Chị Phó chủ nhiệm chết thảm vì cành cây mục rơi trúng đầu

04/11/2011 07:03
Pháp luật và thời đại
(GDVN) - Tai nạn hi hữu xảy ra dưới gốc đa khiến cho một người phụ nữ chết thảm, còn cả làng râm ran một thời gian dài, xem cây đa là "cây thần".
Ở trung tâm thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), hàng chục năm nay người ta vẫn thường đồn đại về câu chuyện một “cây đa thiêng” đã từng “vật” nhiều người khi dám động chạm tới mạng sống của cây. Những tai nạn đã xảy ra, những nạn nhân liên lụy được nhiều người kể rành rành để làm bằng chứng cho câu chuyện mang màu sắc kỳ bí. Phóng viên đã tìm hiểu sự việc này thông qua câu chuyện với những người từng chứng kiến sự việc.

Không rõ có "ma" hay không, nhưng khu vực gốc đa ngày xưa không ai dám xâm phạm (Ảnh minh họa)
Không rõ có "ma" hay không, nhưng khu vực gốc đa ngày xưa không ai dám xâm phạm (Ảnh minh họa)

Tai nạn hi hữu

Những người dân tại xóm Xảy, xã Thái Bình ngày xưa (nay là tổ 15, phường Thái Bình) còn nhớ rõ ngày ấy đường giữa xóm có một cây đa cổ thụ lớn đến mức 5 người ôm mới xuể. Cây đã có từ nhiều đời, không ai biết rõ tuổi của cây là bao nhiêu thế kỷ, chỉ biết cha ông cụ kị mình đã từng hưởng bóng mát từ đại thụ này.

Nhiều lần đi qua thấy cành đa gần nhà trẻ của xóm bị mục nát và có nguy cơ rơi xuống ảnh hưởng tới các cháu, chị Đinh Thị Lý, khi đó đang là Phó chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp xã Thái Bình, Đại biểu Hội đồng nhân dân xã và Đại biểu Hội đồng nhân dân thị xã Hòa Bình đề xuất xin chặt cành đa đó. Đó là vào một ngày cuối tháng 10/1994. Được Hợp tác xã nhất trí, chị tức tốc lên xin phép UBND thị xã Hòa Bình (nay là thành phố), đồng thời xin một máy xúc hỗ trợ việc chặt cành. Được cấp giấy phép, chị vui mừng trở về nhà định tiến hành việc chặt cành đa.

Hàng chục năm sau ngày tai nạn xảy ra, chị Đinh Thị Hương, chị gái của nạn nhân vẫn nhớ rõ từng chi tiết vụ tai nạn đó: Khi em gái chị trên đường đi xin phép chặt cành đa về nhà thì gặp chính cành cây ấy bất ngờ rụng xuống rơi trúng đầu. Chị Hương kể lại: “Nhà ở gần cây và lúc đó tôi đang ngồi ở nhà thì nghe tiếng cành cây đổ rào xuống đất. Mọi người chạy ra thì thấy em tôi đã ngã vật xuống đường, trên xe đạp vẫn còn treo chiếc túi đựng tờ giấy cho phép chặt cành đa”. Lúc đó cả xóm chạy đến nâng cành đa lên, người kéo chị Phó chủ nhiệm ra nhưng tất cả đã quá muộn, nạn nhân đã trút hơi thở cuối cùng.

Tai nạn hi hữu xảy ra khiến người làng vừa tiếc thương nạn nhân, vừa râm ran bàn tán. Người ta còn đồn: “Người lái máy xúc từ khi nhận được lệnh đi hạ cành đa khô thì ốm liệt giường, trong lúc mê man thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đến nói: “Ai phá nhà mày mà mày đòi đến phá nhà người ta?””. Suốt một thời gian dài sau đó, không ai còn dám nhắc đến việc chặt phá cây đa nữa. Nhiều người mê tín thì giải thích: “Muốn chặc cành đa mà chưa làm lễ xin phép “đa thần” nên “ngài” phạt”.

Ám ảnh đa thần


Tai nạn xảy ra khiến mọi người “giật mình” lần mò gốc tích cây đa. Hỏi cụ Đinh Văn Phục là người cao tuổi nhất trong làng, cụ cho biết ngày xưa, khu vực này chỉ có khoảng hơn chục nóc nhà, cây cối rậm rạp, có một con đường nhỏ cách quốc lộ khoảng  500m, phía trước cây đa có một ngôi miếu nhưng lớn bằng ngôi đình dưới xuôi, ngày lễ tết có cờ cắm xung quanh, người bản địa nói miếu rất linh thiêng. Sau này, đất lành chim đậu, người dân các nơi mới đến đây sinh cơ lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới nên mới sầm uất, đông đúc, mái ngói chen nhau với tán đa.

Lục lại trí nhớ, các cụ bô lão trong làng mới nhớ ra một chuyện kỳ lạ khác đã xảy ra từ thời chống Pháp. Ngày đó quân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược, khu vực ngôi miếu cây cối rậm rạp, um tùm nên được các lực lượng của ta lấy nơi đây làm nơi hoạt động bí mật trước khi xâm nhập vào thị xã Hòa Bình. Năm 1949, quân Pháp cho lính nhảy dù xuống thị xã và càn quét lên khu vực chúng nghi có cán bộ của ta hoạt động và xóm Xảy thường xuyên bị quân giặc tới càn quét.

Trong một trận càn, phát hiện ra bộ đội của ta ở trong miếu, chúng đã lùng sục và bắn chết một cán bộ đang náu trên cành đa. Khi đó miếu được lợp bằng mái tranh nên khi xác người chiến sĩ rơi xuống được mái tranh che phủ lên, quân giặc không tìm thấy. Hơn một tháng sau, người dân chạy giặc mới trở về nhà, khi sửa sang lại ngôi miếu thì phát hiện thấy xác anh bộ đội.

Nhưng có một điều kỳ lạ là sau chừng ấy thời gian mà xác vẫn không bị phân hủy, chính cụ Đinh Văn Phục ngày đó là cậu bé nhiều lần thả trâu đi qua khu vực ngôi miếu vẫn không hề biết.

Dân làng thương tiếc người chiến sĩ anh dũng, đã tổ chức lễ tang rồi an táng anh trong khu vực nghĩa trang xóm. Cụ Phục nhớ lại: “Do thời gian đã hơn 60 năm, lại không có người nhận nên đến nay ngôi mộ ấy vẫn vô danh. Bí ẩn như chuyện vì sao anh bộ đội ấy hi sinh từng ấy thời gian dưới tán đa thần mà cơ thể không bị phân hủy”.

Sau này, ngôi miếu cũng bị thực dân Pháp đốt phá, chỉ còn lại cây đa phía sau. Năm 1954 hòa bình lập lại, người dân quay về xây dựng cuộc sống mới, cụ Phục được bầu làm Đội trưởng đội sản xuất xóm Xảy, cùng những người trong xóm lên rừng chặt bương tre làm lại ngôi miếu.

Chuyện lạ chưa lời giải


Nhiều năm sau vụ tai nạn khiến chị Phó chủ nhiệm chết thảm, cây đa héo mòn dần, thân cây mục ruỗng nhưng không ai dám động đến “thần đa”. Thời gian mở rộng đường, địa phương đã nhờ người giỏi leo trèo đến chặt hạ cây khô.

Người ta đồn rằng: “Người trưởng nhóm phụ trách việc chặt cây đa sau đó trong một lần đi rừng đã bị trượt chân rơi xuống vách đá chết, còn những người trong nhóm chặt hạ cây đa cũng lần lượt bị tai nạn hoặc bệnh tật liên miên”. Hỏi cụ Phục về chuyện này, ông lão lắc đầu: “Đó chỉ là những câu chuyện truyền miệng, không “chỉ tận tay day tận mặt” những người đó là ai nên không biết thực hư. Có thể chuyện là người ta thêu dệt nên”.

Có một chuyện tình cờ khác liên quan đến gốc đa thì “người thật việc thật” mà người nào trong tổ dân phố cũng biết. Mấy năm trước, một phụ nữ trong khu định dọn dẹp khu vực quanh gốc đa cũ để làm nơi bán hàng nước, nhưng chưa bán được ngày nào thì … lăn ra ốm. Đưa đến bệnh viện, các bác sĩ nói bị bệnh hiểm nghèo phải tốn cả trăm triệu mới chạy chữa được.

Không có tiền, gia đình đành đưa chị về và làm lễ sửa tạ. Dứt lễ tạ, vài ngày sau quay lại thì các bác sĩ cho biết bệnh đã thuyên giảm nhiều. Nghe chuyện này, người mê tín thì cho rằng “vì bị “thần đa” phạt, biết lỗi làm lễ tạ nên được tha thứ”; người không tin ma tà quỷ quái thì quả quyết “chẳng có ma nào cả, chắc là do bác sĩ trước đó chẩn đoán sai bệnh thôi”. Thực hư ra sao không ai biết, chỉ thấy người phụ nữ này từ bỏ hẳn ý định mở hàng nước ở gốc đa cũ ngày xưa.

Một chuyện lạ khác là khu vực gần gốc đa có một mó nước (mạch nước) rất trong. Những người đi qua đây nếu khát chỉ cần lấy nước ở đây uống mà không cần đun nấu, cũng không hề sợ bị đau bụng. Người địa phương vì thế còn có câu “Đi qua xóm Xảy, lấy nước về uống để nhịn bảy ngày cơm”. Một phụ nữ nhà gần đó cho biết: “Gia đình tôi đã trải qua nhiều thế hệ lấy nước ở đây ăn uống, khi đun nước trong ấm không bao giờ có một chút cặn nào, đáy ấm cứ sáng choang”.

Ngày trước, chị em phụ nữ ở đây vẫn thường ra mó nước này “tắm tiên”, vì thế mà da dẻ người nào cũng trắng trẻo hồng hào. Dù thành phố cung cấp nước sạch nhưng người dân nơi đây vẫn dùng mó nước này để ăn uống, sinh hoạt. Trước đây, có người đã thử đi tìm nguồn của mó nước này nhưng cũng không thể tìm được, rồi có những gia đình ở gần đó làm nhà vít lại nhưng mó nước vẫn chảy bình thường, có khi còn mạnh hơn.

Đầu năm 2011, người dân trong khu vực đã xây sửa lại miếu ngay tại vị trí ngôi miếu cũ dưới gốc đa đã bị chặt bỏ. “Cũng chẳng rõ có ma tà gì không nhưng lập nơi thờ cúng nho nhỏ để nhớ di tích ngày xưa, để mọi người có công việc trọng đại trong gia đình đến thắp hương mong được mạnh khỏe, con cháu học hành tiến bộ, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu”, một bô lão trong làng giải thích.

Pháp luật và thời đại