Có chuyện kinh doanh đền, chùa không?

06/06/2019 06:19
Kiến Văn
(GDVN) - Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đặt câu hỏi: Có hay không hiện tượng thương mại hoá công trình tâm linh và việc một số quan chức góp tiền xây dựng chùa?

Tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 5/6, Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) - Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh đặt câu hỏi: "Thời gian vừa qua Bộ Văn hóa không thừa nhận khái niệm du lịch tâm linh, vậy xin Bộ trưởng cho biết quan điểm về việc thương mại hóa trong việc xây dựng công trình tâm linh mà tôi tạm gọi là chùa BOT.

Ở đó có hiện tượng một số quan chức đóng cổ phần vào chùa BOT kiếm lời sau khi công trình đi vào hoạt động hay không? Bộ Công an và Bộ Văn hóa có biện pháp gì xử lý hoạt động lệch chuẩn của một số ít công dân Việt Nam lợi dụng hoạt động tôn giáo tín ngưỡng để vi phạm pháp luật?”.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: “Việc thương mại hoá các công trình tâm linh, thực hiện các hành mê tín dị đoan là vi phạm pháp luật, cần phải lên án và xử lý theo quy định của pháp luật. 

Vấn đề quản lý tôn giáo, về chùa, việc này thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, về khía cạnh quản lý văn hóa, tôi chưa có thông tin nào liên quan tới sự đóng góp của các quan chức xây chùa.

Tôi cũng đề nghị nếu đại biểu có thông tin gì cung cấp cho Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xử lý theo quy định của pháp luật”.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị đại biểu Nguyễn Mai Bộ nếu có thông tin việc cán bộ góp tiền xây chùa thì cung cấp để Quốc hội giám sát và không nên gọi là chùa BOT.

Sau trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) giơ biển tranh luận, tiếp tục hỏi Bộ trưởng: Có hiện tượng kinh doanh đền chùa? Mong Bộ trưởng trả lời, khẳng định có hay không để xua tan dư luận?

Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời ngắn gọn: "Chưa có thông tin gì về vấn đề này".

Nơi đặt chuông cũng có hòm công đức. ảnh: Tùng Dương.
Nơi đặt chuông cũng có hòm công đức. ảnh: Tùng Dương.

Chưa có quy định cụ thể quản lý hòm công đức

Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) cho rằng sự phát triển du lịch tâm linh của Việt Nam sánh ngang khu vực và thế giới, đồng thời chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện:  Tổng thu chi công đức mỗi năm là bao nhiêu, sử dụng vào mục đích gì, có chủ trương thanh tra kiểm soát thu chi cho hoạt động tín ngưỡng xã hội hóa?

Doanh nghiệp dựa dẫm vào tâm linh, kiếm tiền nơi cửa Phật
Doanh nghiệp dựa dẫm vào tâm linh, kiếm tiền nơi cửa Phật

Đại biểu Diến cho rằng tình trạng thương mại hóa tâm linh làm tầm thường hóa khu vực linh thiêng, yêu cầu Bộ trưởng nêu giải pháp khắc phục.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng tiếp tục tranh luận lại và cho rằng, theo thống kê mỗi năm nước ta có khoảng 8.000 lễ hội trong số đó không ít lễ hội diễn ra phản cảm, biến tướng, lợi dụng hình thức tâm linh để kinh doanh trục lợi như dâng sao giải hạn tại chùa Ba Vàng, xin sao giải quẻ…

Đề nghị Bộ trưởng cho cách giải quyết để lễ hội nước ta không bị biến tướng chỉ phục vụ nhóm người kiếm được lợi nhuận từ tín ngưỡng? Đề nghị Bộ trưởng khẳng định có hiện tượng kinh doanh chùa hay không? Ai quản lý tiền công đức, nguồn thu này có làm lợi cho ngân sách hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện chưa có văn bản pháp luật quy định về thu, chi tiền công đức; chỉ có thông tư liên tịch giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Nội vụ hướng dẫn sử dụng tiền công đức "phải đúng mục đích, công khai".

"Nói thật với Quốc hội, với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Văn hóa chưa có văn bản nào quy định vấn đề này", ông Thiện nói.

Theo Bộ trưởng Thiện, cuối năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 110 về quản lý, tổ chức lễ hội, trong đó giao Bộ Tài chính hướng dẫn thu, chi tiền công đức; Bộ Tài chính đang triển khai xây dựng thông tư hướng dẫn.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đưa ra khuyến cáo đặt tối đa 3 thùng công đức tại mỗi khu di tích, cơ sở tâm linh. Tuy nhiên, với góp ý của đại biểu và căn cứ thực tiễn, Bộ sẽ đề xuất việc đặt thùng công đức tại các khu di tích theo hướng "đảm bảo nếp sống văn minh, văn hoá".

Liên quan tới quy định số lượng thùng công đức tại cơ sở tôn giáo, di tích, người đứng đầu ngành văn hóa cho biết mới chỉ có văn bản khuyến cáo yêu cầu các cơ sở thực hiện nếp sống văn hóa.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất với các bộ ngành đảm bảo việc thực hiện đặt hòm công đức theo tinh thần nếp sống văn minh văn hóa”, ông Thiện cho biết.

Vấn đề quản lý hòm công đức cũng đã được nhiều chuyên gia nghiên cứu về văn hóa và dư luận xã hội đặt ra suốt một thời gian dài nhưng cho tới nay vẫn chưa có quy định cụ thể, như Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã cho biết.

Có ý kiến cho rằng, để minh bạch thu chi các khoản tiền này, cần có quy định cụ thể để áp dụng đồng loạt các địa phương, thí dụ hòm công đức phải có niêm phong và khi mở phải có sự chứng kiến của đại diện nhiều cơ quan, số tiền thu chi ấy cũng phải được dán công khai tại các di tích, điểm tâm linh và công khai chính thức trên website của các cơ quan quản lý.

Chỉ có minh bạch thì mới ngăn chặn được những trường hợp lợi dụng tâm linh, tín ngưỡng.

Kiến Văn