qua môn học tư duy thiết kế (Design Thinking).

Khởi đầu từ các quan sát và nhận thức của mỗi bạn sinh viên với các vấn đề, hiện tượng trong xã hội hay trong chính cuộc sống thường nhật của các bạn.

Thông qua mỗi buổi học của môn học tư duy thiết kế, các bạn sinh viên được các thầy, cô hướng dẫn phương thức hình thành nên các ý tưởng, sản phẩm sáng tạo ý nghĩa giúp giải quyết các vấn đề của cộng đồng xã hội”, Tiến sĩ Hương cho hay.

Sau gần ba tháng trau dồi các kiến thức, kỹ năng và hoàn thiện ý tưởng sáng tạo từ môn học tư duy thiết kế, 11 dự án khởi nghiệp đầy triển vọng của sinh viên VNUK đã lọt vào vòng chung kết.

Trong đó dự án ghế thông minh (Smart Chair) của nhóm Karma đã gây ấn tượn với ban giám khảo bởi khả năng ứng dụng trong thực tiễn.

“Đó là một chiếc ghế thông minh để giúp đỡ những người tàn tật tại sân bay. Người tàn tật chỉ cần quét mã QR của thẻ lên máy bay của họ vào màn hình được gắn trên ghế, chiếc ghế sẽ đưa họ đến tận cổng lên máy bay của chuyến bay của họ và sau đó đưa họ ra máy bay.

Ngoài ra, nếu người tàn tật cần đi đến một điểm nào đó trong sân bay, chẳng hạn như quán cà phê Highland, họ chỉ cần nhập điểm họ cần đến và chiếc ghế thông minh sẽ đưa họ đến nơi”, một thành viên của nhóm chia sẻ.

Hay độc đáo hơn là ý tưởng khởi nghiệp về một chiếc đồng hồ thông minh có khả năng báo tình hình sức khỏe của người hút thuốc lá.

Sinh viên khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn, sản xuất hàng thử nghiệm

Khi người hút thuốc lá thổi vào một cái ổng được gắn vào chiếc đồng hồ, chiếc đồng hồ sẽ đo nồng độ khí CO trong máu của người hút thuốc và sau đó hình ảnh phổi của họ với các cấp độ nguy hiểm khác nhau sẽ được chiếu lên màn hình đồng hồ.

Chiếc đồng hồ giúp cho người hút thuốc biết được tình trạng sức khỏe của mình.

Liên quan đến công nghệ thông tin thì nhóm W.O.U lại có ý tưởng xây dựng một trang mạng xã hội có khả năng kết nối những người gặp vấn đề về tâm lí với những người bác sĩ trị liệu.

Trên trang mạng này cũng sẽ kết nối những người có chung vấn đề về tâm lí với nhau để từ đó có những chia sẻ, tìm sự đồng cảm...

Những ý tưởng khởi nghiệp này được ban giám khảo đánh giá cao và hứa hẹn sẽ có nhiều cơ hội để thương mại hóa nếu được đầu tư bài bản.

TẤN TÀI