Thi hay xét giáo viên dạy giỏi, những câu hỏi chưa có lời đáp

16/04/2019 06:18
Phan Tuyết
(GDVN) - Nhưng bỏ thi qua xét, lại lo “diễn” kiểu khác. Đó là việc “diễn” làm đẹp hồ sơ, “diễn” chạy chất lượng ảo…để lấy thành tích. Điều này, còn nguy hiểm hơn nhiều.

Câu chuyện thi hay xét giáo viên dạy giỏi vẫn đang nóng trong các cuộc tranh luận trên nhiều diễn đàn.

Ngày 6/4, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức tọa đàm để lấy ý kiến về vấn đề thi hay xét giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi.

Toàn cảnh tọa đàm (Ảnh Báo Lao động)
Toàn cảnh tọa đàm (Ảnh Báo Lao động)

Nhiều ý kiến trái chiều cần cân nhắc

Theo ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Dự thảo thông tư quy định điều kiện xét công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, huyện và tỉnh thông qua các tiêu chí.

Hội đồng sẽ kiểm tra hồ sơ, minh chứng của giáo viên, nghiên cứu chất lượng đạt được của các hồ sơ và họp lấy ý kiến bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Trường hợp được 2/3 thành viên của hội đồng trở lên nhất trí thì công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi.{1}

Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, xét một cách khách quan thì ai nói cũng có lý.

Nếu thi sẽ xảy ra tình trạng “diễn” tiết dạy. Không chỉ một mình thầy cô đi thi phải “diễn” mà khá nhiều giáo viên trong trường cũng phải chạy maratong vào vòng “diễn ấy”.

Xét giáo viên giỏi sẽ vẫn hình thức và nhiêu khê

Nào là dự giờ góp ý, nào là hỗ trợ soạn giáo án, lo đồ dùng dạy học…

Học sinh cũng mệt bở hơi tai vì phải liên tục nghe thầy cô giảng những điều mình đã biết, đã thuộc.

Nhưng bỏ thi qua xét, lại lo “diễn” kiểu khác. Đó là việc “diễn” làm đẹp hồ sơ, “diễn” chạy chất lượng ảo…để lấy thành tích.

Tập thể không phải góp sức nhiều như khi thầy cô đi thi nhưng bản thân giáo viên ấy, phải mất quá nhiều thời gian lo cho việc làm đẹp các hồ sơ, chuẩn bị nhiều dữ liệu để làm minh chứng

Rồi những lá phiếu liệu có công tâm hay đầy cảm tính? Yêu thương dù dở cũng bỏ cho thành đậu. Còn đã ghét rồi thì giỏi cũng cho thành dở, ai biết "ma ăn cỗ chỗ nào?".

Đặc biệt có ý kiến: Nên đánh giá giáo viên bằng sự tiến bộ của học trò

Nhìn vào chất lượng học sinh để đánh giá giáo viên. Nghe thì thấy hợp lý vì thầy cô có nỗ lực, học sinh mới tiến bộ. Thầy cô có dạy giỏi, học sinh mới học tốt.

Thế nhưng, bất cập nằm ở chỗ, chất lượng đầu vào của lớp, giáo viên không được quyền sát hạch học sinh thì không thể lấy chất lượng đầu ra để làm căn cứ đánh giá.

Ví dụ, vào đầu năm học, học sinh của lớp 3A có khoảng 3 em không biết đọc hoặc đọc khá yếu (trình độ chưa bằng học sinh lớp 1) nhưng giáo viên lại không được phép đánh giá học yếu, học kém.

Thầy cô chỉ được quyền ghi “hơi chậm”. Với những đối tượng này, giáo viên có dạy kèm nỗ lực đến đâu thì cũng không thể biến một học sinh lớp 3 không biết đọc thành biết đọc, biết viết chỉ trong vòng một năm (điều này đã được minh chứng khá nhiều trong thực tế).

Vậy thì, cuối năm sẽ đánh giá thầy cô này thế nào? Đánh giá thế liệu có công bằng không?

Ví dụ khác, cô A nhận được lớp chủ nhiệm hoàn toàn là học sinh khá giỏi của trường. Vậy nên cuối năm, đầu ra của học sinh lớp cô cũng sẽ vô cùng ổn.

Xét giáo viên dạy giỏi, những chuyện ngay dưới mái trường

Ngược lại, cô B nhận phải lớp học kém nhất trường. Công sức của cô B với lớp, với trò không thể kể hết.

Thế nhưng, cuối năm lớp cô A 100% học sinh đạt chuẩn và lên lớp. Còn lớp cô B vẫn còn vài % học sinh yếu.

Mặc dù công sức cô A bỏ ra cho lớp không thể bằng cô B nhưng cô A được nhà trường, Ban giám khảo đánh giá tốt còn cô B chỉ được đánh giá khá.

Đánh giá kiểu này, cô A đương nhiên đạt giáo viên dạy giỏi, còn cô B không đạt vậy có quá bất công?

Giáo viên sẵn sàng ủng hộ việc đánh giá năng lực giảng dạy bằng việc kiểm tra chất lượng của học sinh nhưng với một điều kiện phải làm sát hạch để ghi nhận chất lượng đầu vào.

Trong câu chuyện thi hay xét giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, không ai nhiều kinh nghiệm thực tế bằng các thầy cô giáo. 

Bởi thế, rất cần Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu tâm đến những ý kiến, những điều trăn trở của các giáo viên ở cơ sở.

Từ đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa ra được một phương án tốt nhất. 

Tài liệu tham khảo:

https://laodong.vn/giao-duc/tranh-luan-nong-ve-viec-nen-thi-hay-xet-giao-vien-day-gioi-726486.ldo{1}

Phan Tuyết