Bộ trưởng Giáo dục giải trình về 4 nhóm vấn đề được quan tâm trong Luật Giáo dục

04/04/2019 15:09
Đỗ Thơm
(GDVN) - Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 4/4, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình 4 nhóm vấn đề được đại biểu quan tâm trong Luật Giáo dục (sửa đổi).

Vấn đề thứ nhất là về chương trình sách giáo khoa.

Trong Nghị quyết 29, sau đó là Nghị quyết 88 của Quốc hội quy định một chương trình có một số sách giáo khoa.

Để thực hiện việc này, các đại biểu cũng thảo luận rất kỹ ở Quốc hội khóa trước và rất nhiều vấn đề đã được đưa ra xem xét.

Cuối cùng Quốc hội đã đi đến thống nhất một chương trình có một số sách giáo khoa.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, đổi mới lần này khác với 3 lần trước, đổi mới rất căn bản toàn diện.

Trước hết là chương trình tổng thể. Chương trình tổng thể bám rất sát vào mục tiêu, nội dung phương pháp. Từ chương trình tổng thể bắt đầu đi vào chương trình chi tiết từng môn học.

Nó được xây dựng trên một nguyên tắc chuẩn đầu ra từng cấp học, từng môn và có sự nối tiếp với nhau giữa các cấp học và môn học.

Chính vì chương trình tổng thể đến chương trình môn học này rất chặt chẽ và được quy định đấy là pháp lệnh. Tất cả các trường phổ thông, các cơ sở trong toàn quốc dạy học theo đó.

Tiếp đó là đảm bảo tính linh hoạt giữa nội dung cơ bản với kiến thức phân hóa của địa phương. Trong chương trình thiết kế là 80% nội dung khung thống nhất toàn quốc, 20% chương trình địa phương.

“Nhưng không phải địa phương muốn viết gì thì viết, nó phải dưới hướng dẫn của Bộ.

Địa phương huy động tất cả các thành phần nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà giáo dục viết theo hướng dẫn của Bộ. Sau đó, đưa về Bộ thẩm định thống nhất với chương trình tổng thể sau đó mới ban hành.

Vậy là đảm bảo thống nhất có tính chất pháp lệnh với sự linh hoạt và có căn cứ theo đó viết sách giáo khoa.

Việc thứ hai về sách giáo khoa là Quốc hội khóa trước đó trong Nghị quyết 88 viết rất rõ, sách giáo khoa là tài liệu cơ bản, quan trọng nhưng không phải là pháp lệnh.

Người viết sách giáo khoa phải viết và bám sát vào khung chương trình. Do vậy, dù viết như thế nào thì khung chương trình, tương đồng chương trình phải dứt khoát toàn quốc. Không phải mỗi người viết một kiểu.

Bộ đã có thông tư hướng dẫn những người được viết sách giáo khoa chứ không phải ai muốn viết là viết. Và hướng dẫn đó, Thứ 4 này chúng tôi tập huấn.

Bộ trưởng Giáo dục giải trình về 4 nhóm vấn đề được quan tâm trong Luật Giáo dục ảnh 2Nhà xuất bản Giáo dục giải thích thế nào khi sách giáo khoa đã tăng giá?

Sau khi viết xong, có sách giáo khoa đúng quy trình, quy định, Bộ thành lập Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Quốc gia để xem xét ban hành”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Để chủ động cho việc đổi mới, Quốc hội đã có quyết định trong Nghị quyết 88 là giao cho Bộ Giáo dục chủ động chỉ đạo viết biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Bộ trưởng khẳng định: “Bộ sách do Bộ chỉ đạo biên soạn với các Bộ do tổ chức cá nhân đều bình đẳng như nhau và được thẩm định dựa trên khung chương trình và được Hội đồng Quốc gia thẩm định.

Không có chuyện mỗi sách một kiểu, mỗi địa phương một kiểu. Việc này có những cái tốt và cái hạn chế. Nhưng về xu hướng quốc tế là như thế, chúng ta cũng không thể một bộ.

Ý nghĩa quan trọng để làm sao thu hút được nhiều người giỏi, nhiều người có điều kiện, đặc biệt quan trọng hơn nữa khuyến khích các giáo viên chủ động sáng tạo thiết kế bài giảng, chương trình giảng.

Tránh trường hợp cứ dựa vào tài liệu sách giáo khoa như một tài liệu đóng khung dẫn đến cứng nhắc thầy dạy trò chép. Đây là một trong những việc thực hiện đúng Nghị quyết 29 đổi mới căn bản toàn diện và Nghị quyết 88.

Cho đến thời điểm này, Bộ Giáo dục đang thực hiện đúng theo hướng đó”.

Vấn đề thứ hai là đối với giáo viên, người học.

Đối với giáo viên, cho đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ ngành liên quan đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định, Thông tư trong đó có nội dung về phòng chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, chống bạo lực học đường như Nghị định 80 năm 2017 và rất nhiều nghị định khác nữa.

Về mặt văn bản, quy định với người dạy, đối với nhà trường, người học có cả nhưng vấn đề là nhận thức và tổ chức thực hiện là chưa nghiêm.

Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ đã rà soát những vấn đề gì rõ ràng để pháp định trong luật này và tiếp tục rà soát tiếp để làm sao khi ban hành, các vấn đề có tính chất căn cốt quy định giáo viên, học sinh, gia đình, xã hội cấm, không được làm. Quy định rõ ràng để thống nhất thực hiện.

Về các vấn đề chuẩn mà các đại biểu có nêu, năm vừa rồi Bộ ban hành những quy định chuẩn hóa giáo viên.

Chuẩn giáo viên bây giờ không phải chỉ là chuẩn đào tạo mà 5 tiêu chuẩn 14 tiêu chí, trong đó chuẩn đào tạo chỉ là một.

Ví dụ phẩm chất đào tạo, phẩm chất nghề nghiệp, xây dựng môi trường giáo dục, chuẩn xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình – cộng đồng được đánh giá rất cao.

Còn vấn đề liên quan đến chuẩn ngoại ngữ, tin học, Bộ trưởng khẳng định, không phải các giáo viên đều phải có chứng chỉ ngoại ngữ mà có quy định tối thiểu, ví dụ những giao tiếp thông thường.

Bộ trưởng cho rằng đấy là hiểu không đúng về chuẩn giáo viên, Bộ đã có chỉ đạo với các địa phương.

Việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên nhưng phải linh hoạt phù hợp đạt được đích đến, tạo điều kiện cho giáo viên phấn đấu. Việc đạt chuẩn, Bộ có tính trong giải trình hướng tới làm sao để đạt chuẩn.

Đó là là giáo dục mầm non bây giờ không phải chỉ chăm, nuôi mà phải giáo dục. Nội dung giáo dục phải được đề cao, trường mầm non không chỉ là nơi chăm sóc, do vậy thời gian, lượng chuyên môn, kỹ năng phải được tăng cường cho giáo viên.

Tính ra hiện nay trên toàn quốc còn khoảng 100.000 các cô cần phải chuẩn hóa, rải ra trong vòng 5 năm. Và hệ thống các trường sư phạm đã đầy đủ, số giáo viên được tính toán có lộ trình và phương thức đào tạo, tính đến khả thi.

Vấn đề thứ ba là liên quan đến hòa nhập.

Đây là vấn đề một số đại biểu có ý kiến rất đúng.

Bộ đã khảo sát, đánh giá tổng kết 10 năm mô hình trường phổ thông bán trú, nội trú có rất nhiều cái được.

“Trong đó có một thứ chúng tôi đã báo cáo và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã rất ủng hộ cái này.

Trong điều kiện hiện nay, chúng ta phải mở rộng giáo dục hòa nhập để làm sao các cháu dân tộc thiểu số có cơ hội, điều kiện hòa nhập với các cháu cùng trang lứa ở địa bàn.

Điều kiện bây giờ đã khác rồi, ý kiến của đại biểu chúng tôi sẽ tiếp thu để làm sao phổ biến tốt cái này.

Tuần vừa rồi, chúng tôi có đi khảo sát ở Điện Biên và thống nhất xây dựng một số trường thí điểm, trường giáo dục hòa nhập giữa các cháu dân tộc thiểu số với các cháu dân tộc khác trong cùng địa bàn có nhiều cơ hội được giao lưu để tăng tính chủ động tự tin của các cháu.

Chúng tôi sẽ tiếp thu để làm rõ”, Bộ trưởng cho hay.

Vấn đề thứ tư là tài chính trong giáo dục.

Trong dự thảo cũng có nêu nhưng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng kiến nghị làm rõ thêm.

Thực tế, ngân sách Nhà nước rất tạo điều kiện, rất cố gắng nhưng không thể đáp ứng được với nhu cầu nâng cao chất lượng, yêu cầu giáo dục. Đặc biệt trong bối cảnh đội ngũ giáo viên và trường lớp như hiện nay.

“Chúng tôi có đề xuất Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và đã được tiếp thu.

Một mặt nhà nước có trách nhiệm trước hết đối với giáo dục đại trà, bồi dưỡng tài năng, vùng trũng khó khăn, miền núi hải đảo nhưng đồng thời khuyến khích chất lượng giáo dục ở trình độ cao tăng cường xã hội hóa.

Trong xã hội hóa, chúng tôi có đề nghị, thứ nhất đối với các trường dân lập, tư thục nhưng đồng thời thực hiện đối với các trường công lập ở những nơi có điều kiện.

Bộ trưởng Giáo dục giải trình về 4 nhóm vấn đề được quan tâm trong Luật Giáo dục ảnh 3Câu chuyện chương trình, sách giáo khoa vẫn chưa ngã ngũ

Qua thực tiễn khảo sát một số địa phương, chúng tôi nhận thấy cũng phải có cơ chế để làm sao các trường đổi mới cơ chế, điều kiện vận dụng.

Khi các trường có đủ điều kiện để tự chủ tài chính, tự chủ thường xuyên thì họ cũng được điều kiện để làm sao họ có cơ chế tự chủ theo hướng tăng khả năng, tăng điều kiện, tăng chế độ trách nhiệm, giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước.

Đối với giáo dục đại học thì rõ rồi, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.

Nhưng đối với mầm mon, phổ thông (ở đây không phải bắt buộc) có những nơi, cơ sở có điều kiện cũng phải tạo điều kiện cho họ để làm sao phát triển được chất lượng và đồng thời góp phần giảm áp lực cho ngân sách địa phương”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Đỗ Thơm