Muốn huy động sức dân làm giáo dục, phải hiểu dân và tin tưởng nơi dân

17/06/2019 14:44
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu đã tin tưởng dân, đã thực sự xem giáo dục tư thục là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền giáo dục quốc dân, vì sao ngân sách vẫn phải ôm hết?

Ngày 4/6/2019, Chính phủ ra Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025. 

Điều này cho thấy giáo dục tư thục đang ngày càng đóng vai trò quan trọng và luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước.

Nhưng đồng thời việc này cũng cho thấy việc thể chế hóa cũng như triển khai chính sách xã hội hóa giáo dục đúng đắn của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn còn rất chậm.

Huy động sức dân chăm lo sự nghiệp giáo dục, chủ trương chính sách và hành lang pháp lý

Xã hội hóa giáo dục, huy động sức dân tham gia sự nghiệp giáo dục không phải vấn đề mới, nhưng vẫn luôn có tính thời sự. Quan điểm xã hội hóa đã chính thức xuất hiện trong Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII tại Đại hội VIII năm 1996:

Giáo dục tư thục có bị kỳ thị?
Giáo dục tư thục có bị kỳ thị?

Các vấn đề chính sách xã hội đều giải quyết theo tinh thần xã hội hóa.

Nhà nước giữ vai trò nòng cốt đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết những vấn đề xã hội. [1]

Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000 cũng chỉ đạo rõ:

Thể chế hoá chủ trương xã hội hoá giáo dục đã ghi trong nghị quyết đại hội VIII. [2]

Sau Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII nói trên, năm 1998 Luật Giáo dục ra đời, lần đầu tiên công nhận chế độ đa sở hữu đối với các cơ sở giáo dục, bao gồm công lập, bán công, dân lập và tư thục.

Đây là một bước nhảy vọt về nhận thức và chính sách.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục đã nêu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90/CP ngày 21/8/1997 về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá;

Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao đã tạo điều kiện rất lớn cho giáo dục tư thục phát triển.

Năm 2005, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao, trong đó đặt mục tiêu định hướng đến năm 2010:

Tỷ lệ học sinh nhà trẻ ngoài công lập chiếm 80%, mẫu giáo 70%, trung học phổ thông 40%, trung học chuyên nghiệp 30%, các cơ sở dạy nghề 60%, đại học, cao đẳng khoảng 40%.

(So sánh mục tiêu này với tổng kết trong Nghị quyết 35/NQ-CP càng thấy rõ, việc thể chế hóa chính sách xã hội hóa giáo dục đúng đắn của Đảng và triển khai nó vào cuộc sống đã chậm như thế nào).

Giáo dục tư thục càng phát triển, Nhà nước càng có điều kiện tập trung ngân sách và biên chế cho giáo dục vùng sâu, vùng xa và chăm lo tốt hơn cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Ảnh minh họa, nguồn: Báo Văn Hóa.
Giáo dục tư thục càng phát triển, Nhà nước càng có điều kiện tập trung ngân sách và biên chế cho giáo dục vùng sâu, vùng xa và chăm lo tốt hơn cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Ảnh minh họa, nguồn: Báo Văn Hóa.

Tiếp đó, Chính phủ còn ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008, Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012 về xã hội hóa giáo dục.

Những năm gần đây, chủ trương xã hội hóa giáo dục còn được Trung ương phân tích sâu hơn, chỉ đạo rõ hơn trong Nghị quyết số 29/NQ-TƯ ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; 

Nghị quyết  số 19/NQ-TƯ ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Như vậy, kể từ khi Đại hội VIII của Đảng xác định chủ trương xã hội hóa và Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII chỉ đạo thể chế hóa chủ trương xã hội hóa giáo dục, đến nay đã 23 năm.

Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, việc huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo trong thực tiễn thời gian qua vẫn còn khiêm tốn, hạn chế.

Tổng các nguồn lực của xã hội thu hút vào khối ngoài công lập còn rất thấp so với tiềm năng. Cụ thể:

Những ngôi trường hàng chục tỷ đồng bỏ hoang, lãng phí không ai chịu trách nhiệm
Những ngôi trường hàng chục tỷ đồng bỏ hoang, lãng phí không ai chịu trách nhiệm

Đến nay, ở các địa phương đều có loại hình giáo dục đào tạo ngoài công lập với 2.955 cơ sở (chiếm 6,68% trong tổng số 44.228 cơ sở giáo dục đào tạo của cả nước); 1,35 triệu học sinh, sinh viên (chiếm 6% trong tổng số 22,5 triệu học sinh, sinh viên cả nước); tạo ra gần 100 nghìn việc làm cho nhà giáo, người lao động.

Đối với giáo dục đại học, hiện có 65 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập với tổng số 244 nghìn sinh viên, chiếm 13,8% tổng số sinh viên cả nước; đã có 5 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đào tạo trên 5 nghìn sinh viên mỗi năm. 

Đối với giáo dục nghề nghiệp, đến hết năm 2018, cả nước có 1.948 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm: 397 trường cao đẳng, 519 trường trung cấp, 1.032 trung tâm giáo dục nghề nghiệp), trong đó có 677 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 34,7%). [3]

Chủ trương chính sách, hành lang pháp lý không thiếu, "việc huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo trong thực tiễn thời gian qua vẫn còn khiêm tốn, hạn chế" vì đâu?

Hoạch định chính sách vẫn còn tình trạng nửa muốn xã hội hóa, nửa muốn "ôm" giáo dục

Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo [4], đánh giá:

Các văn bản thể hiện chủ trương xuyên suốt của Đảng và Chính phủ về huy động các nguồn lực của xã hội đã được ban hành tương đối đầy đủ với quan điểm, tầm nhìn và định hướng đổi mới trong dài hạn.

Tuy nhiên, điểm nghẽn chính là khâu triển khai thực hiện các chính sách đã ban hành.

Kỳ thị tư thục vì quan niệm sai lầm về thương mại hóa, kinh doanh giáo dục
Kỳ thị tư thục vì quan niệm sai lầm về thương mại hóa, kinh doanh giáo dục

Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại nói trên trước hết thuộc về nhận thức của các cấp quản lý, của người học và xã hội. 

Còn phổ biến tâm lý coi trọng, tin tưởng trường công hơn trường tư; tâm lý trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước cấp vẫn còn phổ biến;

Việc triển khai, thực hiện chủ trương xã hội hóa của các cấp chính quyền, các ngành chưa quyết liệt, thường xuyên và bài bản...

Từ thực tiễn việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục, chúng tôi nhận thấy những đánh giá về nguyên nhân của những "khiêm tốn, hạn chế" mà Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra khi xây dựng dự thảo Nghị quyết 35/NQ-CP, là đúng, nhưng chưa đủ.

Đâu đó vẫn còn những lấn cấn trong quan điểm, nhận thức về vai trò của giáo dục tư thục, các nhà hoạch định chính sách dường như vẫn vừa muốn xã hội hóa để huy động sức dân, vừa muốn tiếp tục "ôm" giáo dục.

Không khó để nhận diện điều này khi đọc Khoản 2 và Khoản 3 Điều 17 về đầu tư cho giáo dục trong Luật Giáo dục sửa đổi:

2. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; ưu tiên đầu tư cho phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp. 

Nhà nước khuyến khích và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cho giáo dục.

3. Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Giáo dục tư thục không vì lợi nhuận thì vì cái gì?
Giáo dục tư thục không vì lợi nhuận thì vì cái gì?

Nếu như Khoản 2 Điều 17 thể hiện một quan điểm rất tiến bộ, phân biệt rạch ròi minh bạch chức năng nhiệm vụ, trọng tâm của giáo dục công lập và giáo dục tư thục, thì Khoản 3 Điều 17 lại "khóa" chính Khoản 2.

Ngay trong Nghị quyết 35/NQ-CP mà Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo cũng thể hiện rõ sự giằng kéo này trong Khoản 2, Mục 1. Quan điểm:

Việc huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo không để thay thế mà là nguồn bổ sung quan trọng cho ngân sách nhà nước, góp phần làm tăng tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước tại các cơ sở công lập, tập trung đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn và đối tượng mà tư nhân không muốn hoặc không có khả năng đầu tư.

Nếu đã tin tưởng dân, đã thực sự xem giáo dục tư thục là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền giáo dục quốc dân, vì sao ngân sách vẫn phải ôm hết?

Giáo dục tư thục phát triển không phải để thay thế giáo dục công lập, mà để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân, trong khi Nhà nước tập trung lo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Nếu xác định Nhà nước tập trung đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn và đối tượng mà tư nhân không muốn hoặc không có khả năng đầu tư, còn giáo dục tư thục đáp ứng các nhu cầu đa dạng của dân ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao, thì tại sao lại đặt vấn đề ngân sách là chủ đạo?

Nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục là cách đặt vấn đề định hướng sáng suốt, đúng đắn và cấp bách.

Phổ thông hóa hệ bổ túc và những hệ lụy khôn lường
Phổ thông hóa hệ bổ túc và những hệ lụy khôn lường

Điều này hoàn toàn có thể làm được khi phát triển giáo dục tư thục một cách lành mạnh và cạnh tranh bình đẳng với giáo dục công lập. 

Giáo dục tư thục càng phát triển lành mạnh, gánh nặng ngân sách và biên chế của giáo dục công lập càng giảm đi.

Chỉ có như vậy, Nhà nước mới có điều kiện thuận lợi hơn về tài chính để chăm lo tốt hơn cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, thực hiện chế độ an sinh trong lĩnh vực giáo dục.

Vì vậy chúng tôi thiết nghĩ, muốn huy động sức dân cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, các nhà hoạch định chính sách cần phải thực sự hiểu dân và tin tưởng nơi dân.

Nhà đầu tư tư nhân, chủ cơ sở giáo dục tư thục chính là dân.

Hiến pháp 2013 đã khẳng định rõ: Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

Nhưng đến nay Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn phải trăn trở và nhắc nhở: đừng kỳ thị kinh tế tư nhân! 

Vì vậy thiết nghĩ các nhà hoạch định chính sách về giáo dục cần có sự thấm nhuần quan điểm, chủ trương của Đảng về kinh tế tư nhân, giáo dục tư thục để khắc phục những rào cản về chính sách, để giáo dục tư thục bứt phá, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh với giáo dục công lập.

Làm được như vậy mới mong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà.

Chúng tôi sẽ tiếp tục loạt bài phân tích chính sách thúc đẩy chủ trương xã hội hóa giáo dục đúng đắn của Đảng và nhắm thẳng vào những rào cản, hạn chế, đồng thời mong muốn nhận được các bài viết góp ý, phân tích và phản biện từ các chuyên gia, các nhà đầu tư, các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu giáo dục, ngõ hầu làm sáng tỏ vấn đề.

Bài viết và thông tin tác giả xin vui lòng gửi về Tòa soạn theo địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn, để Báo tiện liên hệ và chi trả nhuận bút.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-viii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-vii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-viii-cua-dang-1549

[2]http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-viii/nghi-quyet-hoi-nghi-lan-thu-hai-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-viii-ve-dinh-huong-chien-luoc-phat-trien-giao-duc-666

[3]http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&mode=detail&document_id=197167

[4]http://dangcongsan.vn/chao-nam-moi-2018/dat-nuoc-vao-xuan/tang-cuong-cac-nguon-luc-dau-tu-cho-giao-duc-va-dao-tao-473674.html

Hồng Thủy