Ở lớp này, dạy một trẻ khó bằng mười lớp khác

17/04/2019 06:10
LAN ANH
(GDVN) - Đối với những đứa trẻ khuyết tật, cô giáo Lã Thị Nhung (Quảng Ninh) luôn trăn trở, tìm cách để các em tiến bộ mỗi ngày và hòa nhập dễ dàng hơn khi tới trường.

Chúng tôi đến cơ sở Khe Tâm, Trường Tiểu học Nam Sơn (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh) vào một buổi sáng thứ 5 - thời điểm học sinh đều đi học khá đông đủ.

Cơ sở này cách điểm trường chính khoảng 10 cây số. Đường đi vào đây dễ dàng hơn những năm trước rất nhiều, chỉ mất khoảng 25 phút đi từ điểm trường chính là chúng tôi đã tới nơi.

Cơ sở Khe Tâm gồm 2 dãy nhà cấp 4 vẫn còn khá mới, mỗi phòng học rộng chừng 25m2 nhưng chỉ có hơn chục học sinh.

Cô giáo Lã Thị Nhung dạy môn âm nhạc cho em Vi Xuân Cảnh, học sinh lớp 3 bị khuyết tật (Ảnh: Lan Anh)
Cô giáo Lã Thị Nhung dạy môn âm nhạc cho em Vi Xuân Cảnh, học sinh lớp 3 bị khuyết tật (Ảnh: Lan Anh)

Nhìn sự ân cần của các cô giáo và ánh mắt hồn nhiên của học sinh nơi đây khiến chúng tôi liên tưởng đến hình ảnh của một đại gia đình dưới mái nhà ngập tràn tiếng cười yêu thương.

Lớp 3 của cơ sở Khe Tâm, nơi cô giáo Lã Thị Nhung đang dạy dường như trở nên đặc biệt hơn vì có một cậu bé nhỏ xíu như trẻ mầm non.

Cậu học trò mà chúng tôi vừa nhắc tới là Vi Xuân Cảnh, bị khuyết tật trí tuệ, chậm phát triển.

Dù đã 10 tuổi, nhưng Cảnh cao chưa đến 1m và chỉ nặng 16 kg. Năm học trước, mỗi lần Cảnh ngồi vào bàn học là cô giáo Nhung phải bế lên ghế vì sợ em bị ngã.

Cô Lê Thị Trang Nhung, cô giáo của những sáng tạo Văn học

Cô Nhung chia sẻ: “Khả năng tiếp nhận của Cảnh rất kém, học trước, quên sau. Đến giờ, em cũng chỉ biết cộng trừ những số bé và phải dùng que tính.

Dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật càng khó hơn vì khả năng tiếp thu của các em kém hơn nhiều so với các bạn.

Thấy những học trò ấy chịu nhiều thiệt thòi, tôi luôn trăn trở tìm mọi cách để các em tiến bộ mỗi ngày và hòa nhập dễ dàng hơn khi tới trường”.

Với học trò khuyết tật, cô giáo Lã Thị Nhung vừa là người dạy chữ, vừa là người mẹ.

Ngoài giờ học chính khóa, cô Nhung còn trò chuyện thêm với Cảnh vào lúc ra chơi, tận tình giúp em trong sinh hoạt và các hoạt động khác.

Nhờ sự quan tâm, chỉ bảo tận tình của cô giáo Lã Thị Nhung, em Vi Xuân Cảnh (bên phải) ngày càng tiến bộ (Ảnh: Lan Anh)
Nhờ sự quan tâm, chỉ bảo tận tình của cô giáo Lã Thị Nhung, em Vi Xuân Cảnh (bên phải) ngày càng tiến bộ (Ảnh: Lan Anh)

Khi buổi học kết thúc, cô thường ngồi cùng Cảnh trong lúc chờ gia đình đến đón về, vì cô cũng muốn chính tay mình giao em cho gia đình để chia sẻ sự cảm thông cùng họ.

Theo lời kể của cô Nhung, trong giờ học có trẻ khuyết tật, nếu quá chú ý đến các em ấy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy chung của lớp, còn giảng dạy theo hướng giáo dục đại trà thì các em khuyết tật khó theo kịp.

Hơn nữa, thời gian trên lớp không đủ để các em tiếp thu bài vì tất cả mọi hoạt động, học tập, đều chậm hơn các học sinh khác.

Vì thế, giáo viên phải tranh thủ giờ nghỉ, giờ rảnh để hướng dẫn riêng, có kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ theo nhận thức của từng em.

Giúp các em tiếp thu kiến thức thôi chưa đủ, cô Nhung còn giúp các em tự phục vụ bản thân, bởi trẻ khuyết tật thường rụt rè, nhút nhát, ngại giao tiếp, khó hòa đồng với các bạn.

“Bản thân tôi đã nhiều năm dạy học sinh khuyết tật và có những lúc tôi xúc động đến rơi nước mắt vì thương các em, cũng như hoàn cảnh gia đình của chúng.

Tôi biết dạy lớp có học sinh khuyết tật là rất vất vả, nhưng với tình yêu thương cùng những ánh mắt, nụ cười của các em sẽ là động lực để tôi làm tốt công việc của mình, giúp các em hòa nhập được với trường học, hướng tới những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống”, cô Nhung tâm sự.

LAN ANH