Đừng lấy sức khỏe trẻ em Hà Nội tham gia Sữa học đường ra đánh cược cho Vinamilk

15/04/2019 08:46
Hồng Thủy
(GDVN) - Trong lúc chờ kết luận từ cơ quan chức năng, các phân tích về việc Vinamilk bổ sung 14 vi chất cần dựa trên cơ sở pháp lý của Sữa học đường và sức khỏe trẻ em.

Ngày 13/4/2019, Báo Nhân Dân có bài "Cần hiểu đúng về vi chất dinh dưỡng trong sữa học đường" phỏng vấn Tiến sĩ, Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam về việc Vinamilk bổ sung thêm 14 vi chất vào sản phẩm cung cấp cho Chương trình Sữa học đường Hà Nội.

Tiến sĩ, Bác sĩ Trương Hồng Sơn thừa nhận, thực tế sản phẩm sữa bò tươi nguyên chất cũng đã có sự có mặt của hàng chục vi chất dinh dưỡng trong thành phần chứ không phải chỉ có ba vi chất dinh dưỡng.

Bác sĩ Trương Hồng Sơn không đưa ra được bằng chứng khoa học nào cho thấy học sinh Hà Nội đang thiếu 14 loại vi chất mà Vinamilk bổ sung vào sản phẩm thực phẩm chức năng cung cấp cho Chương trình Sữa học đường. [1]

Đừng lấy sức khỏe trẻ em Thủ đô ra đánh cược

Muốn biết học sinh mầm non và tiểu học Hà Nội đang thiếu những vitamin và khoáng chất nào, cần có nghiên cứu khoa học được Bộ Y tế công nhận.

Bác sĩ Trương Hồng Sơn, ảnh: Báo Nhân Dân.
Bác sĩ Trương Hồng Sơn, ảnh: Báo Nhân Dân.

Sữa tươi được sản xuất đúng quy chuẩn chất lượng đã đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Muốn bổ sung thêm vitamin và khoáng chất nào, cần có nghiên cứu đối chứng lâm sàng.

Vì vậy, trong lúc chưa có nghiên cứu cụ thể về nhu cầu vitamin, khoáng chất của trẻ em từng vùng miền khác nhau thì nhu cầu khác nhau, chỉ cần cung cấp ly sữa học đường từ sữa tươi đạt chuẩn cho các em, đã là điều tốt nhất có thể làm cho con trẻ.

Bổ sung vượt quy định tới 14 loại vi chất, Vinamilk đã làm nghiên cứu đối chứng tại Hà Nội hay chưa?

Vinamilk làm thế nào để xác định các em học sinh mầm non, tiểu học ở từng địa bàn (nông thôn, thành thị) của Hà Nội đang thiếu những chất gì và cần bổ sung hay không? Tất cả đều chưa có câu trả lời.

Bác sĩ Trương Hồng Sơn nêu ví dụ, tỷ lệ thiếu kẽm tại Việt Nam chiếm 2/3 số trẻ em, thiếu vitamin A tiềm ẩn vẫn tồn tại.

Ông Sơn khẳng định, như vậy, bổ sung kẽm, vitamin A vào sữa học đường sẽ đem lại hiệu quả tích cực, góp phần giảm nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em.

Đừng lấy sức khỏe trẻ em Hà Nội tham gia Sữa học đường ra đánh cược cho Vinamilk ảnh 2

Sản phẩm của Vinamilk trái quy định hồ sơ mời thầu Sữa học đường Hà Nội

Nhưng có lẽ bác sĩ Sơn cũng biết, ngày 28/01/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Tại nghị định này, Thủ tướng Chính phủ quy định bắt buộc muối ăn trực tiếp phải tăng cường I-ốt; bột mì dùng chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm;

Dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường Vitamin A, trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp.

Như vậy có thể thấy, Nhà nước quản lý rất chặt chẽ việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm dựa trên các nghiên cứu và đề xuất chuyên môn của Bộ Y tế.

Không có chuyện Chương trình Sữa học đường của Chính phủ để các doanh nghiệp thích bổ sung vi chất gì thì bổ sung như Vinamilk đang làm với thực phẩm chức năng bán vào Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội.

Vitamin và khoáng chất sẽ rất tốt nếu sử dụng đúng đối tượng và liều lượng, nhưng ngược lại cũng gây ra rất nhiều hệ lụy về sức khỏe nếu sử dụng không đúng hoặc quá liều, điều này đã được các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo.

Trong lúc Bộ Y tế chưa ban hành thông tư về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường cần bổ sung những vi chất nào, sữa tươi theo QCVN 5-1:2010/BYT đạt tiêu chuẩn sử dụng cho Chương trình, mọi hành vi bổ sung vi chất mà chưa qua nghiên cứu đối chứng được Bộ Y tế xác nhận, đều không đúng quy định.

Bác sĩ Trương Hồng Sơn cũng không thể trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Nhân Dân rằng, trên thế giới các sản phẩm sữa học đường có được bổ sung vi chất dinh dưỡng hay không.

Đừng lấy sức khỏe trẻ em Hà Nội tham gia Sữa học đường ra đánh cược cho Vinamilk ảnh 3

Học sinh Hà Nội đang uống thực phẩm chức năng mà cứ ngỡ Sữa học đường?

Còn Phó giáo sư Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam từng được Báo Đại biểu Nhân dân dẫn lời, cho biết:

"Theo thông lệ quốc tế thì chẳng nước nào có quy chuẩn riêng cho sữa học đường. Tôi đã sang Hàn Quốc và Thái Lan, họ chỉ dùng sữa tươi hoàn toàn.

Riêng Thái Lan chỉ đưa ra quy định hàm lượng tối thiểu protein, canxi trong sữa là bao nhiêu.

Còn ở Hàn Quốc, nếu trẻ bị dị ứng đường lactose trong sữa động vật sẽ được uống sữa đậu nành thay thế, tức về mặt tâm lý thì không có gì khác biệt.

Chúng ta cứ loay hoay phải tạo loại sữa khác biệt là không nên.

Chưa kể, nếu cho phép bổ sung vi chất vào sữa tươi thì đâu còn là sữa tươi nữa! Khi đó, chúng ta sẽ gắn mác cho sữa là gì? Có phải thực phẩm bổ sung không?” [2]

Thế nên chúng tôi không hiểu tại sao Giáo sư Trần Quang Trung lại thay đổi quan điểm nhanh chóng như vậy, khi được Báo An ninh Thủ đô ngày 13/4/2019, rằng:

Bổ sung thêm nhiều vi chất vào sản phẩm sữa học đường chắc chắn chỉ có lợi cho học sinh, còn doanh nghiệp thì chỉ có thiệt hơn chứ không lợi ích gì, bởi đương nhiên họ sẽ phải chi phí sản xuất tốn kém hơn trong khi giá sản phẩm vẫn giữ nguyên. [3]

Phải chăng trả lời Báo Đại biểu Nhân dân, Giáo sư Trần Quang Trung thực sự đang vì trẻ em, còn trả lời Báo An ninh Thủ đô, ông phải bảo vệ thành viên chủ chốt của Hiệp hội Sữa, cho dù nội dung có mâu thuẫn nhau, thậm chí trái quy định của Thủ tướng và Bộ Y tế?

Đừng lấy sức khỏe trẻ em Hà Nội tham gia Sữa học đường ra đánh cược cho Vinamilk ảnh 4

Ai phải chịu trách nhiệm về việc pha thêm 14 chất khác vào Sữa học đường Hà Nội?

Bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Vi chất - Viện Dinh dưỡng quốc gia được Báo An ninh Thủ đô cùng ngày dẫn lời nói rằng:

Theo QCVN 5:1-2017/BYT - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng mới nhất do Bộ Y tế ban hành năm 2017, không phải cứ có tên gọi “sữa tươi” thì đều phải 100% nguyên liệu từ sữa tươi.

Tuy nhiên, bà Vân đã quên rằng, sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường theo Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 là theo QCVN 5:1-2010/BYT chứ không phải QCVN 5:1-2017/BYT mà Bộ Y tế đã bãi bỏ để chuyển dự thảo sang Bộ Công thương.

Vì sao một số vị cán bộ ngành Y tế lại có những phát biểu trái với quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế về sản phẩm phục vụ Chương trình Sữa học đường như vậy?

Bộ Y tế đang bị mạo danh để bảo vệ thực phẩm chức năng Vinamilk bán cho Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội?

Ngày 13/4/2019, Báo Đất Việt có bài "Bộ y tế: 14 vi chất trong sữa học đường là tốt", phỏng vấn Phó chánh thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên về việc Vinamilk bổ sung vượt quy định 14 loại vi chất vào sản phẩm phục vụ Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội. [4]

Ngày 14/4/2019, Báo Giáo dục và Thời đại có bài "Bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sản phẩm sữa học đường là cần thiết" cũng phỏng vấn ông Nguyễn Văn Nhiên về vấn đề trên, câu hỏi và câu trả lời giống như trên Báo Đất Việt. [5]

Báo An ninh Thủ đô ngày 13/4/2019 cũng phỏng vấn ông Nguyễn Văn Nhiên, nội dung không ghi câu hỏi, nhưng phần trả lời của ông Nhiên lặp lại những gì đã nói trên 2 tờ Báo Đất Việt, Báo Giáo dục và Thời đại.

Ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế. Ảnh: Báo An ninh Thủ đô.
Ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế. Ảnh: Báo An ninh Thủ đô.

Theo Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 4445/QĐ-BYT ngày 5/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế, người phát ngôn và cung cấp thông tin chính thức cho báo chí của Bộ Y tế gồm:

Bộ trưởng Bộ Y tế, một Thứ trưởng được Bộ trưởng giao nhiệm vụ cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên, đối với lĩnh vực An toàn thực phẩm là Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm.

Như vậy, thứ nhất, việc ông Nhiên phát ngôn trên báo chí về sản phẩm thực phẩm chức năng Vinamilk cung cấp cho Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội là không đúng chức năng, nhiệm vụ.

Chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Nhiên để hỏi xem, ông có được lãnh đạo Bộ Y tế ủy quyền phát ngôn về vấn đề này hay không, tuy nhiên chúng tôi chưa nhận được câu trả lời.

Thứ hai, nội dung ông Nguyễn Văn Nhiên trả lời trên một số tờ báo cho thấy ông đang phát biểu ngược lại quan điểm của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế về sữa học đường tại Quyết định số 1340/QĐ-TTg và Quyết định 5450/QĐ-BYT.

Đừng lấy sức khỏe trẻ em Hà Nội tham gia Sữa học đường ra đánh cược cho Vinamilk ảnh 6

Để Vinamilk đưa sữa bột pha lại vào Sữa học đường là coi thường phép nước

Ông Nhiên nhân danh cá nhân, Thanh tra Bộ Y tế hay Bộ Y tế để phát ngôn về việc này?

Đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế theo phân cấp, phân quyền quản lý, chỉ đạo kiểm tra xác minh và có thông tin chính thức đến dư luận, tránh để thông tin nhiễu loạn gây hoang mang không đáng có.

Tiêu đề "Bộ Y tế: 14 vi chất trong sữa học đường là tốt" trên Báo Đất Việt là do báo này đặt, hay do ông Nguyễn Văn Nhiên gợi ý?

Ông Nguyễn Văn Nhiên có biết, việc Báo Đất Việt đưa tin như vậy là mặc nhiên coi phát ngôn của ông là quan điểm chính thức của Bộ Y tế?

Trong bối cảnh mất an toàn vệ sinh thực phẩm đã trở thành vấn nạn như hiện nay, trước việc Vinamilk tự ý pha thêm 14 vi chất vào sản phẩm cung cấp cho Chương trình Sữa học đường Hà Nội, cha mẹ học sinh và người dân nói chung đang rất mong thông tin chính thức từ Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm.

Khi Cục An toàn thực phẩm chưa lên tiếng, ông Nhiên lại nhân danh Bộ Y tế cung cấp thông tin trái ngược quan điểm của Bộ Y tế là nhằm mục đích, động cơ gì? Ai đứng sau việc này?

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ có công văn gửi lãnh đạo Bộ Bộ Y tế về việc này và tiếp tục thông tin đến quý bạn đọc.

Sản phẩm Vinamilk cung cấp cho Chương trình Sữa học đường Hà Nội là thực phẩm chức năng, không phải sữa tươi theo QCVN 5-1:2010/BYT, không đúng Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng, Quyết định 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Sản phẩm này cũng không đúng yêu cầu kỹ thuật trong Hồ sơ mời thầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát hành, nhưng không hiểu sao lại lọt vào được Chương trình Sữa học đường tại Thủ đô.

Chúng tôi đề nghị Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cần lên tiếng về vấn đề này, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết tại sao để thực phẩm chức năng của Vinamilk lọt vào Sữa học đường, dù Hồ sơ mời thầu đã quy định rất rõ.

Trong lúc chờ kết luận từ các cơ quan chức năng, chúng tôi hy vọng các ý kiến phân tích, phản biện cần dựa trên cơ sở pháp lý của Chương trình Sữa học đường và đặt quyền lợi, sức khỏe trẻ em lên trên hết. Đừng lấy sức khỏe trẻ em thủ đô thụ hưởng Sữa học đường ra đánh cuộc.

Một số tỉnh đã coi thường kỷ cương, phép nước khi đưa sữa bột pha lại của Vinamilk vào Chương trình Sữa học đường.

Sau loạt bài phân tích của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, một số địa phương này đã nhận ra vấn đề và quyết định dừng sử dụng sữa bột pha lại của Vinamilk và chuyển sang sử dụng sữa tươi đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Những nguy hiểm nào dẫn đến bổ sung vitamin và khoáng chất quá liều?

Thừa Vitamin cũng có thể gây nguy hiểm cho cơ thể trẻ, chẳng hạn như:

Thừa Vitamin A có thể gây ngộ độc làm tăng áp lực nội sọ dẫn đến trẻ bị nôn nhiều, đau đầu, ảnh hưởng đến sự phát triển xương có thể làm trẻ chậm lớn, rối loạn thần kinh. Vitamin A cũng có thể gây quái thai, vì vậy không nên dùng cho mẹ ngay trước thời kỳ mang thai và đặc biệt không nên dùng cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.

Thừa Vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin.

Do không có hiện tượng tích lũy nên hầu như không gặp thừa Vitamin C,nhưng nếu dùng liều cao theo đường uống có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy. Dùng đường tiêm với liều cao có thể gây tan máu, đặc biệt ở những người thiếu men G6PD.

Thừa Vitamin D có thể làm cho trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, có trường hợp có thể bị thiểu năng, kém trí tuệ. Có trường hợp bổ sung Vitamin D quá nhiều có thể gây suy thận và tử vong rất nhanh.

Thừa Vitamin K thường chỉ gặp khi dùng đường tiêm kéo dài có thể gây tan máu và vàng da.

Thừa canxi dẫn đến gây mệt mỏi, chán ăn, sỏi thận, tăng huyết áp...xương cốt hoá sớm có thể bị thấp chiều cao.

Thừa sắt dẫn đến gan nhiễm săt, tim nhiễm sắt dẫn đến suy tim.

Thừa kẽm dẫn đến biếng ăn, nôn, rối loạn tiêu hoá…

Trích "Khi nào trẻ cần bổ sung vitamin và khoáng chất bằng thuốc?", Thạc sĩ Lê Thị Hải - Đặc san Dinh dưỡng Sức khỏe & Đời sống số 1 năm 2012, website Viện Dinh dưỡng dẫn lại ngày 27/5/2017. [6]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.nhandan.com.vn/y-te/item/39840902-ts-truong-hong-son-can-hieu-dung-ve-vi-chat-dinh-duong-trong-sua-hoc-duong.html

[2]http://daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=412875

[3]https://anninhthudo.vn/doi-song/bo-sung-vi-chat-vao-sua-hoc-duong-chi-co-loi-hon-cho-hoc-sinh/806860.antd

[4]http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-y-te-14-vi-chat-trong-sua-hoc-duong-la-tot-3378187/?paged=2

[5]https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/bo-sung-vi-chat-dinh-duong-vao-san-pham-sua-hoc-duong-la-can-thiet-3995598-v.html

[6]http://viendinhduong.vn/vi/dinh-duong-tre-em/khi-nao-tre-can-bo-sung-vitamin-va-khoang-chat-bang-thuoc.html

Hồng Thủy