Làng Phù Ủng, chuyện xưa, chuyện nay

01/04/2019 06:49
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Thật đau lòng cho truyền thống yêu nước thương nòi của một ngôi làng nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, bị bôi nhọ bởi hành động vô cảm của những người “có học".

LTS: Sau sự việc nữ sinh lớp 9 bị lột quần áo đánh hội đồng tại Hưng Yên, thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ những suy nghĩ của mình.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chuyện xưa kể lại, Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt bên đường, vì mãi nghĩ mấy câu trong binh thư nên không biết có quân của Hưng Đạo Vương đi qua, bị đâm một giáo vào đùi vẫn không hề hay biết. 

Phạm Ngũ Lão mãi nghĩ binh thư, “vô cảm” với nỗi đau của chính mình, vì thế ông đã lọt vào “mắt xanh” của Hưng Đạo Vương. 

Được rèn giũa dưới trướng Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão trưởng thành, phát huy được những sở trường, trở thành vị tướng tài năng kiệt xuất, lập được nhiều chiến công.

Năm 1285, khi giặc Nguyên Mông xâm lược Đại Việt lần thứ hai, Phạm Ngũ Lão đương giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ, trấn giữ vùng Ải Bắc, đã đem quân phối hợp với các cánh quân của Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản đánh cho giặc đại bại ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, chém đầu Toa Đô và khiến chủ tướng giặc là Thoát Hoan phải bạt vía.

Làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay là thuộc huyện Ân Thi, Hưng Yên) đã nổi tiếng khắp đất nước nhờ người con kiệt xuất của làng. 

Đúng 745 năm sau, lịch sử của làng Phù Ủng cũng “nổi tiếng” bởi sự “vô cảm” của thầy cô giáo trong Trường Trung học cơ sở Phù Ủng. 

Trường Trung học cơ sở Phù Ủng - nơi xảy ra sự việc nữ sinh bị các bạn lột đồ, đánh hội đồng. Ảnh: VTV
Trường Trung học cơ sở Phù Ủng - nơi xảy ra sự việc nữ sinh bị các bạn lột đồ, đánh hội đồng. Ảnh: VTV

Giờ này hỏi bất cứ người nào quan tâm đến giáo dục; có lương tâm, ai cũng cảm thấy phẫn nộ, khi xem video clip quay lại cảnh nhóm nữ sinh lớp 9 ở trường Trung học cơ sở Phù Ủng, hành hạ bạn học của mình. 

Lạ lùng thay, có một người “vô cảm” có thể được bầu là số một thế giới: Giáo viên chủ nhiệm lớp; dù biết rõ sự việc, nhưng im lặng! 

Đáng trách hơn, giáo viên này còn yêu cầu các học sinh liên quan “phải xóa clip”, giữ im lặng về hành vi bạo lực ghê tởm nhắm vào một nữ sinh yếu thế!

Sự “vô cảm” của giáo viên chủ nhiệm, thậm chí còn gây phẫn uất hơn cả những cú đấm, cú đá, hành vi lột đồ dã man của đám học sinh kia!  

Việc xảy ra đình đám như thế ở trong trường, nếu giáo viên khác không biết, không ai có thể tin được. Hơn nữa, đây không phải xảy ra lần đầu. Như vậy những người  “vô cảm” ở trường này, không thể “vô can”.

Làng Phù Ủng, chuyện xưa, chuyện nay ảnh 2Tội ác dưới mái trường là tất yếu của sự dung dưỡng những điều dối trá

Thật đau lòng cho truyền thống yêu nước, thương nòi của một ngôi làng nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, bị bôi nhọ bởi hành động “vô cảm” của những người “có học”!

Sự việc xảy ra ở Trường Trung học cơ sở Phù Ủng và Trường Phổ thông dân tộc nội trú - Trung học cơ sở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), có điểm chung là sự “vô cảm” của những người xung quanh trước nỗi đau đồng loại.

Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo sự “vô cảm trước nỗi đau đồng loại” đang, đã tồn tại ngay trong giáo viên, học sinh; đáng lẽ ra điều đó không thể có trong môi trường giáo dục!

Có người đã phải thốt lên “Trong một môi trường đậm đặc mùi giả dối, tội ác không thể không nảy sinh”. 

Làm sao để không tồn tại tội ác trong trường học? 

Chúng ta không thể kêu gọi “Thầy cô ơi, xin bớt vì thành tích của mình”, mà phải xóa ngay bệnh thành tích trong trường học.

Chính bệnh thành tích đang dung dưỡng những hành vi giả dối, mầm mống của tội ác. 

Hãy trả sự thật thà về cho môi trường giáo dục, làm thật, nói thật, dạy thật, sự thật. Cái ác phải chỉ tên, điểm mặt, bị trừng trị, không bao biện, không bao che. 

Chỉ có minh bạch mới làm sạch bệnh giả dối, xóa đi lớp “mây mù” bao phủ trường học. Xóa bệnh thành tích  không khó, chỉ cần trên dưới đồng lòng thực hiện. 

Thực hiện kiên quyết, kịp thời như xử lý ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm lớp trong vụ bạo lực ở trường Trung học cơ sở Phù Ủng. 

Loại ra khỏi vị trí quản lý những cán bộ vô cảm trước nỗi đau của học trò; đình chỉ đứng lớp ngay những giáo viên chỉ biết vì thành tích của mình mà quên đi quyền lợi của học trò, trách nhiệm của bản thân. 

Khi cái xấu, cái ác bị răn đe, được giáo dục, cái đẹp mới lên ngôi, sự tử tế mới lan tỏa.

Chỉ như thế mới không còn những clip làm đau lòng bất cứ ai xem, trả lại sự bình yên cho trường học; mới thực sự mỗi ngày đến trường là một niềm vui.

Sơn Quang Huyến