Cách mạng 4.0 đang đến gần, là cơ hội hay thách thức cho các em?

20/04/2019 07:22
LÃ TIẾN
(GDVN) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa mở ra cơ hội lớn nhưng cũng mang đến nhiều thách thức cho thế hệ trẻ khi nước ta đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.

Ngày 19/4, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền tổ chức cuộc hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Trong tiết trời oi bức của ngày đầu hè, các thầy cô giáo và gần 1.000 học sinh Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền chăm chú lắng nghe Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ về khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Với cách chia sẻ vui vẻ và khoa học Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã dẫn dắt các thầy cô giáo, các em học sinh đi từ bất ngờ này tới ngỡ ngàng từ những phút giây đầu tiên Thầy chia sẻ.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ về bản thân với học sinh Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền (Ảnh: Lã Tiến)
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ về bản thân với học sinh Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền (Ảnh: Lã Tiến)

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã có những chia sẻ về bản thân thầy và gia đình, về quá trình học tập của thầy cũng như những khó khăn thầy đã phải vượt qua.

Buổi hội thảo bắt đầu yên lặng có lẽ bởi vì sự ngưỡng mộ của các em học sinh đối với một người thầy mà học tới 4 trường sư phạm và tốt nghiệp đại học trẻ nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Tại buổi hội thảo, một câu hỏi được nhiều em học sinh của trường mong muốn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ là về bí quyết học Tiếng Anh hiệu quả?

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khẳng định, trong thời đại hội nhập toàn cầu như hiện nay, ngoại ngữ, đặc biệt Tiếng Anh là một điều rất quan trọng với tất cả mọi người.

“Bí quyết học ngoại ngữ của thầy là học các từ tối thiểu cần thiết, không tham nhiều từ.

Hai là học theo mẫu câu. Mỗi ngày học theo mẫu câu như “Tôi đi đến trường/ Tôi đã đi đến trường/Tôi sẽ đi đến trường”. Đấy là cách học để các em có thể tự tin giao tiếp”.

Sự nhiệt huyết của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã gây ấn tượng mạnh đối với thầy cô và các em học sinh Trường trung học phổ thông Ngô Quyền. (Ảnh: Lã Tiến)
Sự nhiệt huyết của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã gây ấn tượng mạnh đối với thầy cô và các em học sinh Trường trung học phổ thông Ngô Quyền. (Ảnh: Lã Tiến)

Giáo sư đặt vấn đề về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến các thầy cô giáo, các em học sinh dành những tràng pháo tay vang dội: “Đời người chỉ có 4.000 tuần lễ, sống thế nào, thành người ra sao trong tương lai là phụ thuộc vào lựa chọn, cố gắng của chính các em.

Các em hãy sống đàng hoàng, thẳng thắn, khỏe mạnh, thoải mái, hạnh phúc.

Cuộc đời của các em là do các em lựa chọn vì thế hãy mạnh dạn, cố gắng học tập để chuẩn bị tốt nhất cho tương lai”, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng gửi gắm tới các em.

Cũng vì lý do đó, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã bắt đầu truyền cảm hứng cho các em học sinh về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua những câu truyện có thật mà thầy trực tiếp chứng kiến.

Cách mạng 4.0 đang đến gần, là cơ hội hay thách thức cho các em? ảnh 3Khởi nghiệp thời 4.0 thành công đâu chỉ bằng con đường học đại học

Giáo sư nhấn mạnh về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay, cuộc cách mạng này vừa mở ra cơ hội lớn nhưng cũng mang đến nhiều thách thức cho thế hệ trẻ của Việt Nam khi nước ta đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trong tương lai, khi robot thay thế công việc của con người, nhiều lao động ở một số ngành nghề có thể đứng có nguy cơ bị thất nghiệp.

“Nếu các bạn không trang bị cho mình những hành trang tri thức để phát triển bản thân các bạn cũng sẽ có nguy cơ bị thất nghiệp và đại học không phải là con đường duy nhất để dẫn tới thành công, tôi đã gặp và giúp đỡ rất nhiều nông dân giờ đây họ đã thành tỷ phú.

Tương lai của thế hệ trẻ các em sẽ có rất nhiều cơ hội cũng như con đường dẫn tới thành công, các em chính là những người chủ tương lai của đất nước.

Tôi mong các em tiếp cận công nghệ mới và không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên”, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cảnh báo.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần, là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các em học sinh (Ảnh: Lã Tiến)
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần, là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các em học sinh (Ảnh: Lã Tiến)

Giáo sư lại nói về cuộc cách mạng 4.0: “Thời đại công nghiệp lần thứ tư mang tới thách thức rất lớn nhưng cơ hội cũng rất nhiều với những Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Robot thế hệ mới, Công nghệ Nano và sự phát triển theo hàm số mũ của các ngành Tin học, Công nghệ sinh học, vật liệu mới, Công nghệ in 3D”.

Không chỉ chia sẻ về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng còn kể cho các thầy cô, học sinh nghe về những câu chuyện, tấm gương vượt khó và thành công nhằm giúp các em học sinh nhận thức được tốt nhất về những cơ hội và thách thức trong tương lai.

Giáo sư chia sẻ về những tấm gương các bạn trẻ có hoàn cảnh bất hạnh mà vẫn lạc quan vươn lên trong cuộc sống: “Trông thấy các em khỏe mạnh, nhanh nhẹn và xinh đẹp tôi thấy thương và cảm phục những trẻ em khuyết tật, gặp bất hạnh trong cuộc sống nhưng đã thành công bằng chính trí tuệ của mình”.

Nhiều cơ hội và thách thức trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đang chờ thế hệ học sinh được sinh ra trong thế kỷ 21. (Ảnh: Lã Tiến)
Nhiều cơ hội và thách thức trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đang chờ thế hệ học sinh được sinh ra trong thế kỷ 21. (Ảnh: Lã Tiến)

Rồi giáo sư kể cho thầy cô, học sinh toàn trường nghe về những tấm gương có thật về sự kiên trì, vượt qua số phận vươn lên trong cuộc sống.

Mở đầu là câu chuyện về Lê Thị Thắm: “Thắm sinh ra không có hai tay như người bình thường nhưng cô đã vượt lên khó khăn và đạt giải nhất viết chữ đẹp toàn tỉnh Thanh Hóa bằng chân.

Không dừng lại ở đó Lê Thị Thắm không chỉ viết chữ đẹp mà thêu thùa cũng rất đẹp”, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng kể.

Cách mạng 4.0 đang đến gần, là cơ hội hay thách thức cho các em? ảnh 6Học sinh cấp 3 hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng làm sao để nhận ra cơ hội?

Tiếp đến là câu chuyện của Trần Hồng Giang ở tỉnh Nam Định. Tuy liệt cả tay lẫn chân nhưng Giang lại có thu nhập cao hơn mọi thanh niên trong làng từ biên tập sách cho các nhà xuất bản.

Tỷ phú Mười Bơ tuy trình độ chưa hết cấp hai nhưng anh trở thành tỷ phú nhờ ý tưởng trồng cây bơ thay thế cây muồng che bóng mát cho cây cà phê ở Tây Nguyên.

Câu chuyện về anh Mười Bơ mang đến cho học sinh thông điệp “có chí thì nên, đại học không phải là con đường duy nhất tới thành công và chúng ta không được coi thường người nghèo”.

Từ những tấm gương kể trên, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã đưa ra 31 lời khuyên sâu sắc và bổ ích cho học sinh và đã truyền cảm hứng, lan tỏa cho học sinh cả trường bằng những câu hô vang ủng hộ.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng đã chia sẻ với các em học sinh Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền 3 điều để chọn “người yêu” gồm: hình thức, có trí và hiểu nhau.

Cô và trò Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền chụp ảnh lưu niệm với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Lã Tiến)
Cô và trò Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền chụp ảnh lưu niệm với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Lã Tiến)

Cuối cuộc hội thảo, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã dành những lời cảm ơn, những cái bắt tay đầy yêu quý, như một lời cảm ơn đầy ý nghĩa tới thầy cô cùng các em học sinh Trường trung học phổ thông Ngô Quyền.

Đồng thời Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng đã có những món quà hết sức ý nghĩa dành cho các thầy cô giáo.

Những món quà là những công trình khoa học gắn liền với thực tiễn đời sống mà Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã dày công nghiên cứu trong nhiều năm.

Cô giáo Cao Tố Nga, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền đã bày tỏ xúc động trước tấm lòng của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã dành cho thầy và trò nhà trường.

Cô giáo Nga cũng đã cảm ơn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo đầy bổ ích dành cho thầy và trò nhà trường.

Được biết, Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền (hay còn gọi là trường Bonnal, trường Bình Chuẩn) là ngôi trường nằm trong hệ thống các trường Trung học phổ thông công lập của Việt Nam được thành lập năm 1920.

Trường Ngô Quyền là ngôi trường trung học đầu tiên của Hải Phòng và cũng là một trong số những trường trung học đầu tiên của Việt Nam.

Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền là nơi giảng dạy, học tập của nhiều tên tuổi lớn như: Giáo sư Hoàng Ngọc Phách, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Giáo sư Vũ Khiêu, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhà thơ Nguyễn Đình Thi…

Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Các trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777.

Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

LÃ TIẾN