Có ai không muốn minh bạch tiền công đức?

12/06/2019 06:09
Tùng Dương
(GDVN) - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nói thẳng là hiện nay chưa có quy định quản lý, sử dụng tiền công đức. Vậy đến khi nào mới thật sự minh bạch vấn đề này?

Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch - ông Nguyễn Ngọc Thiện trước Quốc hội vào ngày 5/6/2019: Tổng thu chi tiền công đức mỗi năm là bao nhiêu, sử dụng vào mục đích gì, có chủ trương thanh tra kiểm soát thu chi cho hoạt động tín ngưỡng xã hội hóa?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện chưa có văn bản pháp luật quy định về thu, chi tiền công đức; chỉ có thông tư liên tịch giữa Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cùng Bộ Nội vụ hướng dẫn sử dụng tiền công đức "phải đúng mục đích, công khai".

"Nói thật với Quốc hội, với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Văn hóa chưa có văn bản nào quy định vấn đề này", ông Thiện nói.

Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại tá Quân đội, nhà văn - Sương Nguyệt Minh nêu quan điểm: “Bộ trưởng Thiện nói như vậy thì chưa thỏa mãn. Tại sao Bộ không ra quy định về vấn đề quản lý hòm công đức? Và đó là trách nhiệm của Bộ trưởng.

Vấn đề này đã đặt ra từ rất lâu rồi nhưng cho tới giờ vẫn chưa có quy định cụ thể, chưa có chế tài xử lý nếu phát hiện có chuyện lợi dụng tiền công đức”.

Nhiều năm qua vẫn chưa có quy định quản lý, sử dụng tiền công đức. Ảnh minh họa: vov.
Nhiều năm qua vẫn chưa có quy định quản lý, sử dụng tiền công đức. Ảnh minh họa: vov.

Thông tư liên tịch số 04/2014 - Thông tư duy nhất hiện nay hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thì vẫn xuyên suốt quan điểm là Nhà nước không quản lý tiền công đức, giọt dầu nhưng tiền này phải công khai, minh bạch.

Nói về giải pháp, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, đưa ra quan điểm: “Ở đây có hai phương diện cần phân biệt: Thứ nhất là những cơ sở tín ngưỡng tôn giáo là Di sản văn hoá, là Di tích văn hoá lịch sử Quốc gia.

Thứ hai là những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo chưa là Di sản hoặc Di tích văn hoá Quốc gia hoặc thuộc quản lý ở cấp tỉnh.

Cái thứ nhất thì phải quản lí theo Luật Di sản, tức là từ tổ chức đến điều hành đều phải có các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước, kể cả tiền công đức, vấn đề minh bạch tiền công đức là bắt buộc theo luật.

Cái thứ hai thì theo tinh thần thoả thuận giữa người dân địa phương và trụ trì cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Nói tóm lại, cần có quy định rõ ràng cho từng phương diện.

Vấn đề hiện nay người dân đang đòi hỏi khoảng trống của luật pháp đó là quản lí tiền công đức ra sao?

Thực tế việc trùng tu tôn tạo di tích thì vốn của nhà nước chiếm tỉ lệ rất ít mà chủ yếu là của người dân tự nguyện đóng góp, công đức.

Ông Sơn nói: “Tiền công đức là của người dân đóng góp nên phải được công khai minh bạch, hơn nữa việc công đức không phải bây giờ mới có.

Trong sử có ghi lại thì việc công đức đã có từ hàng nghìn năm nay và đều được ghi chép rõ ràng, minh bạch.

Có nhiều Bia đá thời Lý Trần, thời Mạc nói rõ về tiền Hưng công (tiền công đức) những ai, tên là gì và đóng góp bao nhiêu… Trong những tấm bia đó còn có ghi tên Hoàng Đế, Công Chúa, Hoàng Hậu và những người dân”.

Vậy ở đây là phải thống nhất một cơ chế là công khai minh bạch, công khai từ số tiền công đức, thu chi vào những việc gì, việc thu chi có đúng hay chi sai…

Có không ít trường hợp dùng số tiền công đức để chi sai mục đích, trong luật di sản có nêu rõ: Tiền công đức chỉ được dùng để sửa chữa, phục vụ cơ sở thờ tự, di tích.

Theo ông Trần Hữu Sơn: “Việc sử dụng các nguồn thu từ công đức và dịch vụ chưa hoàn toàn đúng mục đích, chưa thật minh bạch. Nhiều người ngại đụng chạm khi nhắc tới tiền công đức, nhiều người lại có suy nghĩ cha chung không ai khóc, có nơi lẫn lộn trong quản lý, thu - chi giữa Ban quản lý và Thủ từ, chính quyền địa phương.

Chuyện cá nhân tìm cách biển thủ đã xảy ra, có nơi còn “khoán” tiền công đức để nộp cho địa phương, báo chí từng nêu sự việc xảy ra ở một di tích tại tỉnh Nghệ An. Khoán tiền công đức vấp phải sự phản đối từ người dân và dư luận vì làm sai lệch bản chất tâm linh, linh thiêng nơi đền, chùa".

Làm sao biết được năm nay đền thu được bao nhiêu mà lại “khoán”? Vì bị “khoán” nên các di tích buộc phải nghĩ ra nhiều trò thương mại hoá để cho đủ chỉ tiêu, và khi đủ rồi thì làm sao để tiếp tục vượt “khoán”?

Cái vòng luẩn quẩn ấy làm cho nguồn thu công đức bị biến tướng, lòng tin của người công đức cũng bị giảm sút.

Cần phải sớm có những quy định cụ thể trong quản lý, sử dụng tiền công đức. Ảnh: Tùng Dương.
Cần phải sớm có những quy định cụ thể trong quản lý, sử dụng tiền công đức. Ảnh: Tùng Dương.

Ông Sơn cho biết: “Kinh nghiệm hồi tôi còn ở Lào Cai, lúc đó tư nhân tự đứng ra quản lí đền Bảo Hà thì mỗi năm người ta chỉ nộp 1 - 2 tỷ đồng.

Sau đó Sở Văn Hóa tỉnh Lào Cai và Ủy ban nhân dân huyện Bảo Yên cùng nghiên cứu, thành lập ra một Ban để quản lí di tích đền Bảo Hà và kết quả là năm 2018 thu được 33 tỷ đồng tiền công đức.

Hiện nay tình trạng vi phạm tiền công đức xảy ra tràn lan có nhiều dạng, nhưng phổ biến nhất là lạm chi, họ lấy tiền công đức ra làm quỹ khen thưởng, làm đường nông thôn, tổ chức một số hoạt động ở địa phương…

Vì tiền chùa đó không ai kiểm toán, kiểm soát nguồn thu nên người ta tự ý chi, lâu dần thành thói quen và không muốn công khai minh bạch”.

Có ai không muốn minh bạch tiền công đức? ảnh 3Ai đang lợi dụng thần phật, tiền công đức?

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng trên là do chúng ta thiếu cơ chế quản lý thống nhất, khiến mỗi di tích làm một kiểu.

Việc quản lý tiền công đức hiện giờ đang phụ thuộc vào các địa phương được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý.

Ban quản lý di tích, chính quyền xã báo cáo bao nhiêu thì huyện biết thế chứ chưa có cơ chế nào để yêu cầu báo cáo cụ thể việc thu, chi.

Việc sử dụng tiền công đức đúng mục đích hay không cũng chưa có cơ chế kiểm soát…

“Vì vậy, việc xây dựng các quy định có liên quan nhằm đảm bảo thu, chi tiền công đức đúng mục đích. Đồng thời, định kỳ hàng quý, Ban quản lý di tích cần thực hiện niêm yết việc thu, chi công khai tại di tích để người dân cùng rõ.

Bên cạnh đó, những bức xúc của người dân trong việc thu phí tại di tích cũng đến từ quy định pháp luật còn thiếu rõ ràng.

Theo quy định, nếu danh thắng thì được thu phí để trùng tu và bảo tồn nhưng với hệ thống cơ sở tôn giáo thì không được phép.

Thế nhưng, việc phân biệt cơ sở tôn giáo và danh thắng còn mập mờ. Hiện nay, các cơ sở tôn giáo thường nằm ở những khu vực có danh thắng như Chùa Hương, Tràng An…

Khi đến đây, người dân không chỉ thực hành tín ngưỡng mà còn tham gia các hoạt động tham quan thắng cảnh.

Do đó, việc thu phí tại những địa điểm này dù đúng luật song cũng không tránh khỏi những ý kiến thắc mắc của người dân”, ông Sơn nói.

Câu hỏi đặt ra là cần phải làm gì để chấn chỉnh thực trạng này? Ông Trần Hữu Sơn nêu quan điểm: “Bộ Văn Hóa, Bộ Nội Vụ, Bộ Tài Chính và cơ quan quản lý cần sớm ban hành và hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan, nhằm thống nhất trong quản lý phí, tiền công đức.

Đây cần được coi là vấn đề gợi mở để các cơ quan trên xem xét và thực hiện, bởi dư luận xã hội mong chờ đã lâu và số tiền công đức nếu được tổng hợp một cách cụ thể thì không phải là nhỏ.

Đặc biệt, cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước cần vào cuộc thanh tra, kiểm toán để làm rõ các vấn đề liên quan đến việc thu phí và quản lý tiền công đức gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Hiện nay, mới chỉ có việc thu phí là được thanh tra, kiểm toán, còn công tác quản lý tiền công đức vẫn chưa được đụng chạm đến.

Khi người dân có tiếng nói mạnh mẽ, chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích sẽ phải công khai và nghiêm túc trong quản lý các khoản tiền trên.

Có như vậy thì sẽ không xảy ra tình trạng biển thủ, tham nhũng tiền công đức cũng như xử dụng sai mục đích”.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc quản lý, sử dụng nguồn công đức:

1. Người phụ trách (trụ trì), Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu có) phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống nhất, đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

2. Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch.

3. Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải tuân thủ các quy định của Thông tư liên tịch này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

(Điều 7, Thông tư 04/2014/TTLT-BVNTTDL-BNV)

Tùng Dương