Điểm không và giáo dục không điểm

21/06/2019 06:57
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Câu hỏi đặt ra: Điểm học bạ, tổng kết lớp 9 đẹp thế, sao lại có “mưa điểm không”? Tại sao lại có “điểm không” khi trong đề tuyển sinh, có câu “cho không"...

Những ngày trước, dư luận “mắt tròn mắt dẹt” trước những bảng điểm “thiên tài” của học trò lớp sáu. Nhiều người thốt lên “Học trò bây giờ học giỏi thật”, thế nhưng sự thật đằng sau đó “có cầu thì ắt có cung”.

Khách quan mà nói, cũng có em học tốt, thành tích đáng nể, với những bộ sưu tập huy chương “chẳng phải dạng vừa”; số này ít, không muốn nói là rất ít.

Thái cực khác lại đến, sau khi các tỉnh thành công bố điểm thi tuyển sinh lớp 10. Câu hỏi đặt ra: Điểm học bạ, tổng kết lớp 9 đẹp thế, sao lại có “mưa điểm không”? Tại sao lại có “điểm không” khi trong đề tuyển sinh, có câu “cho không biếu không”?

Trước số lượng học sinh điểm không, có người đánh giá “Giáo dục không điểm”!

Điểm học bạ, tổng kết lớp 9 đẹp thế, sao lại có “mưa điểm không”? (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)
Điểm học bạ, tổng kết lớp 9 đẹp thế, sao lại có “mưa điểm không”? (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Cuộc chiến với điểm không đã xảy ra?

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10, chính là kì thi nghiêm túc nhất của học sinh từ lớp 1 đến lớp 9; đây là kì thi kiểm định, đánh giá chất lượng dạy và học của bậc Trung học cơ sở.

Thường sau kì thi, Sở giáo dục sẽ xếp hạng từ trên xuống dưới, điểm thi tuyển sinh trung bình của các trường Trung học cơ sở trong cả Sở; trong từng Phòng giáo dục (Điểm trung bình của từng môn, của tất cả các môn thi tuyển).

Với bậc thứ này, không hiệu trưởng nào có thể thanh minh, thanh nga được chất lượng của trường mình!

Thứ bậc này, cơ sở để xét danh hiệu thi đua của các trường, các hiệu trưởng trong cùng Phòng. Các trường đã ngấm ngầm có cuộc chiến với “điểm không” ngay từ khi … chưa xét tốt nghiệp.

Một số trường đã mời các học sinh, phụ huynh có thể bị “điểm không” đi tham quan trường nghề; mời chuyên gia về tư vấn nghề nghiệp.

Sau đó “tư vấn” các em làm hồ sơ tuyển sinh trường nghề; những em nào có hồ sơ, đồng nghĩa với kết quả tốt nghiệp Trung học cơ sở. Nhìn tích cực, đây cũng là giải pháp giải quyết tình trạng “ngồi nhầm lớp 9” nhân văn.

Nhà trường, giáo viên và phụ huynh cùng đua thành tích
Nhà trường, giáo viên và phụ huynh cùng đua thành tích

Cách làm này, sinh ra chuyện “dở khóc dở mếu”, có trường năm nay được chọn làm tham luận “Nâng cao chất lượng tuyển sinh lớp 10”, năm sau về chót bảng vì học sinh “lật kèo” không học nghề mà nộp hồ sơ thi lớp 10!

Cuộc chiến với điểm không, xảy ra trong hội đồng chấm.

Điểm không, điểm “tối kị” của bất cứ hội đồng chấm nào; đặc biệt là thời thế giới phẳng, điểm không càng bị “né tránh”.

Có người trong hội đồng chấm đề nghị “Chỉ cần trong bài có một ký hiệu toán học, hay kiến thức bộ môn đúng, viết được câu đúng chính tả, ngữ pháp… là cho 0.1; tuyệt đối tránh điểm không; những em này không thể có các môn còn lại điểm cao, cạnh tranh suất vào lớp 10”.

Vì vậy, bị “điểm không”, chỉ có thể là để “giấy trắng” hoặc không có một chút kiến thức nào về bộ môn.

Cách lý giải thứ hai là những thí sinh này bị ép đi thi, nên không muốn làm bài; còn muốn làm bài, điểm không quả là cực khó … như điểm không môn Toán thi Trung học phổ thông Quốc gia!

Công bố thống kê “điểm không” môn thi tuyển sinh lớp 10, hành động “dũng cảm, minh bạch” của những Sở giáo dục đã công bố. Một số đơn vị khác, dư luận không tìm ra con số “điểm không”; hoặc không có điểm không vì đã thực hiện “nghiêm túc” chỉ đạo.

Giải pháp nào tránh "điểm không" thật căn cơ?

Học sinh “điểm không” không phải tự nhiên mà có, chính là kết quả của những báo cáo giả dối. Làm thật ăn cháo, làm láo nháo ăn cơm. Cả xã hội, phụ huynh đều muốn thành tích, gây áp lực lên thầy cô giáo.

Ngay từ lớp một, học sinh đã không được quyền lưu ban. Không ai có thể xây nhà trên … không khí; giáo dục càng không thể làm như thế; học trò bị “đôn đít” lên lớp để đạt tiêu chuẩn “trường chuẩn quốc gia”, “xã văn hóa”, huyện “nông thôn mới” v.v...

Giáo dục là xã hội thu nhỏ, không thể chỉ trách giáo viên; bất cứ thành tố nào của xã hội cũng ảnh hưởng đến giáo dục; kể cả hành vi “khoe khoang thành tích học tập” trên facebook của các phụ huynh.

Ép buộc con cái đi thi, khi bản thân con không muốn, không có năng lực, kết quả điểm không là tất yếu.

Điểm số, không nói lên tất cả năng lực của một học trò. Các bậc phụ huynh đón con đừng hỏi “hôm nay con được mấy điểm”; xin hãy hỏi “hôm nay đi học có vui không?”, “Hôm nay con làm được việc tốt nào không?”; “Hôm nay con học được cái gì không?”…; hãy quẳng “điểm số” ra khỏi đầu mình trước.

Nếu con mình không có năng lực học tập văn hóa, hãy để cháu học nghề; học giỏi nghề, cách làm chủ cuộc đời.

Bệnh thành tích đã tát 231 cái tê tái vào giáo dục
Bệnh thành tích đã tát 231 cái tê tái vào giáo dục

Tuyệt đối không so sánh con mình với “con nhà người ta”; mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng biệt, tôn trọng và phát huy năng lực tốt trong mỗi em là điều quan trọng nhất, chứ không phải điểm số.  

Với ngành giáo dục, đừng bắt ép chỉ tiêu với các thầy cô giáo; hãy để họ được tự do, không gò bó về điểm số, không chạy theo thành tích, chỉ tiêu đầu năm đăng ký.

Quản lý giáo dục, thực hiện đúng pháp luật. Nhà giáo không cần ưu ái, chỉ cần được đối xử công bằng trước pháp luật, mãn nguyện lắm rồi.

Điểm số không quan trọng với học trò, càng không quan trọng với nhà giáo. Xin hãy lược bỏ các tiêu chí, chứng chỉ làm rối rắm cuộc sống nhà giáo; trả lại sự bình an để nhà giáo thỏa sức sáng tạo, mỗi giờ lên lớp là một niềm vui, một giờ đạo diễn thành công.

Thực hiện đúng nghị quyết “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”; nói đi đôi với làm; tạo động lực cho nhà giáo cống hiến, dạy thật, học thật, thi thật, tổng kết thật.

Khi làm thật, có thể thời gian đầu sẽ đau đớn, vì phải cắt đi “ung nhọt, giả dối”.

Ung nhọt bị cắt, giáo dục sẽ không còn giả dối, giáo dục có điểm cao như mọi người mong muốn; giáo dục là đòn bẩy phát triển kinh tế, xã hội đúng như nguyên lý của nó.

Sơn Quang Huyến