Có thể bạn chưa biết:

Đại học Havard: Lịch sử, Chính trị, Tài chính (kỳ 1)

02/11/2011 11:14
Theo Wikipedia
(GDVN) - Là học viện lâu đời nhất Hoa Kỳ, Harvard được thành lập chỉ 16 năm sau khi các di dân đầu tiên (Pilgrim Father) đặt chân lên Plymouth.
Đại học Havard: Lịch sử, Chính trị, Tài chính (kỳ 1) ảnh 1


Đại học Harvard
 (Harvard University) là một trường đại học tư thục toạ lạc ở thành phố Cambridge, Massachusetts, Hoa Kỳ và là một thành viên củaIvy League. Được thành lập ngày 8 tháng 9 năm 1636 bởi cơ quan Lập pháp thuộc địa Massachusetts, Havard là đại học lâu đời nhất tại Hoa Kỳ, cũng là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở châu Mỹ. Nó cũng là tập đoàn đầu tiên tại Bắc Mỹ. Đại học Harvard bao gồm 10 trường con.

Với tên gọi ban đầu là "New College" hay "the college at New Towne", trường được đổi tên thành Harvard College vào ngày 13 tháng 3 năm 1639, sau khi John Harvard, một mục sư trẻ tuổi ở Charlestown, hiến tặng cho trường một thư viện khoảng 400 đầu sách và 779 bảng Anh (khoảng phân nửa tài sản của ông). Văn kiện đầu tiên đề cập đến Harvard với danh xưng "viện đại học"(university) là bản Hiến pháp Massachusetts năm 1780.

Trong nhiệm kỳ kéo dài 40 năm (1869-1909) của mình, Viện trưởng Charles William Eliot thay đổi triệt để Harvard thành một đại học nghiên cứu. Các cải cách của Eliot bao gồm các khóa học nhiệm ý, mô hình lớp học nhỏ, và các kỳ thi tuyển. Mô hình của Harvard đã có ảnh hưởng trên nền giáo dục quốc gia Hoa Kỳ, ở cấp đại học và trung học.

Thư viện Đại học Harvard với hơn 15 triệu đầu sách là thư viện trường học lớn nhất thế giới, và đứng thứ tư trong số năm "thư viện hàng triệu" (mega-library) của thế giới (sau Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Thư viện Anh Quốc, và Thư viện quốc gia Pháp, nhưng xếp trước Thư viện Công New York).

Harvard thường xuyên có mặt ở hoặc gần vị trí đầu tiên trong các bảng xếp hạng giáo dục đại học quốc tế. Harvard cũng là tổ chức có nguồn cung ứng tài chính lớn thứ hai (sau Quỹ Bill & Melinda Gates), với khoảng 28,8 tỉ USD vào năm 2008.

Lịch sử Havard

Đại học Havard: Lịch sử, Chính trị, Tài chính (kỳ 1) ảnh 2
Nhà thờ Memorial

Từ một nghị quyết của Hội đồng Khu Định cư Vịnh Massachusetts, Đại học Harvard (Harvard College) được gọi theo tên Mục sư John Harvard ở Charlestown, người đã hiến tặng nhà trường thư viện và một nửa tài sản của mình trước khi qua đời ở tuổi 30 (năm 1638).

Năm 1650, Thống đốc Massachusetts Thomas Dudley ký nghị định thành lập trường. Mục tiêu ban đầu của Harvard là đào tạo mục sư cho cộng đồng Thanh giáo.

Áp dụng mô hình đại học Anh, trong thời gian đầu trường dạy các môn học cổ điển phù hợp với triết lý Thanh giáo của các cư dân đầu tiên ở vùng New England; và mặc dù không trực thuộc giáo phái nào, nhiều sinh viên tốt nghiệp Harvard trở thành mục sư cho các nhà thờ Thanh giáo trên vùng New England. 

Phương châm ban đầu của Harvard là Veritas Christo et Ecclesiae “Chân lý cho Chúa Cơ Đốc và cho Hội thánh.” Trong quyển chỉ nam sinh viên, nhà trường cho biết mục tiêu giáo dục là “Mỗi sinh viên cần được hướng dẫn rõ ràng cũng như tự mình xem xét cẩn thận để biết rằng mục đích chính của cuộc sống và học tập là nhận biết Thiên Chúa và Chúa Giê-xu, đó chính là sự sống đời đời. Vì vậy cần phải xem Chúa Cơ Đốc là nền tảng duy nhất của mọi kiến thức đúng đắn.”

Năm 1708, khi John Leverett trở thành viện trưởng đầu tiên của Harvard không phải là một chức sắc tôn giáo, được xem là thời điểm đánh dấu bước chuyển hướng của Harvard trở nên độc lập với ảnh hưởng Thanh giáo.

Từ năm 1830 đến 1870, Harvard được “tư thục hóa”. Harvard phát triển tốt trong giai đoạn đảng Liên bang kiểm soát chính quyền tiểu bang, nhưng đến năm 1824, đảng Cộng hòa-Dân chủ phong tỏa ngân sách dành cho các đại học tư.

Khoảng năm 1870, các cựu sinh viên Harvard hiện thuộc giới thượng lưu ở Boston thế chỗ các chính trị gia và các mục sư là những người từng kiểm soát ban quản trị nhà trường, bắt đầu vận động gây quỹ cho trường bằng các khoản đóng góp của các cá nhân.

Đó là giai đoạn phát triển tài chính chưa từng có của Harvard. Năm 1850, theo ghi nhận của Ronald Story, tổng tài sản của Harvard “cao gấp năm lần Amherst và Williams cộng lại, gấp ba lần Yale… trong bốn thập niên từ năm 1815 đến 1855, các phụ huynh gởi con của họ đến Harvard, theo cách nói của Henry Adam, để có thể đạt địa vị cao trong xã hội.”". 

Harvard cũng đi đầu trong việc tiếp nhận sinh viên từ các cộng đồng thiểu số. Theo nhận xét của Stephen Steinberg, tác giả quyển The Ethnic Myth, “sinh viên Do Thái thường tránh những đại học có tiếng là cố chấp như Yale vàPrinceton….[trong khi đó] dưới quyền lãnh đạo của Viện trưởng Eliot, Harvard nổi tiếng là dân chủ và cấp tiến nhất trong số Ba Đại gia, nhờ vậy người Do Thái cảm thấy đường vào các đại học uy tín không đóng lại trước mặt họ.” 

Năm 1870, năm cuối cùng của nhiệm kỳ Eliot, Richard Theodore Greener là người Mỹ gốc Phi đầu tiên tốt nghiệp Đại học Harvard. Bảy năm sau, Louis Brandies, tốt nghiệp Trường Luật Harvard, là người Do Thái đầu là thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

Năm Viện trưởng Harvard theo thứ tự thời gian phục vụ (từ trái sang): Josiah Quincy III, Edward Everett, Jared Sparks, James Walker và Cornelius Conway Felton.
Năm Viện trưởng Harvard theo thứ tự thời gian phục vụ (từ trái sang): Josiah Quincy III, Edward Everett, Jared Sparks, James Walker và Cornelius Conway Felton.

Tuy nhiên, Harvard lại trở nên thành trì của giới tinh hoa Kháng Cách – thường được gọi là giai tầng Brahmin của Boston – và tiếp tục như thế cho đến thế kỷ 20.

Mặc dù từ giữa thập niên 1880, Harvard không còn đòi hỏi phải có nhà nguyện trong khuôn viên trường học, ngôi trường này vẫn đậm nét văn hóa Kháng Cách. Tuy nhiên, đến năm 1908, chín phần trăm sinh viên năm thứ nhất là người Công giáo. Từ năm 1906 đến 1922, số sinh viên gốc Do Thái tại Harvard từ 6% lên đến 20%.

Trong thế kỷ 20, thanh danh quốc tế của Harvard tăng cao do uy tín của ban giảng huấn cùng số tiền hiến tặng cho nhà trường ngày càng lớn. Đó cũng là thời kỳ bùng nổ số sinh viên đại học với sự ra đời của nhiều trường cao học và sự nở rộ của nhiều chương trình cử nhân. Đại học Radcliffe, thành lập năm 1879 như là một học viện liên kết với Harvard, là một trong những đại học nữ nổi tiếng nhất Hoa Kỳ.

Sau Thế chiến thứ hai, Harvard cải cách hệ thống tuyển sinh để trở nên đa dạng hơn. Mặc dù đa phần sinh viên các chương trình cử nhân ở Harvard đa phần là dân da trắng, thuộc thành phần thượng lưu đến từ những trường dự bị như Exeter và Andover, số sinh viên quốc tế, thành phần thiểu số, xuất thân từ tầng lớp lao động cũng gia tăng. Sau khi Harvard và Radcliffe tuyển sinh chung vào năm 1977 (đến năm 1999 Radcliffe sáp nhập vào Harvard), tỷ lệ nữ sinh viên tăng cao.

Đương đại

Tháng 1 năm 2007, Khoa Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng được thành lập để trở nên trường thứ 14 của Harvard. Trong một bức thư viết vào tháng 4, Trưởng Khoa Nghệ thuật và Khoa học Jeremy Knowles phát biểu, “trong vài năm tới, sự phát triển chính sẽ thuộc về lĩnh vực khoa học và kỹ thuật.”

Đại học Havard: Lịch sử, Chính trị, Tài chính (kỳ 1) ảnh 4
Langdell Hall, Trường Luật Harvard

Sau khi xảy ra Bão Katrina, cùng các đại học khác ở Mỹ và Canada, Harvard nhận sinh viên từ các đại học không thể mở cửa kịp học kỳ mùa thu. Có 25 sinh viên được nhận vào Trường Harvard, và con số tương đương được vào Trường Luật. Tất cả được miễn học phí và được cung cấp chỗ ở.

Viện trưởng Lawrence Summers về hưu ngày 30 tháng 6 năm 2006, chỉ một tuần trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần thứ hai. Cựu Viện trưởngDerek Bok nhiệm quyền viện trưởng.

Ngày 12 tháng 10 năm 2007, Drew Gilpin Faust chính thức trở thành viện trưởng thứ 28 của Harvard. Là sử gia, trưởng khoa Học viện Cao học Radcliffe, và Giáo sư Sử học tại Đai học Harvard, Faust (sinh năm 1947) là nữ viện trưởng đầu tiên trong lịch sử Harvard, cũng là viện trưởng đầu tiên kể từ năm 1672 chưa từng theo học ở đây.

Năm 2005, Harvard nhận một khoản tặng lớn từ Hoàng thân Alwaleed bin Talal của Saudi Arabia nhằm phát triển các chương trình nghiên cứu về Hồi giáo, khiến Harvard bị chỉ trích là nhận tiền để quảng bá hình ảnh của Saudi.

Mùa thu năm 2005, Harvard cho biết đã nhận khoản đóng góp lớn nhất trong lịch sử nhà trường khi Hansjorg Wyss, doanh nhân người Thụy Sĩ, từng theo học cao học kinh doanh tại Harvard, tặng 125 triệu USD để thành lập Học viện Hansjorg Wyss thuộc Trường Y nhằm phát triển công nghệ nano, nghiên cứu tế bào gốc, kỹ thuật sinh học, sinh học phân tử, và các lĩnh vực tương tự. 

Đến tháng 12 năm 2008, Harvard cho biết từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2008 số tiền đóng góp cho trường giảm 22% (xấp xỉ 8 tỉ USD), vì vậy nhà trường buộc phải cắt giảm chi tiêu.

Chính trị

Ngày nay, cùng với nhiều đại học khác trên nước Mỹ, Harvard được xem có khuynh hướng tự do (trung tả). Richard Nixon từng gọi Harvard là “Điện Kremlin bên bờ sông Charles.” 

Năm 2004, tờHarvard Crimson (nhật báo của sinh viên Harvard, thành lập năm 1873) cho biết có 73% sinh viên ở Harvard ủng hộ Kerry, tỷ lệ này dành cho Bush là 19%.

Dù vẫn bị chỉ trích là chỉ phục vụ quyền lợi của giới tinh hoa và “ác cảm với các nhà trí thức có khuynh hướng cấp tiến”, Harvard là cái nôi sản sinh ra nhiều nhân vật nổi tiếng thuộc cả giới bảo thủ và cấp tiến.

Tổng thống Cộng hòa George W. Bush là cựu sinh viên Trường Kinh doanh, Tổng thống Dân chủ John F. Kennedy và Phó Tổng thống Al Gore từng là sinh viên Trường Harvard (Harvard College), còn Tổng thống đương nhiệm Barack Obama tốt nghiệp từ Trường Luật. Tình trạng tương tự cũng diễn ra trong ban giảng huấn ở Harvard.

(còn tiếp)

Theo Wikipedia