Tiền đã nộp nhưng hạng nào thấy thăng?

23/06/2019 06:24
Phan Tuyết - Hoài Thu
(GDVN) - "Học" đã xong, tiền đã nộp hàng năm trời trôi qua cũng chẳng thấy “tăm hơi gì", giáo viên vẫn luôn sống trong tâm trạng "chờ" mà chẳng biết nguyên nhân vì sao?

Một loạt bài viết về thăng hạng, giữ hạng với hàng trăm lời bình luận của bạn đọc, chúng tôi nhận thấy rằng, có rất nhiều các tỉnh thành trong cả nước đang dùng chiêu thăng hạng, giữ hạng để “làm tiền” giáo viên.

Xét thăng hạng giáo viên (Ảnh đài truyền hình Hậu Giang)
Xét thăng hạng giáo viên (Ảnh đài truyền hình Hậu Giang)

Tiền đã nộp, học đã xong mà “hạng” nào thấy “thăng”?

Điều làm giáo viên thắc mắc nhất chính là việc họ đã bỏ ra một số tiền không nhỏ mang về 3 loại chứng chỉ (ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ nghề) để được thăng hạng như yêu cầu đưa ra của sở giáo dục.

Thế mà, "học" đã xong, tiền đã nộp nhưng hàng năm trời trôi qua cũng chẳng thấy “tăm hơi gì".

Nhiều giáo viên vẫn luôn sống trong tâm trạng "chờ" mà chẳng biết nguyên nhân vì sao?

Một số giáo viên tỉnh Bình Thuận phản ánh, hè năm 2017-2018 đã nộp 2,8 triệu đồng để đăng kí học chứng chỉ bồi dưỡng với hy vọng được xét thăng hạng.

Thế nhưng đã một năm học trôi qua, những giáo viên này vẫn nằm trong tình trạng “chờ” mỏi mòn.

Và nhiều tỉnh thành khác như Bắc Ninh, Hậu Giang, Vĩnh Phúc, An Giang…không ít giáo viên học đã xong, tiền đã nộp nhưng vẫn dài cổ chờ “thăng hạng” mà chẳng thấy.

Chứng chỉ giữ hạng của giáo viên học 1 ngày là có, sao thu nhiều tiền thế?

Có người bức xúc, ép đi học cho bằng được nhưng khi học xong rồi vẫn như chưa từng học.

Chỉ khác một điều túi tiền của nhiều thầy cô đã vơi đi không ít hoặc đã phát sinh một món nợ chưa thể trả xong.

Hạng chức danh nghề nghiệp là gì mà khiến cho giáo viên dù khó khăn đến mấy cũng phải gấp rút kiếm tiền lấy chứng chỉ mong được “thăng”?

Ngày 14 tháng 9 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 20 /2015/TTLT-BGDĐT-BNVquy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non.

Ngày 16 tháng 9 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành các Thông tư liên tịch số 21; 22;23 /2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập;

Mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở công lập; Mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông công lập.

Các thông tư này cùng có hiệu lực thi hành kể từ năm 2015.

Theo đó, mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên được quy định tại 04 Thông tư nói trên như sau:

1.     Giáo viên mầm non hạng II -  Mã số: V.07.02.04

2.     Giáo viên mầm non hạng III -  Mã số: V.07.02.05

3.     Giáo viên mầm non hạng IV -  Mã số: V.07.02.06

4.     Giáo viên tiểu học hạng II - Mã số: V.07.03.07

5.     Giáo viên tiểu học hạng III - Mã số: V.07.03.08

6.     Giáo viên tiểu học hạng IV - Mã số: V.07.03.09

7.     Giáo viên trung học cơ sở hạng I - Mã số: V.07.04.10

8.     Giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số: V.07.04.11

9.     Giáo viên trung học cơ sở hạng III - Mã số: V.07.04.12

10.  Giáo viên trung học phổ thông hạng I - Mã số: V.07.05.13

11.  Giáo viên trung học phổ thông hạng II - Mã số: V.07.05.14

12.  Giáo viên trung học phổ thông hạng III - Mã số: V.07.05.15

Để có được hạng chức danh nghề nghiệp nói trên, giáo viên phải có đủ các tiêu chuẩn quy định theo yêu cầu của các Thông tư  20; 21; 22; 23  nói trên.

Và, một trong các tiêu chuẩn đó chính là yêu cầu giáo viên phải “Có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên” phù hợp với các hạng muốn “thăng”.

Cũng như phải có chứng chỉ bồi dưỡng để giữ được hạng đã “thăng”.

Cùng với chuyện hạng được “thăng” là cách xếp lương vô cùng hấp dẫn được quy định tại Điều 9 của cả 04 Thông tư 20; 21;22;232015/TTLT-BGDĐT-BNV).

Nguồn sống của giáo viên chính là lương, với hầu bao chỉ đầy được vài ngày đầu tháng là hết veo.

Cho nên chỉ cần đánh trúng vào tâm lý liên quan đến thu nhập ít ỏi đó thì bằng mọi cách, dù có đi vay, đi mượn cũng phải lo đi “học” để có đủ chứng chỉ theo yêu cầu, nhằm đảm bảo giữ được những đồng lương ít ỏi.

“Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp” nỗi ám ảnh hằng đêm của nhiều thầy cô giáo

Thu tiền học thăng hạng, nhiều địa phương đang đi ngược với Luật Giáo dục?

Nói là nỗi ám ảnh hằng đêm vì không ít thầy cô lo lắng lấy tiền đâu để nộp học phí?

Gia đình một người đi học còn đỡ, hai vợ chồng là nhà giáo, muốn có tiền nộp học thì phải đi vay. Nhưng vay ở đâu? Vay ai (vì ai cũng như mình) nên đau đầu, ám ảnh vì lẽ đó.

Ngoài áp lực từ việc sẽ bị ảnh hưởng đến thu nhập nếu không được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp tương xứng với các tiêu chuẩn đã có chỉ vì thiếu chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên theo hạng.

Giáo viên còn bị áp lực từ nhiều phía. Một giáo viên ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiệu trưởng của mình liên tục nói rằng nếu giáo viên nào không có chứng chỉ bồi dưỡng thì năm 2021 xếp lương theo vị trí việc làm sẽ bị tụt hạng.

Một số tỉnh thành khác điển hình là tỉnh Kiên Giang lại gửi văn bản kiểu “quán triệt” tới toàn thể giáo viên.

Văn bản của Phòng Giáo huyện Vĩnh Thuận do Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo ký gửi các đơn vị trong địa bàn được “quán triệt” như sau:

Trích văn bản : “ Thời gian, địa điểm bồi dưỡng và học phí:

Thời gian bồi dưỡng học vào các ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần tại địa bàn huyện (…).  Học phí 2,2 triệu đồng/người.

..Nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên đảm bảo về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định, Phòng Giáo dục và Đào tạo thông báo cho các đơn vị tổ chức cho cán bộ, giáo viên đăng ký học bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

“ …Do đây là đợt cuối Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức mở lớp cho các đối tượng chưa được bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hoặc đã được bồi dưỡng nhưng có nhu cầu bồi dưỡng hạng cao hơn, đề nghị thủ trưởng các đơn vị quan tâm chỉ đạo thực hiện nội dung công văn để đảm bảo quyền lợi cho công chức, viên chức về sau này./.”

Với cách thức ban hành văn bản không “buộc” nhưng “chốt hạ” như kiểu ban hành văn bản của cấp quản lý trực tiếp nói trên, cùng với kiểu hù dọa của không ít hiệu trưởng thì giáo viên phải ngậm ngùi lo tiền nộp phí, đăng ký theo học là điều chắc chắn.

Và, học xong rồi lại tiếp nối những ngày chờ đợi để được "hạng thăng". Nhưng biết đến bao giờ?

Phan Tuyết - Hoài Thu