Có tái bản sách VNEN xin đừng chỉnh sửa kiểu này

19/05/2019 06:03
Đỗ Quyên
(GDVN) - Có những gia đình đang phải tích cóp từng đồng bạc lẻ để mua cho con bộ sách giáo khoa. Trong khi đó, những bộ sách mới dùng 1 lần đã phải ra hàng đồng nát.

Mỗi năm nhà xuất bản in sách hướng dẫn học (VNEN) lại chỉnh sửa một ít.

Nếu là chỉnh và sửa những nội dung sai, thiếu thực tế là điều nên làm.

Nhưng kiểu chỉnh sửa chỉ thay đổi một vài con số, một vài câu lệnh trong một số bài tập đang gây khó khăn cho việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh.

Những cuốn sách học chưa hết năm đã rách te tua thế này (Ảnh tác giả)
Những cuốn sách học chưa hết năm đã rách te tua thế này (Ảnh tác giả)

Điều quan trọng là buộc phụ huynh phải tốn thêm một khoản tiền không nhỏ để đổi sách cho con.

Trước thềm thay sách, chúng tôi tha thiết mong nhà xuất bản có tái bản xin đừng nên chỉnh sửa kiểu “vô thưởng vô phạt” thế này.

Vào tiết dạy, giáo viên phải đối chiếu nội dung các cuốn sách

Cuốn sách hướng dẫn học bậc tiểu học (VNEN) hiện nay được thiết kế chẳng khác gì cuốn vở bài tập. Cứ mỗi năm sách được tái bản một lần, và đều được thay đổi một ít về các con số, các câu lệnh.

Học sinh học theo nhóm, làm bài và sửa bài cũng theo nhóm.

Bởi thế, kiến thức trong những cuốn hướng dẫn học (thay thế cho sách giáo khoa 2000) cần phải đồng nhất với nhau.

Chỉ cần trong lớp có dăm em học sánh cũ đã gây phiền toán và mất khá nhiều thời gian một cách vô ích.

Thường thì một lớp có từ 5-6 nhóm. Mỗi nhóm có 6 thành viên thì chỉ cần 1 em học sách cũ (sách sản xuất trước chỉ cách 1 đến 2 năm) đã đủ mệt.

Khi cho các em làm bài tập, do một số bài tập thay đổi một số con số khác nhau.

Vì thế lúc các em sửa bài, đã xảy ra trường hợp bài làm sai bị bạn đánh giá đúng.

Bài làm đúng bạn lại chấm sai. Hoặc 5 bạn sửa bài chung, 1 bạn còn lại chẳng biết phải sửa bài thế nào?

Thầy cô cẩn thận, trước khi vào bài học cho học sinh mở hết sách ra để dò nội dung từng bài tập.

Nếu sách nào khác những sách còn lại một chút cần cho điều chỉnh ngay.

Thay đổi mẫu mã để tăng giá sách VNEN?

Vậy là tiết học có 35 phút nhưng công việc điều chỉnh sách cũng chiếm mất khá nhiều thời gian.

Đơn cử: Sách Toán lớp 2 (VNEN) sản xuất năm 2016, bài 88 Phép cộng (không nhớ) trong phạm vi 1000/ trang 95,

 Bài tập 2: Đặt tính rồi tính:

                832+152                           257+312

                641+307                           936+23

Bài tập 2: Đặt tính rồi tính: Sách Toán lớp 2 (VNEN) sản xuất năm 2018 lại thay đổi

               723+144                             437+312

               531+208                             814+34

Kiểu thay đổi thế này khá phổ biến ở những cuốn sách giáo khoa "hướng dẫn học" cho bậc tiểu học.

Yêu cầu làm và dạng toán không thay đổi chỉ thay đổi vài con số chẳng biết nhà xuất bản làm thế với ý định gì?

Không chỉ mình sách toán, sách Tiếng Việt, sách Tự nhiên & Xã hội cũng thế.

Giá sách tăng liệu chất lượng có tăng?

Chuyện buồn về viết vào sách giáo khoa

Kể từ năm học 2019-2020 tới đây, sách giáo khoa lại bắt đầu tăng giá. Thế nhưng giá sách tăng có đi đôi với việc chất lượng sách cũng tăng lên?

Phải nói rằng, những cuốn sách giáo khoa VNEN, Anh văn của Nhà xuất bản Giáo dục in cho năm học 2017-2018 và 2018-2019 với chất lượng vô cùng kém.

Việc đóng sách quá ẩu (học sinh chỉ học vài tuần sách đã bong gáy rơi ra từng tờ), thiếu tờ (hàng chục trang)… đã dẫn đến việc học sinh năm học này không thể học lại sách cũ của những năm học trước.

Với những học sinh cẩn thận nhất (vừa học vừa giữ gìn) thì sách học gần hết năm cũng đã bắt đầu rơi tờ.

Những học sinh ít biết cách giữ gìn bộ sách học chỉ vài tháng đã te tua. Có em gia đình đành phải đi mua thêm một bộ khác.

Vậy là học một năm phải dùng đến 2 bộ sách giáo khoa quả là lãng phí.

Nhưng phụ huynh mất thêm tiền mua sách đồng nghĩa với việc nhà xuất bản lại bán thêm được sách thu lợi nhuận về.

Cuối năm, khá nhiều học sinh lên cho cô sách cũ (thường chúng tôi vẫn đi gom để tặng lại cho học sinh nghèo). Thế nhưng nhìn hàng chục bộ sách sọc sạch, rách tả tơi mà thấy buồn, thấy xót xa.

Buồn vì có những gia đình đang phải tích cóp từng đồng bạc lẻ để mua cho con bộ sách giáo khoa. Trong khi đó, những bộ sách cũ lại phải đi ra hàng đồng nát.

Đỗ Quyên