Tại sao chúng ta hay mắc lại lỗi cũ, bài học từ giáo dục Mỹ

01/05/2019 07:31
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Từ thực tiễn cuộc sống đang chứng minh giáo dục của chúng ta đã và đang được định hướng sai bởi chúng ta để “phụ thuộc” vào kẻ định hướng “online” và “vô hình”

LTS: Tác giả Nguyễn Thị Lan Hương - nghiên cứu sinh về giáo dục tại Hoa Kỳ tiếp tục gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết "Tại sao chúng ta hay “mắc lại” lỗi cũ? Bài học từ giáo dục Mỹ". 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Thực ra, tôi đang tư duy lại trải nghiệm 5 năm hơn học tập về giáo dục đại học và giáo dục nói chung của Mỹ, nhằm tìm hiểu rằng một đất nước luôn đổi mới, luôn tiến lên phía trước, có điều gì đúng và điều gì chưa đúng, để có thể cải thiện hay như mọi người của World Bank kêu gọi “cách mạng giáo dục” cho thế kỷ 21 này.

Những điều đẹp đẽ, hay ho thì có thể nhiều nơi, nhiều chốn đều ca ngợi cả, đặc biệt là văn hóa giáo dục của Việt Nam, “người đi theo” (followers) thì đương nhiên phải ca ngợi “người lãnh đạo”, giống như bao năm tháng trong lịch sử “mang chuông đi đánh xứ người” của Việt Nam.

Tuy nhiên, học về giáo dục Mỹ, cách học tốt nhất cho Việt Nam hay bất kỳ nước nào, là cần học điểm hay và hiểu rõ điểm “dở”, để biết mình, biết người, để mà học cho đúng!

Giáo dục Mỹ (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).
Giáo dục Mỹ (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).

Với cá nhân tôi, tôi muốn nhắc đến những câu nói nổi tiếng trong bài Chúa phù hộ nước Mỹ (*) như sau:

Hỡi nước Mỹ

Hãy đứng cùng tôi

Hãy hướng dẫn tôi

Hãy dẫn dắt tôi

Từ những ánh sáng của bầu trời

Vượt qua những đêm đen của khoảnh khắc

Để chúng ta có thể đến với trí tuệ của sự thông thái

Đây là bài hát nổi tiếng ở Mỹ, đất nước mà In God We Trust (Chúng tôi tin ở Chúa), để minh chứng rằng, nước Mỹ không ngại việc đối mặt với sự thật.  

Dưới đây là một số sự thật, về việc tại sao giáo dục Mỹ mắc những sai lầm cơ bản và thường xuyên được lặp lại.

Vì tôi làm nghiên cứu về giáo dục, nên trước khi nói về giáo dục và những “lỗi” được lặp lại, xin nói ngay là lặp lại sai lầm là bản chất tự nhiên của con người (theo nghiên cứu về tâm lý học), và nó ở mọi khía cạnh của xã hội con người, không chỉ riêng trong giáo dục. 

Lấy ví dụ gần đây nhất ở nước Mỹ, người tôi rất kính trọng, John McCain, trong cuốn hồi ký “Sóng Mãi Không Ngừng” (Restless Wave – 2018), viết thế này “Cuộc chiến tranh kéo dài ở Iraq mà dựa trên những thông tin không chính xác là một phần lỗi của cá nhân tôi. 

Tôi và những người có thẩm quyền, có liên quan, của nước Mỹ phải chịu trách nhiệm về sai lầm này, với nước Mỹ, người dân Mỹ và thế giới” [Trang 8, 108].

John McCain đã từng là người trải qua chiến tranh Việt Nam, nhưng những sai lầm của Mỹ trong cuộc chiến đó đã được lặp lại không khác gì trong 2 cuộc chiến tranh mà Mỹ và đồng minh tham gia tại Iraq và Afganistan [1], để lại hệ lụy với nước Mỹ là ít nhất 6 nghìn tỷ đô la ghi nợ [2], hơn 50 nghìn người lính bị thương tật vĩnh viễn suốt đời, và một khủng hoảng lớn về những giá trị nền tảng của Mỹ, vì Con Người, vì tiến bộ xã hội dân chủ - tự do.

Tại sao chúng ta hay mắc lại lỗi cũ, bài học từ giáo dục Mỹ ảnh 2Hợp tác mở đại học với tư nhân, dịch vụ nhìn từ thực tiễn Mỹ

Nói vậy, chúng ta cũng đừng nghĩ rằng chỉ có Mỹ mới như vậy, tất cả đều nên tự soi gương mỗi ngày, để nhìn lại những gì thực tế chúng ta đã và đang làm gì cho nhân dân!

Quay về với một vài ví dụ trong “sai lầm lặp lại” hay có tính hệ thống của giáo dục Mỹ, xin có một vài ví dụ gợi mở, nhằm giúp các nhà cải cách giáo dục Mỹ và Việt Nam tham chiếu.

“Cải cách giáo dục” là trò chơi trình diễn chính trị

Diana Ravitch, nguyên trợ lý giáo dục cho Tổng thống Bush (con) đã viết như trên trong cuốn sách “Trường học chúng ta muốn học – Những suy nghĩ về khủng hoảng giáo dục trong thời đại của chúng ta” [3].

Sau hơn 40 năm liên tục nghiên cứu và đòi hỏi thay đổi giáo dục ở Mỹ, Giáo sư Ravitch đã tổng kết vấn nạn của giáo dục công Mỹ, khi chính trị can thiệp quá nhiều, bằng những chính sách tăng cường “đo lường tính minh bạch trong giáo dục qua thi cử”, hay cắt giảm ngân sách công trong giáo dục và gây sâu sắc hơn bất bình đẳng giữa các trường học, nơi bắt đầu của các thế hệ tương lai Mỹ, gây nên sự đổ vỡ về bất bình đẳng suốt cuộc đời của những thế hệ được học trong “thiếu ngân sách và thiếu niềm tin về tương lai của chính mình”. 

Tất cả được Ravitch tóm tắt ngay ngắn, đầy đủ trong cuốn sách tổng kết gần đây hơn, “Sai lầm Ảo Tưởng về Tư nhân hóa giáo dục công của Mỹ và Mối nguy hại” (2014) [4].

Bất chấp là xanh hay đỏ, lừa hay voi, cứ mỗi thời kỳ chính trị lãnh đạo thay đổi, nhân dân Mỹ lại được nghe những kế hoạch “BOLD, BIG, UNIVERSAL” (những kế hoạch vĩ đại, lớn và tầm cỡ toàn cầu), nhưng ví thử như những tổng kết trong giáo dục của 20 năm qua, tất cả đều thừa nhận, chúng ta đã tiêu rất nhiều, kết quả chẳng bao nhiêu [5], dù đó là chương trình Không bỏ lại Sau lưng Trẻ em nào của Bush, hay Vươn đến Đỉnh cao của Obama và hiện đang thực hiện là Đạo luật Tất cả các Học Sinh Thành Công (ESSA). 

Tất cả có vẻ đều đúng mực, đều vì tương lai của thế hệ sau, nhưng điều gì đã sai và sai thì lại là thật?

Giáo dục khi được “định hướng” sai

Khi tôi ở Boston làm tình nguyện viên cho những người vô gia cư, từ tháng 12/2018-4/2019, tôi nhận ra một điều, đó là tôi rất “dễ” lạc đường, mất định hướng và phản xạ sai khi dựa toàn bộ vào khả năng định hướng và chỉ dẫn vào “Google Map”, hay bất kỳ thiết bị hay chỉ dẫn đường nào trên điện thoại thông minh và máy tính.

Đã có ai thử làm những kiểm định, dựa trên khả năng tự nhìn bản đồ cứng, so sánh đối chiếu đường đi giữa thực tế cần đi và những gì mà những thiết bị điện tử “thông minh” khuyến cáo?

Vô vàn điều thực tiễn cuộc sống đang chứng minh rằng, giáo dục của chúng ta cũng đã và đang được định hướng sai y như vậy và bởi chúng ta để “phụ thuộc” vào kẻ định hướng “online” và “vô hình” đó, nền giáo dục và thế hệ trẻ học tập cũng đang được dẫn dắt đến “sai lầm thế kỷ” chăng?

Tại sao chúng ta hay mắc lại lỗi cũ, bài học từ giáo dục Mỹ ảnh 3Tại Mỹ từ 10 năm trước, học online đã được triển khai

Lấy vài ví dụ nhỏ về định hướng sai:

(1) Đầu tư giáo dục là đầu tư ngắn hạn, chính sách đi theo nhiệm kỳ tổng thống và các vị trí quản lý trong bộ máy chính quyền [3,4].

(2) Những bộ luật, những khái niệm ra đời từ rất lâu, chúng ta “lười” đến độ chỉ muốn “chỉnh sửa” theo kiểu vá chằng vá đụp vào thêm, “sợ” để làm cái gì đó có thể thay đổi cả hệ thống và quy trình. 

Nếu ai cần ví dụ, cứ nhìn vào quy trình gia hạn Đạo Luật Đại học của Mỹ là đủ hiểu [5]. Nhân đang kêu gọi cải cách giáo dục đại học và tăng cường tính minh bạch cho chất lượng đại học, ít nhất 3 dự luật khác đang được giới thiệu, nhưng không ai đặt câu hỏi, tại sao chúng ta lại phức tạp hóa hệ thống quy phạm pháp luật về giáo dục bằng “đẻ” ra lắm luật thế, trong khi các đại học đã than trời về chi phí dành cho “tuân thủ” [6]?

(3) Hơn 40 năm qua, Mỹ theo đuổi chính sách “mở rộng tiếp cận đại học” (“access”) và "lựa chọn” (“choice”) cho tất cả các đối tượng, nhằm tăng cường số lượng người học (phổ cập hóa đại học), nhưng tất cả những dịch vụ hỗ trợ cho sinh viên thành tựu (students success) thì bị cắt giảm tối đa và chuyển từ trách nhiệm của chính phủ chia sẻ ngân sách cho đại học và sinh viên sang chính sách “nhà nước và sinh viên cùng làm”, khiến tiền nợ đại học của sinh viên tăng đột biến trong 20 năm qua (đạt 1,5 nghìn tỷ đô la) [7], nhưng hơn 65% số sinh viên đại học (2 và 4 năm) bỏ học trong 2 năm đầu [8].

Nghiên cứu khoa học để phục vụ sự thật, vì giáo dục con người hay phục vụ  “phù hợp với mục đích”

Nhân Diana Ravitch có nhắc đến những lý do thiếu hụt giáo viên giảng dạy có chất lượng ở Mỹ, một trong những lý do khủng hoảng giáo dục toàn diện, tôi chợt nhớ đến cuốn “Chống lại Tri Thức trong đời sống Mỹ” (Anti-Intellectualism in American Life, xuất bản 1963) [9].

Từ những năm 1863 và trước đó, những lãnh đạo nước Mỹ như A. Lincoln có đề cập rõ đến chiến lược phát triển nước Mỹ mà được ghi lại trong cuốn sách trên như sau:

“Nếu có một điều duy nhất đúng để làm ở nước Mỹ, đó là hãy dạy dỗ cho con trẻ, tất cả chúng, được học hành tốt nhất có thể”.

Chỉ tiếc là, theo như cuốn sách chia sẻ, từ gần một thế kỷ qua, nước Mỹ đã “lựa chọn” con đường khác, một mặt, Mỹ là nước đầu tiên xây dựng chính sách và trường “công” phổ cập trên thế giới, nhưng mặt khác, lao động là giáo viên nữ lại là đối tượng bị “bóc lột” nhiều nhất [10].

Mọi nghiên cứu, mọi đầu tư vào giáo dục đều đổ sông đổ biển, bởi chất lượng đào tạo giáo viên [11] và trả lương giáo viên đều lập lờ như cách các nhà quản trị quản lý đất nước.

Tại sao chúng ta hay mắc lại lỗi cũ, bài học từ giáo dục Mỹ ảnh 4Giáo dục Mỹ từ “Thế giới phẳng” đến “Xin cảm ơn, vì bạn đã đến muộn”

Một ví dụ nhỏ gần đây về mô hình “trường lựa chọn”, loại hình trường tiền công đầu tư, công ty tư nhân quản lý (hầu hết đều do các gia đình, tập đoàn tư nhận thầu), nhằm tạo ra tính dân chủ và đa dạng lựa chọn cho học sinh và cha mẹ, khi họ không hài lòng với trường công đông quá hoặc con em họ học trường công không phù hợp. 

Điều đáng lưu ý, là mỗi đảng phái chính trị có quan điểm khác nhau về hệ thống trường này, hay bởi đứng sau các trường loại hình này là các tập đoàn tư nhân khác nhau [12], và có lẽ đó là lý do tôi đã hỏi nhưng chưa có ai trả lời là tại sao, cùng một hệ thống trường lựa chọn, cùng một khung đánh giá chất lượng và tiêu chuẩn trường, chúng ta (nhân dân và phụ huynh) nhận được 2 - 3 bản đánh giá và báo cáo khác nhau về chất lượng dạy và học? [13]

Khi nghiên cứu khoa học được lồng ghép với mục tiêu về chính trị, về lợi ích của những nhóm lợi ích đứng sau các nhà chính trị, duy nhất lợi ích của quốc gia, lợi ích của người học, thì không rõ, ai tính đếm?

Điều khoản không tiết lộ trong hợp tác đại học – tư nhân

Bởi thế, khi có câu hỏi về khủng hoảng giáo dục, và dự kiến giải quyết bằng AI, machine learning và vô vàn sáng kiến xuất phát từ công nghệ giáo dục, Gates Foundation và các nhà Ed Tech đã phải ghi nhận sự thật sau:

“Chỉ có trí tuệ con người, của nhà giáo có chất lượng, mới có thể giúp giải quyết và tạo nên cách mạng giáo dục cho người học”.[14]

Việt Nam là đất nước “đi sau”, khoảng cách về chất lượng giáo dục thua Mỹ đến thế kỷ.  Nhu cầu học tập Mỹ, học tập thành tựu thế giới là rất đáng quý, nhưng hãy luôn nhớ, hãy học điều đúng, chứ đừng thấy “ai đào khoai cũng vác mai đi đào”, tốn của tốn công rất lớn, trong khi ngân sách và nguồn lực thì giới hạn, tầm và tâm cũng giới hạn, thì hãy làm điều đúng, dù nhỏ trong giáo dục trước hết và bắt đầu từ giáo viên và chất lượng giảng dạy.

Tài liệu tham khảo:

(*) God bless America

[1]War Trauma: Lessons Unlearned, From Vietnam to Iraq; https://www.thenation.com/article/lessons-never-learned-vietnam-iraq/; https://ssi.armywarcollege.edu/pdffiles/PUB1269.pdf 

[2]https://www.thebalance.com/cost-of-iraq-war-timeline-economic-impact-3306301; https://nationalinterest.org/feature/how-americas-wars-have-created-piles-debt-and-little-strategic-benefit-29392?page=0%2C1

[3]https://www.amazon.com/Schools-We-Deserve-Diane-Ravitch/dp/0465072348

[4]https://www.amazon.com/Reign-Error-Privatization-Movement-Americas/dp/0345806352

[5]https://www.aei.org/publication/after-20-years-of-reform-are-americas-schools-better-off/

[6]https://edtrust.org/reauthorization-of-the-higher-education-act-2/; https://www.acenet.edu/advocacy/Pages/Higher-Education-Act.aspx; https://www.insidehighered.com/news/2015/08/03/vanderbilt-university-weighs-its-controversial-compliance-costs-report; https://www.uvm.edu/sites/default/files/Division-of-Finance/UVM_Cost_of_Federal_Regulation-final.pdf; https://hechingerreport.org/the-150-million-question-what-does-federal-regulation-really-cost-colleges/

[7]https://www.marketwatch.com/story/student-debt-just-hit-15-trillion-2018-05-08;

[8]https://scholar.harvard.edu/files/zmabel/files/leaving_late_aug_2017.pdf; https://www.forbes.com/sites/frederickhess/2018/06/06/the-college-dropout-problem/#54ddbab95fd2

[9]https://en.wikipedia.org/wiki/Anti-intellectualism_in_American_Life

[10]https://www.epi.org/publication/u-s-schools-struggle-to-hire-and-retain-teachers-the-second-report-in-the-perfect-storm-in-the-teacher-labor-market-series/

[11]https://blogs.edweek.org/edweek/top_performers/2018/11/teachers_colleges_the_weakest_link.html

[12]https://www.insidephilanthropy.com/home/2018/6/21/the-end-of-the-charter-school-era-hardly-but-key-funders-are-expanding-their-scope; https://www.washingtonpost.com/opinions/charter-schools-are-leading-to-an-unhealthy-divide-in-american-education/2018/06/22/73430df8-7016-11e8-afd5-778aca903bbe_story.html?utm_term=.a93b0d7c6d0f; https://www.huffpost.com/entry/how-the-billionaire-boys_b_6383298; https://www.aspeninstitute.org/blog-posts/have-foundations-wasted-billions-dollars-education-where-s-o/

[13]https://www.nea.org/assets/docs/Online%20Learning%20Programs%20Research%20Brief%20NBI%20135%202017.pdf; https://nepc.colorado.edu/publication/virtual-schools-annual-2018; https://blogs.edweek.org/edweek/charterschoice/2019/03/who_are_the_students_attending_charter_schools_with_low_graduation_rates.html; https://futureofchildren.princeton.edu/sites/futureofchildren/files/resource-links/charter_schools_compiled.pdf; https://credo.stanford.edu/; https://www.rand.org/pubs/research_briefs/RB9994.html

[14]https://events.educause.edu/~/media/files/events/annual-conference/2018/printprogram.pdf?la=en

Nguyễn Thị Lan Hương