Đại đội 9 và những thời khắc lịch sử

29/04/2019 11:00
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Đại đội 9 bộ binh thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, là một trong những đơn vị đầu tiên có mặt tại dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

LTS: Nhân kỷ niệm 44 năm ngày Chiến thắng 30/4/1975, Đại tá Đặng Việt Thủy gửi đến độc giả bài viết về Đại đội 9 bộ binh thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, là một trong những đơn vị bộ binh đầu tiên có mặt tại dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả bài viết.

Đại đội 9 bộ binh thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, là một trong những đơn vị bộ binh đầu tiên có mặt tại dinh Độc Lập vào sáng 30 tháng 4 năm 1975, cùng các lực lượng tham gia bắt nội các của chính quyền Dương Văn Minh đầu hàng.

Trong cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, Đại đội 9 đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công các hạng: hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và 1 Huân chương Chiến công Giải phóng.

Trong những năm tháng chiến tranh, Đại đội 9 đã cùng các đơn vị của Trung đoàn 18 (Trung đoàn 2 lần được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) cơ động chiến đấu đánh địch ở các chiến trường: miền Nam (1972-1976), Lào (1976-1978), Campuchia (1979-1986).

Đại đội 9 có bề dày truyền thống lịch sử, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, luôn đảm nhận những mục tiêu quan trọng của trung đoàn, sư đoàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đánh nhiều trận tiêu biểu, hiệu suất chiến đấu cao.

Thành tích ấy đã được ghi vào lịch sử của trung đoàn, sư đoàn và địa phương nơi đơn vị chiến đấu.

Khoảng 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng 390 của quân giải phóng đã húc tung cánh cửa cổng chính dinh Độc Lập - đánh dấu giờ phút sụp đổ của chế độ Ngụy quyền (ảnh do một nữ nhà báo người Pháp chụp vào thời điểm đó). Ảnh đăng trên hanoimoi.com.vn
Khoảng 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng 390 của quân giải phóng đã húc tung cánh cửa cổng chính dinh Độc Lập - đánh dấu giờ phút sụp đổ của chế độ Ngụy quyền (ảnh do một nữ nhà báo người Pháp chụp vào thời điểm đó). Ảnh đăng trên hanoimoi.com.vn

Tháng 8 năm 1971, Đại đội 9 đón nhận lớp tân binh quê ở các tỉnh Bắc Thái, Vĩnh Phú, Hải Hưng, Hà Tây (cũ) và Hải Phòng về đơn vị.

Đây là các chiến sĩ phần lớn đã tốt nghiệp cấp 3 của các tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng, trung du và miền núi Bắc Bộ.

Có thể nói lớp chiến sĩ này đã kế thừa xuất sắc truyền thống hào hùng của đơn vị, lập nên những chiến công oanh liệt từ Thành cổ Quảng Trị đến chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đầu tháng 5 năm 1972, sau khi vượt sông Bến Hải (đoạn Cửa Tùng nằm trong "Hàng rào điện tử Mắcnamara) vào đến Quảng Trị, đơn vị đã nhiều lần phối hợp với Lữ đoàn 202 tăng thiết giáp, chiến đấu quyết liệt với lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến của quân ngụy Sài Gòn.

Ngày 17 tháng 6 đến 24 tháng 6 năm 1972, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9 nổ súng đánh thắng trận đầu ở khu vực Thanh Hương, Diên Khánh, Vĩnh Xương; đường 18 bắc sông Mỹ Chánh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), tiêu diệt 200 tên địch, đẩy lùi nhiều đợt phản kích của chúng. Trận này đơn vị được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba.

Tiếp đó, ngày 28 tháng 8 năm 1972, Đại đội 9 đã cùng Tiểu đoàn 9 cơ động tham gia đánh lui 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến địch ở làng Long Quang, Triệu Trạch, Triệu Phong, Quảng Trị. Đơn vị lại được trên tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba.

Trong những ngày chiến đấu phòng ngự ác liệt ở các khu vực Trung Kiên, Nhan Biều 3 và Bắc sông Thạch Hãn, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 9 đã anh dũng hy sinh, trong đó có các đồng chí Lê Khắc Vận (quê Hải Dương) - Chính trị viên đại đội, đồng chí Nguyễn Thanh Hà - Trung đội trưởng (quê Quảng Nam), đồng chí Đào Tiến Nghĩa, chiến sĩ (quê Thái Nguyên) bị thương vẫn kiên cường chiến đấu và hy sinh…

Máu của họ đã tô thắm thêm mốc son chiến công và là nốt nhạc bi tráng Thành cổ Quảng Trị năm 1972...

Đại đội 9 và những thời khắc lịch sử ảnh 2Chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết

Năm 1973, sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, Đại đội 9 được giao nhiệm vụ chốt giữ vùng giải phóng, phòng ngự trực tiếp với địch.

Đại đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng vùng giải phóng phía tây tỉnh Quảng Trị và đường 15N.

Giữa năm 1974, địch liên tiếp phá hoại Hiệp định Pa-ri, tình hình trên toàn chiến trường miền Nam sôi động.

Tháng 3 năm 1975, đại đội tham gia chiến dịch giải phóng Thừa Thiên - Huế, trực tiếp đánh chiếm điểm cao 560 trong đội hình Tiểu đoàn 9. Trong trận đánh then chốt này, Đại đội 9 đã bị tổn thất nghiêm trọng.

Chính trị viên Nguyễn Văn Dũng (quê Nghệ An) hy sinh, Đại đội trưởng Nguyễn Đình Quỳ (quê Hà Tĩnh) bị thương nặng; nhiều đồng chí trong đại đội bị thương và hy sinh anh dũng.

Kết thúc trận đánh điểm cao 560, quân số của đại đội khi cùng đội hình tiểu đoàn xuống cắt đường Quốc lộ 1 chỉ còn 27 đồng chí.

Từ Quốc lộ 1, Đại đội 9 được giao làm mũi nhọn chiến đấu dọc theo đường 1, trục đường sắt qua ga Thừa Lưu, Lăng Cô, đánh chiếm chân đèo Hải Vân. Sau đó lại vượt qua đèo Hải Vân kết hợp cùng các đơn vị bạn tiến vào giải phóng Đà Nẵng vào ngày 29 tháng 3 năm 1975.

Tiếp đó, để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn, ngay tại thành phố Đà Nẵng đại đội được bổ sung lớp chiến sĩ Hà Nội; đồng thời được củng cố tăng cường cán bộ đại đội, bổ sung vũ khí đạn dược để chuẩn vị tiến đánh Sài Gòn.

Chiều ngày 17 tháng 4 năm 1975, Đại đội 9 được Trung đoàn và Sư đoàn giao nhiệm vụ phối thuộc chiến đấu với Đại đội 3, Tiểu đoàn 5, Lữ đoàn 203 - Quân đoàn 2 làm nhiệm vụ đánh thọc sâu giải phóng các tỉnh dọc Quốc lộ 1.

Đêm 18 tháng 4, trên đường tiến công Phan Thiết tại đầu cầu Phú Long, 1 xe thiết giáp của ta bị bắn cháy, Chính trị viên Thêm bị thương nặng, chiến sĩ liên lạc Giản hy sinh.

Nhưng bộ binh Đại đội 9 đã cùng xe tăng ngoan cường chiến đấu đập tan các ổ đề kháng, chiếm được cầu Phú Long, tạo điều kiện cho Trung đoàn 18 và các đơn vị đi sau tiếp tục phát triển tiến công.

Cũng tại đây, Đại đội 9 đã trực tiếp giải phóng nhà tù Phan Thiết, hàng trăm chiến sĩ cách mạng được giải thoát.

Ngày 22 tháng 4 năm 1975, đại đội cùng xe tăng tấn công quân địch ở thị xã Hàm Tân, Bình Tuy, bắn cháy 1 máy bay đang chuẩn bị cất cánh.

Trong trận này Đại đội phó Dân (quê Quảng Ngãi) đã hy sinh anh dũng khi đánh vào sân bay Hàm Tân, Bình Tuy.

Tỉnh Bình Thuận được giải phóng. Trong đội hình xe tăng Lữ đoàn 203 đơn vị tiến đánh căn cứ Nước Trong, trường Sĩ quan Thiết giáp, tiến qua ngã ba Thái Lan, ngã ba Vũng Tàu chuẩn bị tiến vào giải phóng Sài Gòn.

6 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 cùng đội hình xe tăng, Đại đội 9 đã có mặt tại ngã ba Vũng Tàu trên xa lộ Hà Nội tiến qua cầu Đồng Nai, cầu Rạch Chiếc, qua các ụ chướng ngại của địch, vượt qua cầu Sài Gòn, qua cầu Thị Nghè tiến theo đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai).

Đại đội 9 và những thời khắc lịch sử ảnh 3Đại thắng mùa xuân năm 1975 - Động lực để Việt Nam vươn ra biển lớn

10 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, toàn bộ đội hình của Đại đội 9 cùng với xe tăng của Lữ đoàn 203 đã có mặt tại dinh Độc Lập cùng với các đơn vị bạn.

Cán bộ, chiến sĩ  Đại đội 9 có thể tự hào, Đại đội 9 là đơn vị bộ binh đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập tham gia bắt nội các Dương Văn Minh phải đầu hàng.

Đại đội được tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba.

Sau khi chiếm dinh Độc Lập, cùng với các đơn vị bạn, cán bộ chiến sĩ Đại đội 9 được giao bảo vệ mục tiêu, khống chế mọi hành vi của địch.

Đơn vị đã trực tiếp thu được 1 chiếc bút ký Hiệp định Pa-ri của Tổng trường ngoại giao chính quyền Sài Gòn Trần Văn Lắm (sau đã nộp vào Nhà truyền thống của Sư đoàn).

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đại đội 9 được giao nhiệm vụ củng cố chính quyền cách mạng ở vùng mới giải phóng và truy quét tàn quân địch lẩn trốn, tổ chức phản động ngóc đầu dậy hoạt động chống phá ở khu vực đường 20, địa bàn Vĩnh Cửu, Gia Tân, Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai).

Những ngày làm việc ở đây, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại đội trưởng Đinh Quang Thìn và Chính trị viên Trương Văn Lương, Đại đội 9 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bắt sống 1 tên trung úy biệt kích ngụy lẩn trốn cùng bản đồ, tài liệu âm mưu phá hoại cách mạng.

Trên mặt trận chiến đấu mới này, đồng chí Vũ Đức Quynh (quê Thái Nguyên) và Nguyễn Văn Thủy (quê Hải Phòng) bị thương. Đây là những thương binh đầu tiên ngay sau ngày hòa bình.

Tháng 9 năm 1976, đơn vị được lệnh hành quân ra Cam Lộ (Quảng Trị) nơi đã từng gắn bó sâu nặng những ngày khói lửa 1972...

Tháng 10 năm 1976 lại tiếp tục hành quân sang Lào làm nhiệm vụ giúp nước bạn truy quét tàn quân địch ở các tỉnh Xa Vẳn Nạ Khệt, Sa La Văn, Pắc Xế, dọc đường 13.

Tháng 5 năm 1978, đơn vị được điều động tăng cường cho Quân khu 9, đứng chân ở Hà Tiên, Kiên Giang, phối hợp với tỉnh đội Kiên Giang, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Tại đây, đơn vị tổ chức đánh trả ác liệt với quân Pôn-pốt, chiếm lại chùa Xà Xía và phòng ngự khu vực chùa Xà Xía, ròng rã 6 tháng liên tục chốt giữ suốt mùa mưa, đêm nào cũng lặn ngụp trong giao thông hào ngập nước, ngoan cường đánh hàng trăm trận địch lấn chiếm, bảo vệ vững chắc phòng tuyến biên giới Tổ quốc.

Trong những ngày chiến đấu chống quân Pôn-pốt xâm lược, nhiều cán bộ, chiến sĩ Đại đội 9 đã hy sinh dũng cảm, trong đó có Hồ Xuân Liên, Chính trị viên Đại đội 9, hy sinh ở khu vực Tà Pô, kênh Vĩnh Tế; Bùi Trung Thành (quê Thanh Hóa) hy sinh ở khu vực chùa Xà Xía...

Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm khác cũng xuất hiện, nhiều đồng chí được thưởng Huân chương Chiến công như Đại đội phó Nguyễn Hữu Hòa, Trung đội trưởng Nguyễn Văn Vinh, Tiểu đội trưởng Nguyễn Xuân Tiện, chiến sĩ Võ Tá Bình, chiến sĩ nuôi quân Nguyễn Văn Đức...

Đại đội 9 và những thời khắc lịch sử ảnh 4"Có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang" (*)

Những trận đánh của Đại đội 9 đã để lại những dấu ấn không quên cho quân dân Hà Tiên và Quân khu 9.

Chùa Xà Xía nay được bảo tồn thành chứng tích chiến tranh biên giới Tây Nam cùng cửa khẩu quốc tế Xà Xía.

Tháng 1 năm 1979, đáp lời kêu gọi của nhân dân và Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, bộ đội quân tình nguyện Việt Nam, trong đó có đơn vị trong đội hình của Sư đoàn 8, Quân khu 9 được lệnh của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tình nguyện sang cùng lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân nước bạn đánh đổ chế độ diêt chủng Pôn-pốt - Iêng-xa-ri.

Đơn vị tham gia giải phóng huyện Túc Mía, Kốt Sa La, tỉnh Kam Pốt...

Năm 1986, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp nước bạn, được lệnh rút quân về nước sau 7 năm (1979-1986) chiến đấu giúp bạn xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền. Đại đội 9 đã có nhiều đồng chí hy sinh hoặc bị thương khi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Trong trận chiến đấu ngày 24 tháng 4 năm 1979, tại Kốt Sa La (Kam Pốt), Đại đội 9 được lệnh của chỉ huy trung đoàn tổ chức bao vây không dùng hỏa lực chống tăng, dùng súng bộ binh truy đuổi, bắt sống 3 xe tăng của quân Pôn-pốt, đưa tổng số xe bắt được của trung đoàn lên 7 cái (có 1 xe bọc thép); nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm như: Đại đội trưởng Đinh Xuân Tình, Trung đội trưởng Phạm Thanh Tám... Đại đội 9 đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Hơn 40 năm đã trôi qua, những cán bộ, chiến sĩ Đại đội 9 ngày nào đã cùng nhau trải qua máu lửa của cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn nay đã trở về cuộc sống đời thường trên khắp mọi miền đất nước; mỗi người một điều kiện, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ luôn nhớ về nhau với những tình cảm sâu nặng nhất.

Dù năm tháng đã phôi pha, dù ở cương vị nào, họ luôn tự hào đã từng là lính bộ binh Đại đội 9 - một đơn vị đã vượt qua bao gian khổ ác liệt, hy sinh thử thách với những thời khắc lịch sử đáng nhớ, đáng ghi.

(Ghi theo lời kể của Đại tá ĐINH QUANG THÌN, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 9 (1975-1978), Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, nguyên Phó Trưởng phòng Dân quân tự vệ - Quân khu 1).

Đại tá Đặng Việt Thủy