'Ngừng chơi' với UNESCO, Mỹ tự hại mình?

01/11/2011 19:55
Theo Đất Việt

Trong số những nước bỏ phiếu thuận có Pháp cùng các nước Arab, châu Phi, Mỹ Latin và châu Á, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.
UNESCO kết nạp Palestine, giúp họ tới gần vị trí quốc gia độc lập tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Đồng thời, nó cũng làm xói mòn  sức mạnh mềm của Washington. Trong cuộc họp của Đại Hội đồng UNESCO tại Paris, Pháp, UNESCO nhất trí coi Palestine là thành viên đầy đủ của tổ chức này với 107 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 52 phiếu trắng. Trong số những nước bỏ phiếu thuận có Pháp cùng các nước Arab, châu Phi, Mỹ Latin và châu Á, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ. Israel, Mỹ, Canada và Đức bỏ phiếu chống.
UNESCO trở thành cơ quan đầu tiên thuộc Liên Hiệp Quốc dành cho Palestine quy chế thành viên đầy đủ. Ảnh: Bloomberg.
UNESCO trở thành cơ quan đầu tiên thuộc Liên Hiệp Quốc dành cho Palestine quy chế thành viên đầy đủ. Ảnh: Bloomberg.
Palestine Ngay sau khi kết quả cuộc bỏ phiếu được công bố, quan chức ngoại giao hàng đầu của Palestine Riyad al-Maliki khẳng định: “Đây là thời khắc lịch sử trả lại cho Palestine các quyền chính đáng của mình”. Phát ngôn viên chính quyền Palestine Ghassan Khatib cũng ca ngợi đây là “cuộc bỏ phiếu về niềm tin của cộng đồng quốc tế”. “Cuộc bỏ phiếu này hết sức quan trọng đối với chúng tôi bởi cuộc đấu tranh của chúng tôi với Israel không chỉ là chống lại sự chiếm đóng lãnh thổ mà còn là sự xói mòn lịch sử và nền văn hóa Palestine. Vì vậy, cuộc bỏ phiếu sẽ giúp chúng tôi duy trì được những giá trị truyền thống của mình”, ông Ghassan Khatib nhấn mạnh. Còn nhà lãnh đạo Abbas khẳng định: “Chúng tôi tin rằng toàn thế giới ngày hôm nay ở bên cạnh nhân dân Palestine và đó là sự bỏ phiếu ủng hộ thành lập một nhà nước Palestine càng sớm càng tốt”. Trong khi đó, tại Gaza, một người phát ngôn của Phong trào Hồi giáo Hamas cho rằng, việc bỏ phiếu tại UNESCO là một giai đoạn tích cực khẳng định quyền xác thực của nhân dân Palestine trên đất của mình. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, tư cách thành viên UNESCO khó có thể giúp chính quyền Palestine tiến gần hơn với quy chế quốc gia độc lập của Liên Hiệp Quốc. Dẫu vậy, động thái này cho thấy quyết tâm nỗ lực không mệt mỏi của Palestine trước thế bế tắc tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc do sự phản đối của Mỹ và phần nào khích lệ chính quyền của ông Abbas tiếp tục gia nhập các tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Bên cạnh đó, với tư cách thành viên đầy đủ của UNESCO, Palestine sẽ có cơ hội giữ lại những di tích lịch sử tại Bờ Tây và Đông Jerusalem.Israel Trong một phản ứng đầu tiên, Bộ Ngoại giao Israel tuyên bố: "Israel phản đối quyết định của Đại hội đồng UNESCO chấp nhận Palestine là thành viên của tổ chức này. Hành động đơn phương này của Palestine sẽ không đem lại bất cứ thay đổi nào trên thực tế, mà chỉ làm tăng khả năng hai bên không đi tới được một thỏa thuận hòa bình”.
Quyết định của UNESCO có thể ảnh hưởng đến nỗ lực đưa Palestine trở lại tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông. Ảnh minh họa: Time.
Quyết định của UNESCO có thể ảnh hưởng đến nỗ lực đưa Palestine trở lại tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông. Ảnh minh họa: Time.
Ngoài ra, phía Isreal cũng khẳng định sẽ “cân nhắc lại” sự hợp tác của nước này đối với Liên Hiệp Quốc , hàm ý chấm dứt tài trợ cho UNESCO trong tương lai. Hiện tài trợ của Israel tương đương 3% ngân sách hàng năm của UNESCO. Trong khi đó, Đặc phái viên Israel gọi hành động này là thảm kịch và là “một sự tổn hại đối với luật pháp quốc tế”. Nhiều nhà phân tích chia sẻ quan điểm rằng, quyết định này của UNESCO thực tế không đáng lo ngại đối với Israel bởi nó không thể giúp Palestine lấy lại những gì đã mất về tay Israel. Nếu có thể, tư cách thành viên đầy đủ tại UNESCO của Palestine cũng chỉ làm cản trở nỗ lực đưa Palestine trở lại vòng đàm phán của Bộ tứ Trung Đông.Mỹ Cùng giọng điệu với Israel, đại diện của Mỹ tại UNESCO gọi cuộc bỏ phiếu này là “hấp tấp” và khẳng định, điều này có thể sẽ “làm phức tạp thêm” nỗ lực của Mỹ trong việc ủng hộ cơ quan này. Không dừng lại ở lời nói, Mỹ tuyên bố cắt các đóng góp tài chính cho UNESCO. Bộ Ngoại giao Mỹ nói sẽ không trao cho UNESCO 60 triệu USD trong tháng 11 theo như quy định. Mỹ hiện là nước tài trợ nhiều nhất cho UNESCO. Hàng năm, Mỹ cấp một ngân khoản trị giá 22% tổng ngân sách của cơ quan này. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, sự cứng rắn của Mỹ không hoàn toàn là do tự nguyện. Cách đây 15 năm, Mỹ ban hành văn bản luật, theo đó, Washington sẽ chấm dứt viện trợ cho bất cứ cơ quan nào thuộc Liên Hiệp Quốc công nhận tư cách thành viên đầy đủ của Palestine. Và giờ là lúc Washington phải thực thi điều luật do chính mình đặt ra đó. Tuy nhiên, quyết định này sẽ bất lợi đối với Mỹ. Một quan chức Mỹ thừa nhận, chính quyền Mỹ lâu nay coi UNESCO là một lợi ích chiến lược của mình và với khoản tài trở khổng lồ hàng năm, Mỹ biến tổ chức này thành công cụ hữu dụng nhằm truyền bá các giá trị phương Tây. Nếu Mỹ chấm dứt viện trợ, quốc gia này vẫn là thành viên của UNESCO trong hai năm tới nhưng chắc chắn sức ảnh hưởng của Washington tại tổ chức này sẽ bị suy yếu. “Trong một thế giới mà sức mạnh mềm ngày càng trở nên quan trọng như hiện nay thì có thể thấy, hành động của Mỹ đồng nghĩa với việc tự cắt đi cánh tay của mình”, Ronald Koven, quan chức thuộc Ủy ban Tự do ngôn luận quốc tế nhấn mạnh.
Theo Đất Việt