Trò tra tấn bạn tù rùng rợn của nhóm phạm nhân “đại bàng”

03/11/2011 06:44
Theo Pháp luật và Thời đại
(GDVN) -Ngay cả khi vào tù, nhóm tội phạm này vẫn có những hành động côn đồ, khống chế những can phạm khác để họ phục tùng chúng.

Từ đầu năm 1992, tại nhà tạm giữ Rau Răm (Công an TP. Cần Thơ) đã xuất hiện hiện tượng các can phạm là “đầu gấu”, “đại bàng”. Bọn chúng thường xuyên khống chế các can phạm ở cùng phải tuyệt đối phục tùng chúng; Chiếm lấy toàn bộ đồ đạc, thức ăn của gia đình gửi vào.

Điểm khó khăn cho công tác điều tra ở chỗ, “luật” của chúng là nếu nạn nhân nào hó hé một điều gì sẽ bị chúng đánh cho đến chết. Chỉ đến khi một vụ tra tấn bạn tù tàn bạo diễn ra, nhóm côn đồ này mới phải trả giá.


Ám ảnh sau chấn song (ảnh minh họa)
Ám ảnh sau chấn song (ảnh minh họa)

“Đại bàng” náo loạn phòng giam

Điều tra của công an cho thấy tình trạng “đại bàng” đặc biệt nhức nhối tại phòng giam số 1 có 21 can phạm. Trong đó cầm đầu là Nguyễn Văn Mỹ (Còn gọi là Chính Mỹ, SN 1970, không rõ hộ khẩu thường trú, làm nghề thợ hồ, chưa có vợ con). Mỹ bị bắt giam về hành vi cướp tài sản của công dân. Quá trình ở trong trại vốn đã hung hãn, y dần dần trở thành tên cầm đầu của băng nhóm “đại bàng”, khiến các phạm nhân khác tuyệt đối phải phục tùng y. Lúc đầu, hắn còn trực tiếp thực hiện hành vi ức hiếp phạm nhân, buộc các phạm nhân phải cung phụng cho hắn. Càng về sau, hắn chỉ cần ra lệnh, chỉ huy cho đàn em làm. Hầu như tất cả các can phạm đều cắn răng phục dịch bởi sự “dằn mặt” của hắn.

Một “trợ thủ đắc lực” của Mỹ là Vũ Đình Quang Hải (SN 1969, quê Hà Nam). Khi bị bắt vào trại về hành vi chống người thi hành công vụ, Hải có khuôn mặt hiền lành, ít nói nhưng chỉ một thời gian sau, Hải đã tiêm nhiễm tư tưởng “có mắt cũng như đui, có miệng cũng như câm” của “đại ca” để được tồn tại và ra oai. Từ đó, Hải là tay sai đắc lực, luôn tỏ ra hung hăng trong việc ra oai với các can phạm yếu thế hơn.

Một loạt các “đầu trâu mặt ngựa” khác dưới trướng của Mỹ là tên Luân (SN 1971, quê Bến Tre), đang chấp hành hình phạt về tội cướp giật tài sản công dân, chuyên đánh dằn mặt các can phạm khác bằng những đòn hiểm; tên Tuấn (Tuấn Lê, SN 1968, quê Cần Thơ) có tính khí hung hăng, côn đồ, tên Tươi (SN 1973, quê Cần Thơ) đang thi hành án tội trộm cắp tài sản và chống người thi hành công vụ…


Mạng người đổi chiếc… chiếu cói

Trưa một ngày cuối tháng 2/ 1993, công an Cần Thơ tạm giữ đối tượng Sơn Tuyết Sơn vì hành vi trộm cắp tài sản công dân. Cán bộ quản giáo vừa đưa “ma mới” vào phòng giam số 1 thì lát sau Sơn đã bị nhóm “ma cũ” đá mấy cái ngụ ý dằn mặt. Phải đến khi “đại ca” Mỹ can thiệp: “Chúng mày không cần đánh nó nữa” thì nạn nhân mới được tạm yên. Có lẽ thấy uất ức vì bị “đánh hội đồng” nên nạn nhân nằm ấm ức.

Trong lúc nhóm côn đồ còn đang nghĩ cách hành hạ bạn tù mới thì “mồi ngon” bỗng vuột khỏi tay khi 10 phút sau đó, phạm nhân mới được cán bộ quản giáo chuyển sang phòng tạm giam khác. Thấy Sơn đi, “đàn gấu” Mỹ liền tiếc nuối xin chiếc chiếu mới của Sơn. Phạm nhân mới thấy đã may mắn “thoát khỏi hang cọp” thì “bật lại”: “Cho mày rồi tao lấy gì nằm.

Tao biết ở tù quá mà. Mày ăn hiếp tao đâu có được”. Thấy Sơn mới vào tù mà khinh khi, gã phạm nhân cũ “tức lồi mắt” nhưng không dám động thủ vì lúc đó có cán bộ quản giáo ở cửa. Mỹ hằn học: “Sống với mày tốt quá. Mày đi rồi, mày đối xử như vậy phải không. Nhớ đi.

Mày còn xung quanh cái trại Rau Răm này mà”. Sơn vừa ra khỏi phòng, “đại ca” liền phổ biến cho cả phòng: “Từ bây giờ về sau, thằng Sơn quay lại phòng này thì phải xử nó tới luôn. Không được bỏ qua chuyện này nghe chúng bay”.

Chuyện éo le đã xảy ra với phạm nhân Sơn khi vài ngày sau đó, chiều 10/3 khi hoàn thành thủ tục tạm giam, Sơn được cán bộ quản giáo chuyển trở lại vào phòng số 1. Thấy Sơn vừa bước vào, Mỹ hét lớn: “Dậy hết”. Thế là tất cả các can phạm đều ngồi bật dậy nhìn chằm chằm. Cán bộ quản giáo vừa đi khỏi thì Mỹ ra lệnh: “Chúng bay xử nó!”. Chúng bắt bạn tù “cứng đầu” đi ra phía sau phòng bên bể nước để tự cởi quần áo ra. Hai tên bước lại xét người Sơn rồi lấy toàn bộ đồ dùng cá nhân như quần áo, mùng, mền, thau, thức ăn và một số thứ khác “kính biếu Mỹ”. Xong việc tên Hải đề nghị: “Đánh thì phải đánh cho tới luôn, chứ đánh một vài cái thì chẳng bõ công đi kỉ luật”.

Trò rùng rơn bắt đầu khi một tên dùng khăn choàng tắm, quấn chặt vào cổ nạn nhân không kêu la được rồi cả nhóm đấm đá đến ngất xỉu. Không buông tha, chúng khiêng “ma mới” vào dội nướ cho tỉnh lại rồi đưa ra ngoài để nạn nhân ngồi vào chỗ cũ. Đến giai đoạn “tra khảo”, chúng hỏi: “Lúc đi phòng khác mày nói cái gì?” và nạn nhân sợ hãi chống chế: “Lúc đó vì bị xì ke giật quá nên nói bậy”. Cả bọn tiếp tục hành hạ nạn nhân cho đến khi Sơn ngất xỉu lần hai. Nhóm phạm nhân man rợ này tiếp tục dội nước vào Sơn rồi khiêng ra để nằm trên chiếu. Lúc này nạn nhân không còn nói được mà chỉ nằm rên rỉ vì đau đớn.

Trò tra  tấn lên đến đỉnh điểm dã man khi “bực tức” bởi nạn nhân quá đau nên không nói gì, “đại ca” Mỹ dùng giấy tập bật lửa đốt làm bỏng hậu môn và bộ phận sinh dục của bạn tù. Chúng còn pha nước muối đổ vào miệng nạn nhân, lấy chiếu đắp lên người Sơn và cuộc tra tấn tạm ngưng.

Đến chiều tối hôm đó, phòng 1 dọn cơm ra ăn thì phát hiện Sơn đã chết. Lúc này, Mỹ và đồng bọn khống chế các can phạm khác rằng “ai mà hó hé là chết với tụi tao. Nếu cán bộ có kêu ra ngoài làm việc thì nói là Sơn đi tắm bị té dập đầu vào hồ nước rồi chết. Ai mà khai nó bị đánh chết thì sẽ giống như nó bây giờ”.


Trả giá cho sự thách thức pháp luật

Sau khi bàn bạc kế hoạch trốn tội, 17h30’ chiều đó, các can phạm ở phòng 1 đập cửa báo là có người bị bệnh nặng. Y sĩ của trại đến khiêng phạm nhân ra ngoài khám thì phát hiện nạn nhân đã chết. Cơ quan giám định pháp y tỉnh Cần Thơ đã kết luận: Nạn nhân Sơn Tuyết Sơn bị chấn thương gãy đến 8 tiếng xương sườn; lách bị vỡ và đứt làm đôi; phổi trái có nhiều vết bầm tụ máu.

Cán bộ trực trại có mặt ngay sau đó để tách riêng một số can phạm ở phòng 1 yêu cầu viết bảng tường trình. Bọn chúng ngay lập tức giở trò phá quấy, không chấp hành và bỏ chạy trở về phòng 1 lấy ống khóa cửa cầm tay và la hét: “Tôi không đi đâu hết, đề nghị cán bộ cho tôi ở lại phòng 1”. Nhóm can phạm trong phòng còn la hét, kích động: “Không đi đâu hết, nếu cán bộ có đánh thì đánh lại”.

Khi cán bộ trại giam tập trung lại để khống chế kéo các đối tượng sang phòng khác thì chúng thay phiên nhau trèo lên lỗ thông hơi la lớn: “Cán bộ đánh Sơn chết rồi mới chạy qua phòng 1 đổ tội cho phòng 1…”, “Cán bộ đánh tù chết rồi”…và nhiều lời lẽ bất chấp, tục tằn khác.

Bọn chúng chủ trương lấy xô, thau ra đập, dùng tay rung cửa sắt và la ó om sòm gây mất trật tự nghiêm trọng kéo dài khoảng 30 phút. Sự việc chỉ được ổn định khi công an tăng cường lực lượng đến hỗ trợ, khống chế.

Hành vi phạm tội của nhóm côn đồ phòng giam sau đó đã được cơ quan chức năng làm rõ. Tại phiên tòa xét xử, HĐXX nhận định chỉ vì nạn nhân không chịu khuất phục, khiến Mỹ “bẽ mặt” với đàn em mà chúng đã trả thù tàn khốc. Rõ ràng, hành động của các bị cáo là rất dã man, mất hết nhân tính, có kẻ chủ mưu, có người thực hành nên đây là vụ giết người có tổ chức.

Nghiêm trọng hơn nữa là vụ án xảy ra trong phòng giam, sự liều lĩnh của các bị cáo đã lên đến sự tột cùng, thách thức pháp luật. Tòa đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Mỹ, Vũ Đình Quang Hải tử hình; bị cáo Lê Thanh Tuấn, Trần Công Luân tù chung thân; Bị cáo Lê Văn Bé 20 năm tù; Bị cáo Lê Văn Tươi 18 năm tù; Bị cáo Nguyễn Văn Hùng 14 năm tù; Bị cáo Trương Quốc Đạt 13 năm tù.

Tòa cũng nhận định, vụ án trên đã thể hiện việc nhà tạm giữ Rau Răm thuộc công an Cần Thơ trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ còn quá nhiều sơ hở, đã để tồn tại tình trạng “đầu gấu” hay “đại bàng”  trong nhà giam mà không có biện pháp để kiên quyết xử lý, dẫn đến một số hậu quả đau lòng như vụ án nêu trên.

Theo Pháp luật và Thời đại