Nếu không thật sự yêu thương con trẻ, tuyệt đối không thể chọn nghề giáo

30/06/2019 07:30
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Nghề giáo là cho đi, không đòi nhận lại bao giờ. Hãy cân nhắc trái tim, để chọn nghề phù hợp. Chọn đúng nghề, làm đúng nghiệp là khởi đầu hạnh phúc trọn vẹn.

LTS: Về định hướng nghề nghiệp cho học trò, thầy giáo Sơn Quang Huyến chỉ ra những thực tế của nghề giáo và những ai phù hợp với nghề trồng người.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mấy ngày này, tư vấn cho học trò chọn nghề, đặc biệt có một số em hỏi rất sâu về nghề giáo.

Nào là lương của thầy cô ra trường có cao không, có đủ sống không? Học xong làm sao xin việc, có ổn định không? Đi học có phải đóng học phí không? Học mấy năm? Học có khó không... 

Nghề giáo là nghề cao quý. Không ai phủ nhận điều đó, nhưng nếu như ai đó chọn nghề giáo chỉ vì cái danh "cao quý" thì đó là một sai lầm lớn.

Nếu chỉ nhìn thấy một bộ phận nhỏ các thầy cô có nhà cao cửa rộng mà vội nghĩ rằng họ giàu nhờ dạy thêm cũng là một sai lầm.

Ai có thể chọn nghề giáo? Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn
Ai có thể chọn nghề giáo? Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn

Nghề giáo rất áp lực, đằng sau tiết dạy là sự hy sinh thầm lặng, khó nói lên lời. Việc dạy học, sử dụng tâm sức, rất vất vả, không ít sinh viên tập sự đã bỏ nghề.

Với giáo viên mầm non, thời gian làm việc từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều, vô cùng vất vả. Vậy nhưng mỗi khi chẳng may có sự cố gì đó xảy ra, họ sẽ bị chê trách nhiều hơn là cảm thông.

Giáo viên tiểu học cũng vậy, sau mỗi ngày lên lớp cùng học trò, họ còn phải xử lý rất nhiều việc "hậu trường" để ngày mai lại tiếp tục cho một vòng quay mới.

Giáo viên dạy Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông... cũng có những vất vả riêng.

Lương nghề giáo có đủ sống không? Nếu đặt ra câu hỏi ấy, nhiều giáo viên sẽ ngại trả lời, nhưng những ai thật sự hiểu đều biết - nói như các cụ ta từ xưa là "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", rất vất vả, thiếu trước, hụt sau; thậm chí những năm trước đây nhiều nhà giáo phải làm thêm nghề khác sinh sống.

Vậy ai có thể chọn nghề giáo? Đầu tiên phải nói đến, yêu thương con trẻ, nếu “vô cảm” trước con trẻ, tuyệt đối không nên chọn nghề giáo.

Biết sống vì người khác, vì cộng đồng. Muốn làm người thầy tốt, phải biết chia sẻ, hy sinh vì người khác. Không có đức này, đừng chọn nghề giáo.

Không học sư phạm cũng được tuyển làm giáo viên
Không học sư phạm cũng được tuyển làm giáo viên

Không ham danh lợi, sống giản dị, tiết kiệm. Nghề giáo ở bất cứ quốc gia nào cũng không phải là nghề thu nhập cao, kể cả các nước tiên tiến khác.

Nếu hay so đo, ghen ghét, tức ăn tức ở, tuyệt đối không chọn nghề giáo.

Không phải là tất cả, nhưng nhìn chung, ai đã làm nghề giáo thì khó mà chuyển sang nghề khác vì đã “duyên nợ” với cái nghiệp nhà giáo.

Sống với nghề, gắn bó với nghề, đem tri thức đến học trò, truyền cho các em niềm tin khoa học và niềm tin vào lẽ sống, vào tương lai. Không có đam mê với nghề, đừng chọn nghề giáo.

Không có ý thức tự giác học tập, đừng chọn nghề giáo. Kiến thức, kĩ năng học ở trường sư phạm hay trường đại học khác chỉ là số ít, muốn làm nghề giáo tốt phải tự học suốt đời. Học từ cuộc sống, sách vở, đồng nghiệp v.v...

Nhà giáo “tự làm chủ” công việc của mình, nếu không có khả năng tự quản bản thân, dễ bị rủ rê, lôi kéo, không nên chọn nghề giáo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về vị trí của người thầy: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

Anh hùng thì phải hy sinh bản thân, vì lợi ích cộng đồng, học trò; nếu không làm được, không chịu được, không nên chọn nghề giáo.

Có thể không học Đại học sư phạm, vẫn có thể trở thành nhà giáo. Nếu một ngày kia, “cơ duyên” thành giáo viên, hãy nhớ rằng cái chúng ta ghét gì khi đi học thì bây giờ học trò cũng như vậy. Vậy nên hãy thương yêu, bảo vệ học trò bằng tấm lòng người anh, người chị, người cha; dạy học trò dù vấp ngã vẫn đàng hoàng đứng dậy, bước đi bằng đôi chân của mình.

Thành quả của nghề giáo là sự thành đạt của học trò. Chỉ có thể “tận hưởng” niềm vui với thành quả của mình khi tóc đã bạc, sức đã yếu; chấp nhận nếu thành quả ấy chẳng bao giờ quay lại với chúng ta. 

Nghề giáo là cho đi, không đòi nhận lại bao giờ. Hãy cân nhắc trái tim, để chọn nghề phù hợp. Chọn đúng nghề, làm đúng nghiệp là khởi đầu một hạnh phúc trọn vẹn.

Sơn Quang Huyến