Người làm báo là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận “phò chính, trừ tà”

21/06/2019 06:15
Đỗ Công Tiến
(GDVN) - Với ngòi bút sắc sảo, nhiều nhà báo chân chính đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp “phò chính, trừ tà".

Góp phần truyền tải thông tin kịp thời, chính xác

Với bề dày 94 năm, báo chí cách mạng Việt Nam đã nhanh chóng trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, các nhà báo đã góp phần truyền tải thông tin nhanh chóng, chính xác tới đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, đảm bảo tính định hướng và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Báo chí cách mạng đã thể hiện rõ vai trò là công cụ sắc bén góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những năm qua, báo chí nước nhà đã thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phản biện chính sách.

Báo chí đã góp phần đưa thông tin một cách đầy đủ, kịp thời phản ánh mọi mặt đời sống xã hội trong nước và quốc tế.

Người làm báo cũng như một chiến sĩ làm công tác tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. (Ảnh minh họa: ditichhochiminhphuchutich.gov.vn).
Người làm báo cũng như một chiến sĩ làm công tác tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. (Ảnh minh họa: ditichhochiminhphuchutich.gov.vn).

Kể từ ngày đầu tiên cách đây 94 năm, tờ Báo Thanh niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên vào ngày 21/6/1925, đánh dấu sự ra đời của nền Báo chí cách mạng Việt Nam.

Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo chí cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt.

Theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay cả nước có 857 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó, cơ quan báo in có 86 cơ quan Trung ương, 107 cơ quan địa phương.

Tạp chí in có 350 đơn vị Trung ương, 134 đơn vị địa phương. Báo điện tử và tạp chí điện tử có 159 đơn vị.

Số lượng thẻ nhà báo đã cấp mới tính đến tháng 6 năm 2018 là 1.066, tổng số thẻ nhà báo đã cấp là 19.166 thẻ. [1]

Vinh dự và trách nhiệm của người làm báo

Vượt qua thử thách của thời gian, đến nay những giá trị của sự nghiệp báo chí mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xây dựng vẫn là tài sản quý giá đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam, với những người làm báo.

Người làm báo cũng như một chiến sĩ làm công tác tuyên truyền, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe”. [2]  

Khi nói về các khuyết điểm của báo chí, Bác lưu ý: “Để làm trọn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, thì các báo chí ta cần phải gần gũi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm việc của các báo chí phải cải thiện hơn nữa”. [3]

Lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị với người làm báo hiện đại
Lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị với người làm báo hiện đại

Nhân dân là đối tượng tác động chính của báo chí nên “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.

Người làm báo hiện nay đã biết đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên lợi ích riêng của bản thân.

Báo chí hiện nay đã đảm bảo truyền đạt những tâm tư, tình cảm, nhu cầu, lợi ích của nhân dân. Đồng thời hướng dẫn, thuyết phục, định hướng nhân dân theo Đảng.

Trong bức thư gửi trí thức Nam Bộ, trong đó có các nhà báo, (thư đề ngày 25/5/1947) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, mà anh em văn hóa trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”.

Trong bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”, đó như một lời căn dặn về nhiệm vụ vẻ vang của các nhà báo chân chính đương đại phải làm.

Bác cũng nhấn mạnh hai nhiệm vụ quan trọng của người làm báo: Một là “phò chính”, tức bảo vệ chính nghĩa, nói lên sự thật, đồng hành với lẽ phải và hai là “trừ tà”, tức dám phản ánh cái xấu, cái ác, chống lại sự phi lý, bất công.

Nhưng muốn phân biệt được đâu là “chính” đâu là “tà” người làm báo phải biết dựa vào sức dân, phụng sự nhân dân, phải dựa vào lợi ích quốc gia, phụng sự Tổ quốc.

Có một thực tế đối với người làm báo đó là viết thế nào cho trung thực và dám chấp nhận trả giá cho sự trung thực? Điều đó thực sự khó khăn, vì nó đụng chạm tới mọi mặt của đời sống, nhóm lợi ích ngầm và nhà báo phải đối diện với nhiều hiểm nguy, bị hành hung, đe doạ...

“Phò chính, trừ tà” mà Bác đề ra như một sứ mệnh của người làm báo, chỉ gồm 4 chữ nhưng bao quát cả sự nghiệp của những nhà báo chân chính.

Nếu nhà báo lẫn lộn ngay từ khi phân định "chính, tà" thì không thể có được những bài báo trung thực và tích cực, đó  là những mối hoạ của đất nước.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Ca-nuoc-co-hon-19000-nguoi-duoc-cap-the-nha-bao/340913.vgp

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7.

Đỗ Công Tiến