Kiểm tra chung do phòng giáo dục ra đề cũng nhiều bất cập

02/06/2019 06:59
HỮU SƠN
(GDVN) - Nhà trường, giáo viên không thể để mãi như vậy được, cần sớm thay đổi, bãi bỏ…

LTS: Phản ánh một số bất cập trong công tác tổ chức kiểm tra cho học sinh trung học, thầy giáo Hữu Sơn cho rằng đó là những điều cần sớm được thay đổi, loại bỏ.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Kiểm tra chung còn bất cập

Nhiều năm nay, không ít trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, Phòng giáo dục tổ chức kiểm tra chung các bộ môn văn hóa cho học sinh ở các khối lớp với mục đích đánh giá đồng bộ chất lượng dạy học và hạn chế tình trạng một số thầy cô giáo chèn ép học sinh học thêm

Tính hiệu quả của nó chưa được tổng kết. Nhưng một số vấn đề bất cập nảy sinh. 

Cách tổ chức kiểm tra chung không nảy sinh, chỉ tổ chức kiểm tra chung ở các môn được coi là các môn “chính”: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, còn những môn học khác: Lịch sử, Địa lý, Tin học, Giáo dục công dân thì không. 

Đã có những bất cập trong việc kiểm tra chung. (Ảnh minh hoạ: Congluan.vn)
Đã có những bất cập trong việc kiểm tra chung. (Ảnh minh hoạ: Congluan.vn)

Mặc nhiên, trong thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh có một sự phân biệt “bên trọng, bên khinh” giữa các môn “chính” với các môn “phụ”. 

Bài kiểm tra chung các môn “chính” được cắt phách, chấm theo đáp án thống nhất, điểm được nhà trường kiểm soát, thống kê ra tỉ lệ ai cao, ai thấp…

Trong khi đó, các môn “phụ” giáo viên tự ra đề, kiểm tra tại lớp, điểm số các bài kiểm tra của các em do các thầy cô trực tiếp giảng dạy quyết định. 

Rõ ràng, giáo viên dạy các môn “chính” chịu áp lực, chịu sự kiểm soát của nhà trường nhiều hơn giáo viên dạy các môn “phụ” về mặt điểm số. 

Người ta "ăn" cả tờ giấy kiểm tra của học trò

Kiểm tra chung do phòng giáo dục ra đề cũng nhiều bất cập ảnh 2

Trường dư thừa giáo viên thì tận dụng nguồn lực chưa sử dụng hết ấy (tính theo tiết chuẩn) để phân công, điều động thầy cô giáo đi kiểm tra chung. 

Trường thiếu hoặc đủ giáo viên thì các tiết coi kiểm tra chung của giáo viên phải được thanh toán theo quy định. 

Một số trường không muốn đụng tới kinh phí hiện có của mình mà vận động hoặc bắt buộc phụ huynh học sinh phải đóng cho việc tổ chức kiểm tra chung. 

Nhiều phụ huynh phản đối vì cho rằng nhà trường đã lạm thu, ngoài khoản thu bắt buộc: học phí và bảo hiểm y tế, nhà trường không được phép thu bất cứ khoản nào khác nếu chưa có sự nhất trí, đồng thuận của phụ huynh. 

Một số thầy cô và học sinh cũng không đồng tình với việc kiểm tra chung của nhà trường, Phòng giáo dục đề ra, do gây áp lực, lãng phí về mặt thời gian của người dạy và người học, vì các kiểm tra từ 1 tiết trở lên đã được quy định cụ thể trong phân phối chương trình, kế hoạch, giáo viên giảng dạy trực tiếp cứ theo đó mà thực hiện. 

Vả lại, giáo viên dạy lớp nào, ra đề, kiểm tra lớp đó chắc chắn sát với đối tượng học sinh hơn. 

Nhà trường, giáo viên không trả bài kiểm tra

Mặc dù phụ huynh rất bức xúc và kiến nghị nhiều lần nhưng một số nhà trường, thầy cô giáo vẫn không thực hiện việc phát, trả bài kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ sau khi chấm xong cho các em. 

Không phát, trả bài kiểm tra, làm sao học sinh biết được bài của mình có chấm hay không, có chính xác chưa, đúng - sai chỗ nào… 

Rõ ràng, một số nhà trường, các thầy giáo đã cố tình làm trái quy định của ngành. Phụ huynh học sinh cần lên tiếng quyết liệt hơn để cái sai kia sớm chấm dứt. 

Phúc khảo bài kiểm tra phải đóng phí

Kiểm tra học kỳ xong học sinh vẫn đi học cả ngày vì đã…trót thu tiền

Kiểm tra chung do phòng giáo dục ra đề cũng nhiều bất cập ảnh 3

Có trường còn đặt ra cái “lệ” kỳ quái, những em nào muốn phúc khảo bài kiểm tra học kỳ thì phải nộp phí phúc khảo, mỗi bài từ 5.000 đến mấy chục ngàn đồng cho nhà trường. 

Trường lấy lý do, các thầy cô giáo đã chấm bài kiểm tra xong rồi, nay phúc khảo lại bài, thầy cô giáo tốn thêm công sức, thời gian thì phải được trả thù lao. 

Các em có quyền phúc khảo bài kiểm tra học kỳ, do có thể giáo viên chấm sót, chấm chưa đúng và trách nhiệm của giáo viên là phải nghiêm túc xem xét, thẩm định lại bài cho các em.

Ba việc trên liên quan đến hoạt động chuyên môn, dạy học của nhà trường, thầy cô giáo. 

Có một số địa phương, cơ sở giáo dục đang tồn tại những bất cập, đẻ ra những “lệ” trái với quy định, đáng sợ với phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội. 

Nhà trường, giáo viên không thể để mãi như vậy được, cần sớm thay đổi, bãi bỏ…

HỮU SƠN