Học sinh lớp 6, lớp 7 không biết đọc, biết viết trách nhiệm của ai?

20/04/2019 07:34
Thảo Ly
(GDVN) - Vì thành tích, vì thi đua, lùa học sinh lên lớp như thế này, chính nhà trường đang tước đi cơ hội học tập của các em học sinh.

Học xong lớp 1, đa phần học sinh đã biết đọc, biết viết.

Một số em đọc chậm và viết còn sai lỗi chính tả (nhưng vẫn chấp nhận được).

Thế nên việc đọc thông, viết thạo là kiến thức học sinh cần phải đạt khi hoàn thành chương trình tiểu học.

Học sinh lớp 6 trường chuẩn quốc gia ở tỉnh Hậu Giang viết thế này (Ảnh Báo Công Lý)
Học sinh lớp 6 trường chuẩn quốc gia ở tỉnh Hậu Giang viết thế này (Ảnh Báo Công Lý)

Vậy mà ngay trường Trung học cơ sở Đông Phước A huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang có tới 5 học sinh lớp 6, lớp 7 đọc yếu, viết còn kém, thậm chí có nhiều em không biết đọc, biết viết.

Câu hỏi đặt ra, trách nhiệm này thuộc về ai?

Về trường tiểu học trước đây các em học hay trách nhiệm của trường trung học cơ sở nơi các em đang theo học hiện nay?

Trách nhiệm thuộc trường tiểu học

Về lý, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học nhưng không biết đọc, biết viết đương nhiên trách nhiệm thuộc về trường tiểu học trước đây các em đã học.

Những học sinh này, ngay từ cuối năm lớp 1 cũng đã không đọc và viết được.

Thay vì để các em học lại một năm để nắm lại kiến thức, chắc chắn các em sẽ cải thiện được rất nhiều khả năng đọc, viết của mình.

Nhưng vì thành tích, vì thi đua, nhà trường nơi đây buộc những học sinh này phải lên lớp 2.

Nhiều học sinh lớp 7 một trường chuẩn quốc gia ở Hậu Giang đọc viết không thạo

Lớp 2, không còn giờ luyện âm, học vần, tập viết, tập chép từng con chữ mà phải đọc trơn, viết thạo cả đoạn văn, đoạn thơ.

Thế nên, nói là học lớp 2 thực ra các em cũng chỉ ngồi cho đủ chỗ vì có hiểu, có biết gì đâu để học?

Thầy cô giáo lớp 2, đương nhiên cũng kèm cặp nhưng một tiết học chỉ có 35 phút thì dành riêng cho các em được mấy phút? Trong khi vài chục học sinh khác thì sao?

Và cứ thế, các em bị đẩy lên hết lớp này đến lớp khác cho xong trách nhiệm.

Cuối lớp 5, nhà trường đánh giá đạt và cấp cho cái giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tiểu học và nghiễm nhiên các em được xét tuyển vào cấp 2.

Thế nên ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành mới nói:

"Cái khó ở đây khi các em học hết bậc tiểu học là phải xét lên cấp 2 cho các em vì các em đủ điều kiện nên không thể nào loại bỏ.

Phần lớn các em đều xuất thân trong gia đình lao động và rất khó khăn, cha mẹ rất ít khi quan tâm đến việc học của con cái"{1}

Trường học cơ sở Đông Phước A huyện Châu Thành không vô can

Trường tiểu học vì thành tích họ có thể lùa học sinh lên lớp, thế nhưng để những học sinh này nhận được giấy hoàn thành chương trình tiểu học là do Trường Trung học cơ sở Đông Phước A huyện Châu Thành đã bỏ qua việc giám sát kỳ kiểm tra cuối năm tại trường tiểu học (theo quy định của Thông tư 30).

Việc giám sát kỳ kiểm tra cuối năm (dành cho học sinh lớp 5) ở trường tiểu học của Trường Trung học cơ sở Đông Phước A huyện Châu Thành có thể khẳng định là không chặt chẽ nên những học sinh không biết đọc, biết viết như thế mới có cơ hội hoàn thành chương trình tiểu học.

Học sinh không biết đọc, xin đừng đổ hết tội lên giáo viên chúng tôi

Điều 15 (nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh) Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT quy định rất rõ:

b) Đối với học sinh khối lớp 5 (năm):

- Hiệu trưởng chỉ đạo tổ chuyên môn ra đề kiểm tra định kì cuối năm học chung cho cả khối; tổ chức coi, chấm bài kiểm tra có sự tham gia của giáo viên trường trung học cơ sở sẽ nhận học sinh lớp 5 (năm) vào học lớp 6 (sáu).

Giáo viên Trường Trung học cơ sở Đông Phước A huyện Châu Thành giám sát thế nào mà để những học sinh không biết đọc, biết viết như thế làm được bài kiểm tra để được lên lớp?

Chỉ có thể là thỏa hiệp với trường tiểu học hoặc lơ là trong việc giám sát và chấm bài kiểm tra.

Bởi thế, trách nhiệm này chính Trường Trung học cơ sở Đông Phước A huyện Châu Thành phải gánh chịu.

Giải pháp mà Trường Trung học cơ sở Đông Phước A huyện Châu Thành đưa ra khắc phục chuyện này là phụ đạo cho những học sinh này biết đọc, biết viết.

Thế nhưng việc làm này, đang bị chính giáo viên phản đối bởi, thầy cô nơi đây bức xúc, cho rằng bị nhà trường “ép” dạy phụ đạo cho các em.

“Việc phụ đạo cho học sinh yếu kém là trách nhiệm của giáo viên, tuy nhiên việc phụ đạo cho các em ở đây không phải là phụ đạo chuyên môn mà bắt dạy lại việc đọc, viết chữ như ở bậc tiểu học".

Học tới lớp 6, lớp 7 mà phải dạy phụ đạo kiểu đọc ghép từng âm vần, viết từng con chữ cái sẽ khó có tác dụng.

Với tình trạng này, không sớm thì muộn học sinh cũng sẽ chán nản và tự bỏ học.

Theo một số giáo viên cũng đã có vài em vì không thể theo kịp chương trình đã tự ý bỏ học.

Vì thành tích, vì thi đua, lùa học sinh lên lớp như thế này, chính nhà trường đang tước đi cơ hội học tập của các em học sinh.

Và chắc chắn đây không phải là những trường hợp duy nhất, nhiều trường học khác trong cả nước cũng có những trường hợp đáng buồn như thế.

Tài liệu tham khảo:

https://congly.vn/ban-doc/hau-giang-nhieu-hoc-sinh-truong-chuan-quoc-gia-khong-biet-doc-biet-viet-295000.html{1}

Thảo Ly