Buổi truyền cảm hứng đặc biệt tại chiến trường xưa của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

14/05/2019 06:45
Trần Phương
(GDVN) - Trong một dịp đặc biệt, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng được nói chuyện và truyền cảm hứng cho trường Hướng Hóa (Quảng Trị), nơi cả thầy và cô từng tham gia chiến đấu

Ngày 11/5, tại ngôi trường nằm bên cạnh nghĩa trang “quốc tế” Khe Sanh, trường Trung học phổ thông Hướng Hóa (Huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đã diễn ra buổi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0” do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị tổ chức.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, hơn 1200 em học sinh trường Trung học phổ thông Hướng Hóa đã có những trải nghiệm thú vị khi được nghe thầy nói chuyện và giao lưu cùng các em học sinh.

Thầy trò trường Trung học phổ thông Hướng Hóa đã có những trải nghiệm đặc biệt với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. (Ảnh: LC)
Thầy trò trường Trung học phổ thông Hướng Hóa đã có những trải nghiệm đặc biệt với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. (Ảnh: LC)

Trải qua hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay thây và trò trường Trung học phổ thông Hướng Hóa đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ Giáo dục mà Đảng,Nhà nước và nhân dân giao phó.

Dù ban đầu, ngôi trường đóng trên địa bàn miền núi  phía Tây của tỉnh Quảng Trị với điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp.

Song song với sự phát triển về kinh tế - thương mại của huyện Hướng Hóa, ngành giáo dục của huyện cũng đã được quan tâm đầu tư và đạt nhiều kết quả đáng kể.

Từ quy mô nhỏ bé ban đầu với chỉ 5 lớp cấp 3 và 7 lớp cấp 2, cơ sở vật chất là các phòng học tạm bợ bằng tranh tre, với sự cố gắng nỗ lực của tập thể hội đồng sư phạm nhà trường, sự chăm ngoan hiếu học của các em học sinh, Trường Trung học phổ thông Hướng Hóa đã có sự phát triển vượt bậc về cả số lượng lẫn chất lượng.

Đến nay, trường đang có quy mô ổn định với số lượng 29 lớp, với khoảng trên 1200 học sinh.

Cơ sở vật chất của nhà trường đã có nhiều phát triển vượt bậc, từng bước đáp ứng những yêu cầu mới trong thực hiện nhiệm vụ dạy và học.

Những kiến thức từ cuộc đời tự nghiên cứu khoa học của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã trở thành động lực cho các em học sinh. (Ảnh: LC)

Những kiến thức từ cuộc đời tự nghiên cứu khoa học của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã trở thành động lực cho các em học sinh. (Ảnh: LC)

Bên cạnh nhiệm vụ học tập, nhà trường cũng đã có nhiều hoạt động ngoại khóa trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng sống để các em có thể tự học tập luyện đức, luyện tài vì ngày mai lập nghiệp ngay trên quê hương Hướng Hóa, nơi còn nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai.

Với nhiều lợi thế từ điều kiện kinh tế xã hội mang lại như đặc sản cà phê Khe Sanh, hồ tiêu… cùng rất nhiều tiềm năng khác chưa khai thác, nếu các em học sinh Trung học phổ thông được trang bị kiến thức và tâm thế tốt để khởi nghiệp, các em có thể làm giàu trên chính quê hương mình.

Buổi truyền cảm hứng đặc biệt tại chiến trường xưa của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ảnh 3Học sinh trường Đakrông hứa sẽ tự học như Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Đây cũng là một dịp đặc biệt với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khi ông được thăm lại chiến trường xưa, nơi ông là thành viên của tổ công tác đặc biệt thuộc Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) vào tăng cường cho chiến dịch đường 9 (năm 1971).

Đồng thời Hướng Hóa cũng là nơi đóng quân của vợ Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, một đại tá quân Y.

Với những cảm xúc đặc biệt của mình trên mảnh đất Hướng Hóa, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã dành nhiều giờ để truyền cảm hứng học tập, khởi nghiệp cho các em học sinh.

Cách truyền tải ân cần hài hước của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã để lại những ấn tượng sâu sắc với các em học sinh. (Ảnh: LC)
Cách truyền tải ân cần hài hước của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã để lại những ấn tượng sâu sắc với các em học sinh. (Ảnh: LC)

Trước những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, đồng thời cũng có không ít những thách thức cho các bạn trẻ trước khi chọn ngành chọn nghề, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã trang bị những kiến thức cơ bản cho các em học sinh.

Trong thời đại ngày nay, công nghệ có sự phát triển vô cùng mạnh mẽ, sự phát triển nhanh chóng không có chỗ cho sự chần chừ, do dự.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã khuyên các em học sinh trường Trung học phổ thông Hướng Hóa mạnh dạn ước mơ, cần cù học tập để có thể tận dụng và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Để làm được điều đó, thầy Dũng khuyên các em cần phải sáng tạo và làm chủ những công nghệ mới mang thương hiệu Việt Nam để trực tiếp áp dụng vào các lĩnh vực của đời sống mang lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao để khẳng định tiềm năng khoa học Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ của khu vực và thế giới.

Cùng với đó, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng đã dành nhiều lời khuyên bổ ích cho các em học sinh trường Hướng Hóa để các em sống tốt hơn, hiếu thảo với cha mẹ, chan hòa trong cuộc sống, không để đánh mất mình trong mọi hoàn cảnh.

Món quà từ những cuốn sách đã trở thành nguồn động viên quý báu đối với thầy và trò trường Hướng Hóa. (Ảnh: LC)
Món quà từ những cuốn sách đã trở thành nguồn động viên quý báu đối với thầy và trò trường Hướng Hóa. (Ảnh: LC)

Sau những ngại ngùng ban đầu, dù là vùng miền núi nhưng các em học sinh trường Hướng Hóa đã mạnh dạn đặt câu hỏi và giao lưu với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Đã có nhiều câu hỏi rất hay, rất ý nghĩa được gửi tới Giáo sư Dũng, nhiều em đã bày tỏ trăn trở về việc chọn nghề giáo viên mầm non trong thời đại công nghệ 4.0 liệu có phù hợp? Làm thế nào để giữ được bản sắc dân tộc, hội nhập và không hòa tan trước sự phát triển của công nghệ…

Những câu hỏi của các em học sinh đều được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trả lời bằng kinh nghiệm và thực tế kiến thức của mình.

Dưới những cơn mưa rào bất chợt của núi rừng Trường Sơn, thầy và trò trường Trung học phổ thông Hướng Hóa đã được Nhà giáo Nguyễn Lân Dũng truyền lửa say mê học tập nghiên cứu.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh với nữ sinh của trường Hướng Hóa. (Ảnh: LC)
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh với nữ sinh của trường Hướng Hóa. (Ảnh: LC)

Thế giới ngày mai biết bao thách thức nhưng cũng tràn đầy cơ hội dành cho những người có ý chí phấn đấu, có sức khoẻ, có ngoại ngữ, am hiểu công nghệ thông tin và nhất là can đảm dám ước mơ lớn, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng truyền lửa cho các em.

Cuối buổi Hội thảo, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga, hiệu trưởng nhà trường đã gửi lời cảm ơn tới đơn vị tổ chức là Báo điện tử Giáo dục Việt Nam và Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã tổ chức chương trình đầy ý nghĩa.

Đồng thời, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga cũng bày tỏ hi vọng sau buổi nói chuyện của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, các em học sinh của trường Hướng Hóa sẽ dám ước mơ, ước mơ lớn để trở thành những người có ý trí, khát vọng làm giàu cho quê hương.

Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777.

Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Trần Phương