Tại sao Triều Tiên đột ngột tỏ thái độ cứng rắn với Mỹ?

07/05/2019 06:30
Thanh Bình
(GDVN) - Việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ gặp phải nhiều thách thức và khó đoán định do cách tiếp cận của Mỹ và Triều Tiên về vấn đề này có nhiều khác biệt

Bộ Tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã phóng nhiều quả đạn tầm ngắn sáng ngày 4/5/2019 từ bãi thử tại thành phố Wonsan, phía đông nước này về phía biển Nhật Bản.

Các nhà phân tích nhận xét rằng với vụ thử vũ khí mới nhất này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang quay lại chiến lược quyết liệt của cha và ông mình nhằm tăng áp lực, buộc ông Donald Trump phải nhượng bộ khi đàm phán.

Khi nước Mỹ đang tiến gần đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, chiến lược đó có thể đe dọa điều Donald Trump gọi là "sáng kiến ngoại giao đậm dấu ấn" của mình.

Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trực tiếp theo dõi cuộc vụ thử tên lửa vừa qua (Ảnh: KCNA).
Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trực tiếp theo dõi cuộc vụ thử tên lửa vừa qua (Ảnh: KCNA).

Bài viết sẽ tập trung phân tích lý do tại sao Triều Tiên lại bất ngờ có thái độ cứng rắn với Mỹ trong vấn đề phi hạt nhân.

Sau khi Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 tại Hà Nội kết thúc mà cả hai bên không ký được thỏa thuận nào như kỳ vọng, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, Choe Son-hui cho biết:

“Chúng tôi không có ý định nhượng bộ những yêu cầu của Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi cũng không sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán theo hướng này”.

Đáp trả lại nhận xét của Triều Tiên, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, John Bolton đã tuyên bố rằng:

“Thật không may là Triều Tiên không sẵn sàng làm những gì họ cần làm. Họ đã đưa ra một tuyên bố vô ích rằng họ đang cân nhắc việc tiến hành trở lại các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Đây chắc chắn không thể là ý tưởng hay đối với họ”.

Nếu quan sát cách giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên từ sau cuộc khủng hoảng hạt nhân lần thứ 1 (1991-1993) đến nay, có thể nhận thấy những động thái trên của Triều Tiên có thể hiểu được và nó được coi là nghệ thuật đàm phán của nước này.

Giải quyết vấn đề hạt nhân được cho sẽ rất khó đoán định do cách tiếp cận của cả Mỹ và Triều Tiên về vấn đề này có nhiều khác biệt (Ảnh: Reuters).
Giải quyết vấn đề hạt nhân được cho sẽ rất khó đoán định do cách tiếp cận của cả Mỹ và Triều Tiên về vấn đề này có nhiều khác biệt (Ảnh: Reuters).

Bởi vì, sau mỗi lần đàm phán thất bại với Mỹ, Triều Tiên thường thúc đẩy chương trình hạt nhân của mình lên một cấp độ mới.

Điển hình là sau khi kết thúc vòng đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên (2008), ngay lập tức, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử bom hạt nhân lần thứ 2 (5/2009) và rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Bên cạnh đó, Triều Tiên cho rằng Mỹ chính là nguyên nhân khiến nước này phải tiếp tục theo đuổi việc sở hữu vũ khí hạt nhân để bảo vệ an ninh quốc gia và chế độ. Triều Tiên có thái độ cứng rắn với Mỹ có thể được giải thích ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, Triều Tiên hiện đang giữ 5.000 hài cốt của binh lính Mỹ bị thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Vào tháng 7/2018, Triều Tiên đã trao trả 55 bộ hài cốt cho Mỹ nhưng đối với Phó Tổng thống Mỹ, Mike Pence (người có cả cha và mẹ tham gia chiến trường Triều Tiên) và các gia đình quân nhân Mỹ có người thiệt mạng tại chiến trường này thì con số trên là quá ít.

Thứ hai, sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội kết thúc, Ngoại trưởng Mỹ và Hàn Quốc đã ký Thỏa thuận về tăng chi tiêu quốc phòng của Hàn Quốc cho lực lượng quân đồn trú Mỹ tại nước này từ 830 triệu USD lên 924 triệu USD và duy trì 28.500 quân Mỹ tại Hàn Quốc.

Điều này đã khiến Triều Tiên vô cùng tức giận và coi đây là cái cớ hợp pháp để bày tỏ thái độ cứng rắn với Mỹ.

Tại sao Triều Tiên đột ngột tỏ thái độ cứng rắn với Mỹ? ảnh 3Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân sẽ có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc

Thứ ba, các nhận xét của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, Choe Son-hui được xem như là sự tiếp nối thông điệp lời chúc mừng năm mới 2019 của nhà lãnh đạo kim Jong-un.

Theo đó, ông Kim Jong-un cho rằng nếu Mỹ không còn giữ lời hứa trước sự chứng kiến của thế giới và vì sự tính toán sai lầm của họ về sự kiên nhẫn của người dân Triều Tiên, nếu nước Washington đơn phương ép Bình Nhưỡng phải làm điều gì đó và khăng khăng áp đặt các biện pháp trừng phạt thì có thể Triều Tiên sẽ buộc phải tìm ra cách thức mới nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước.

Những tuyên bố trên của Triều Tiên có một hàm ý rõ ràng rằng nếu Mỹ cứ tiếp tục khăng khăng phản đối nước này phải giải trừ hạt nhân đơn phương mà không có bồi thường thích đáng thì cách thức để Bình Nhưỡng đáp trả chính là khởi động lại chương trình hạt nhân và tên lửa.

Đây chính là cách mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un làm cho chính quyền Tổng thống Donald Trump không mấy dễ chịu.

Điểm mấu chốt là Triều Tiên không tiến tới mục tiêu giải trừ vũ khí. Tất cả nhượng bộ họ đưa ra trong năm qua, trong khi vẫn tỏ ra tích cực xây dựng lòng tin nói chung và giảm căng thẳng, không đưa chúng ta tiến gần hơn tới một nước Triều Tiên không có hạt nhân.

Ngược lại, việc chế tạo tên lửa, bệ phóng và đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên đã tiếp tục phát triển, phù hợp với chỉ đạo mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đặt ra trong bài phát biểu năm mới 2019.

Đối với Mỹ, bất chấp cách tiếp cận cứng rắn của một số thành viên trong nội các chính quyền Tổng thống Donald Trump, đối thoại hòa bình vẫn được coi là giải pháp then chốt, có lợi cho cả hai bên.

Thực tế, sau vụ thử, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter rằng: "Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un biết tôi đứng về phía ông ấy và không muốn phá vỡ lời hứa với tôi. Thỏa thuận sẽ xảy ra."

Việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ gặp phải rất nhiều thách thức và khó đoán định do cách tiếp cận của cả Mỹ và Triều Tiên về vấn đề này có nhiều khác biệt. 

Tài liệu tham khảo:

1. Tạp chí Toàn cảnh thế giới, số 135 (3/2019) của Viện Khoa học và Nghiên cứu chiến lược;

2. https://en.yna.co.kr/view/AEN20190506004600320?section=nk/nk;

3. https://www.asiatimes.com/2019/05/article/north-korea-tests-missiles-for-first-time-since-2017/?_=3089571;

4. https://vnexpress.net/the-gioi/my-van-lac-quan-ve-tien-trinh-dam-phan-voi-trieu-tien-3918971.html;

5. https://www.asiatimes.com/2019/05/article/north-korean-leader-oversaw-rocket-test/?_=8275427

Thanh Bình