Việt Nam cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Luật Biển trong tình hình mới

26/06/2019 06:33
Tiến sỹ Trần Công Trục
(GDVN) - Luật Biển là bộ luật cực kỳ lớn, rất phức tạp, rất dài, chứa đựng nhiều nội dung với những vấn đề khác nhau về chính trị, xã hội, kinh tế, khoa học kỹ thuật..

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục gửi đến độc giả phần tiếp theo của bài viết Luật Biển quốc tế và Luật Biển Việt Nam, quá trình hình thành và phát triển.

Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi và cảm ơn Tiến sĩ Trần Công Trục!

Nội dung chủ yếu của Luật Biển Việt Nam

Luật Biển Việt Nam bao gồm 55 Điều được bố trí trong 7 Chương.

Chương I: Quy định chung, gồm có 7 Điều quy định phạm vi điều chỉnh, giải thích thuật ngữ, Luật áp dụng, nguyên tắc quản lý, bảo vệ biển, hợp tác quốc tế về biển, quản lý nhà nước về biển.

Chương II: Quy định các vùng biển Việt Nam, gồm 14 Điều quy định về cách xác định hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, chế độ pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, vấn đề đảo, quần đảo và chế độ pháp lý của chúng.

Chương III: Hoạt động của người và phương tiện trong các vùng biển Việt Nam; gồm 20 Điều quy định quyền, nghĩa vụ của phương tiện nước ngoài khi đi qua không gây hại trong các vùng biển Việt Nam, quy định tuyến hàng hải, phân luồng giao thông…

Chương IV: Phát triển kinh tế biển, gồm 5 Điều quy định các nguyên tắc phát triển kinh tế biển, các ngành nghề kinh tế biển, quy hoạch phát triển kinh tế biển, vấn đề đầu tư, hợp tác thăm dò khai thác tài nguyên biển, bảo vệ môi trường…

Chương V: Tuần tra, kiểm soát trên biển, gồm 3 Điều quy định chức năng nhiệm vụ của lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển.

Chương VI: Xử lý vi phạm gồm 4 Điều quy định về thủ tục dẫn giải, địa điểm xử lý vi phạm, các đối tượng vi phạm là người nước ngoài…

Chương VII: Điều khoản thi hành. Hiệu lực thi hành là từ ngày 01/01/2013.

Tiến sỹ Trần Công Trục (Ảnh: tác giả cung cấp).
Tiến sỹ Trần Công Trục (Ảnh: tác giả cung cấp).

Trong Luật Biển Việt Nam, nội dung quy định phạm vi các vùng biển Việt Nam thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, việc nhấn mạnh và quy định chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với các quần đảo như Hoàng Sa và Trường Sa là những nội dung rất quan trọng của Luật Biển mà cả trong nước và quốc tế đều hết sức quan tâm.

Hai nội dung đó đã được thể hiện khá đầy đủ trong Luật Biển Việt Nam. Đặc biệt, Luật Biển Việt Nam đã nhấn mạnh, khi liên quan đến việc xác định phạm vi các vùng biển, thềm lục địa của các nước đối diện, kề cận, nếu tạo ra các vùng chồng lấn, thì sẽ đàm phán, thương lượng trên cơ sở UNCLOS 1982 để đi đến giải pháp công bằng.

Với nguyên tắc đó, Việt Nam đã từng đàm phán thành công với một số quốc gia ven biển có liên quan:

Ranh giới biển trong vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, ký ngày 25/12/2000.

Ranh giới Thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia ở khu vực phía Nam Biển Đông, ký ngày 23/6/2003.

Ranh giới vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa trong vịnh Thái Lan có liên quan giữa Việt Nam và Thái Lan, ký ngày 9/8/1997.

Thoả thuận về giải pháp tạm thời cùng khai thác vùng chồng lấn (joint-development) được ký kết giữa Việt Nam và Malaysia ngày 5/6/1992.

Hiệp định về “Vùng nước lịch sử” giữa Việt Nam và Campuchia ký ngày 7/7/1982.

Ngoài ra còn có các tranh chấp khác về đánh cá, thăm dò khai thác bảo vệ môi trường tài nguyên trên các vùng biển do các hoạt động qua lại của tàu thuyền, các bên cũng phải tiến hành đàm phán hòa bình hoặc, có thể đưa ra các Cơ quan Tài phán quốc tế theo thủ tục thích hợp mà UNCLOS đã quy định rất rõ ràng.

Đặc biệt, Luật Biển Việt Nam cũng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Điều đặc biệt là trong Luật Biển Việt Nam đã đề cập đến hiệu lực của các đảo và quần đảo trong xác định các phạm vi các vùng biển của chúng; trong đó đã được khẳng định là với những đảo nhỏ, thấp không thích hợp với môi trường sinh sống của con người và không có đời sống kinh tế riêng thì không không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa…

Để Luật Biển thật sự là công cụ quản lý nhà nước đối với các vùng biển và thềm lục địa

Để có Công ước Luật Biển 1982, cộng đồng quốc tế trải qua hơn nửa thế kỷ thương thảo, xây dựng. Luật Biển là bộ luật cực kỳ lớn, rất phức tạp, rất dài, chứa đựng nhiều nội dung với những vấn đề khác nhau về chính trị, xã hội, kinh tế, khoa học kỹ thuật...

Đến nay, mặc dù đã có Công ước Luật Biển Quốc tế và được nội luật hóa bằng Luật Biển Việt Nam, nhưng để đưa vào cuộc sống và làm cho chúng phát huy hiệu lực, thiết nghĩ vẫn còn khá nhiều việc cần phải triển khai trong thực tế.

Ví dụ, về hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, trong Luật Biển Việt Nam có quy định nguyên tắc thiết lập hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải theo Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12/11/1982.

Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS 1982 thế nào với đảo nhân tạo ở Trường Sa?
Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS 1982 thế nào với đảo nhân tạo ở Trường Sa?

Tuy nhiên còn có những khu vực còn chưa tuyên bố cụ thể thì vẫn phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện như: đường cơ sở ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ở trong vịnh Bắc Bộ, ở vùng nước lịch sử chung Việt Nam - Campuchia…

Trong Luật Biển Việt Nam chủ yếu đề cập đến các định chế xử lý quan hệ trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, còn vấn đề quan trọng mà Công ước UNCLOS đã dành quá nửa số chương, mục để đề cập tới, đó là biển cả - di sản chung của nhân loại, Luật Biển Việt Nam, mặc dù đã có một số định nghĩa, nhưng vẫn chưa quy định  cụ thể, chi tiết.

Trong xu thế phát triển tất yếu của khoa học kỹ thuật, công nghệ nghiên cứu khai thác biển, trong những năm sắp tới, việc tham gia nghiên cứu, khai thác tài nguyên ở “Vùng” (Zonne) và “Biển cả” (High Sea) thường gọi nôm là “vùng biển quốc tế”- của công dân Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn, đa dạng hơn.

Thực tế đó đòi hỏi phải có những quy định bổ sung cho Luật Biển Việt Nam để bảo vệ các quyền và lợi ích của Nhà nước và Công dân Việt Nam… trong quan hệ quốc tế ở vùng biển nằm ngoài vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển.

Về cơ chế giải quyết các tranh chấp trên biển và vai trò của UNCLOS 1982: Những tranh chấp xảy ra trên biển gồm có nhiều loại khác nhau.

Nhưng cần lưu ý rằng, Công ước Luật Biển năm 1982 không phải là cơ sở pháp lý duy nhất để xử lý, giải quyết tất cả mọi tranh chấp.  

Cụ thể là: Tại phần XV, từ Điều 279 đến Điều 299, của Công ước Luật Biển năm 1982 và các Phụ lục có liên quan, đã quy định các nội dung cơ bản như: Nguyên tắc giải quyết tranh chấp; Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp; Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp;

Trình tự thủ tục hoà giải (Phụ lục V); Tổ chức, thẩm quyền và thủ tục tố tụng của Toà án quốc tế về Luật Biển (Phu lục VI); Thẩm quyền, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài (Phụ lục VII); Giải quyết tranh chấp bằng Toà án Trọng tài đặc biệt (Phụ lục VIII)…

Các quy định nói trên của Công ước Luật Biển năm 1982 là một bước tiến quan trọng của Luật quốc tế nói chung và Luật Biển nói riêng, là thành quả đấu tranh của mọi quốc gia, nhất là các quốc gia chậm phát triển và đang phát triển, các quốc gia không có biển và bất lợi về mặt địa lý…

Nó phản ánh đúng xu thế của thời đại hiện đại và văn minh, trong đó mọi mối quan hệ phải được xử lý bằng pháp luật.

Nguyên tắc nền tảng được dùng làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp theo quy định của Công ước Luật Biển 1982 là: Các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp trong việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các biện pháp hoà bình theo đúng Điều 2, Khoản 3 của Hiến chương Liên hợp quốc, Điều 33, Khoản 1 của Hiến chương.

Tại Phụ lục V của Công ước Luật Biển 1982, đã trù định việc thành lập một Uỷ ban hoà giải có chức năng “nghe ý kiến của các bên, xem xét các yêu sách và các ý kiến phản bác của họ và đưa ra có khuyến nghị cho các bên liên quan với mong muốn đạt được một sự hoà giải” (Điều 6, Phụ lục V).

Các bên tranh chấp có thể tuyên bố bằng văn bản chấp nhận quyền tài phán của một trong các cơ quan tài phán sau: Toà án quốc tế về Luật Biển, Toà án quốc tế, Toà trọng tài thông thường hoặc Toà trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VIII dành cho các loại tranh chấp đã được định rõ trong Phụ lục này.

Theo quy định tại Điều 296, Công ước Luật Biển 1982, thì các phán quyết của Toà có thẩm quyền là có tính chất tối hậu (chung thẩm), các bên tranh chấp liên quan phải tuân thủ.

Trung Quốc dọa ASEAN: Sẽ rút khỏi UNCLOS 1982 nếu PCA hủy lưỡi bò
Trung Quốc dọa ASEAN: Sẽ rút khỏi UNCLOS 1982 nếu PCA hủy lưỡi bò

Các quy định về giải quyết tranh chấp của Công ước yêu cầu các thanh viên của Công ước phải chấp hành, không được bảo lưu.

Tuy nhiên, các quốc gia thành viên có quyền lựa chọn cách thức riêng để giải quyết tranh chấp, có quyền lựa chọn thành phần của Toà án…

Cần lưu ý rằng, các quy định nói trên chỉ áp dụng cho những tranh chấp có liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước Luật Biển năm 1982.

Các loại tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, về phân định biên giới, ranh giới biển, thềm lục địa, phân chia lợi ích kinh tế, tài nguyên biển muốn được các cơ quan tài phán quốc tế xét xử thì đều phái có thoả thuận bằng văn bản của các bên liên quan.

Vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông hầu như đều nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của nhiều nước lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Ấn Độ, các học giả và luật gia quốc tế.  

Theo đánh giá của dư luận thì đó là việc làm văn minh, đúng luật, hoàn toàn không có nghĩa là làm phức tạp vấn đề hay quốc tế hóa vấn đề. 

Ngược lại chính việc thông qua cơ quan tài phán có thẩm quyền sẽ giúp cho vấn đề được giải quyết một cách sòng phẳng và đơn giản hơn nhiều.

Tiếp tục nâng cao nhận thức và phát huy đầy đủ về vai trò của Luật Biển, công cụ pháp lý để thực hiện nhiệm quản lý nhà nước đối với các vùng biển và thềm lục địa:

Quản lý nhà nước là dạng quản lý xã hội mang tính quyền lực nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội và hành vi hoạt động của con người.

Quản lý nhà nước là sự tác động có tổ chức, có hệ thống, bằng pháp luật nhằm điều chỉnh có hiệu lực, hiệu quả các quan hệ xã hội theo ý chí của nhà nước.

Trong điều kiện phát triển của đời sống kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật hiện nay, các mối quan hệ cần được điều chỉnh bằng pháp luật của nhà nước là rất đa dạng, phong phú và phức tạp đang diễn ra trong phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển. 

Điều đó tất yếu đòi hỏi cần phải tăng cường sự quản lý của nhà nước, tức là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực của nhà nước đối với quá trình kinh tế - xã hội và trật tự pháp luật nhằm thực hiện những chức năng và nhiệm vụ của nhà nước trong công cuộc phát triển kinh tế biển, bảo vệ và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích quốc gia trên biển.

Trong quản lý nhà nước về biển, có 2 nội dung quan trọng:

- Sự tác động có tổ chức và điều chỉnh: tổ chức là sự thiết lập các mối quan hệ xã hội giữa con người, giữa các tập thể để thực hiện một quá trình xã hội.

Tổ chức là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện quá trình quản lý nhà nước đối với các vùng biển. Điều chỉnh là sự quy định về mặt pháp lý thể hiện bằng các quy định quản lý, về quy tắc, quy chuẩn…nhằm tạo sự phù hợp giữa chủ thể và khách thể quản lý, tạo sự cân bằng, cân đối các mặt hoạt động của con người.

- Sự tác động mang tính chất quyền lực nhà nước, tức là sự tác động bằng pháp luật và theo nguyên tắc pháp chế.

Quyền lực nhà nước được thể hiện trong quản lý nhà nước đối với các vùng biển là pháp luật phải được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và khi ra quyết định quản lý, điều hành, các nhà chức trách phải trên cơ sở pháp luật, đúng pháp luật.

Rõ ràng là trong các nội dung quản lý nhà nước về biển, Luật Biển có vai trò như là công cụ không thể thiếu được để điều chỉnh những loại quan hệ xã hội phát sinh, tồn tại ở trong môi trường biển.

Hợp tác trên Biển Đông theo đúng UNCLOS 1982, Trung Quốc có dám?
Hợp tác trên Biển Đông theo đúng UNCLOS 1982, Trung Quốc có dám?

Luật Biển là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để tổ chức hệ thống các cơ quan và lực lượng làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về biển:

Luật Biển, trước hết với tư cách là công cụ quản lý biển, thông qua việc quy định rõ các nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quyền và nghĩa vụ, các chế độ, thể lệ, quy chế làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, các công chức, bảo đảm cho bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu lực và hiệu quả cao trong khi thực thi nhiệm vụ quản lý biển.

Tuy nhiên, muốn phát huy được hiệu quả của “công cụ” đó, điều cần thiết và quan trọng hơn là việc thiết lập ra một hệ thống tổ chức, lực lượng quản lý biển đầy đủ, động bộ, có quyền năng và có cơ chế chỉ huy, điều phối ăn khớp, nhịp nhàng từ Trung ương đến Địa phương, điều chỉnh và phân chia phạm vi quản lý của các cơ quan quản lý tổng hợp các cấp…

Một trong những chức năng cơ bản của Luật Biển là chức năng bảo vệ. Đó là sự đảm bảo cho các quan hệ xã hội luôn luôn được điều chỉnh bởi pháp luật, tránh những xâm phạm, vi phạm xảy ra trên các vùng biển.

Để bảo vệ các quan hệ xã hội, nhà nước ban hành các quy phạm có chế tài quy định những hành vi vi phạm, các loại hình phạt, mức độ xử phạt và thi hành các quyết định xử phạt.

Đồng thời, Luật Biển cũng quy định thẩm quyền của các cơ quan thực hiện việc ngăn chặn và xử phạt, bảo vệ pháp luật.

Đó là những chức năng cơ bản của các Cơ quan tài phán, như: Toà án, Viện Kiểm sát, Thanh tra; các cơ quan hành chính như: Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chuyên trách của các Bộ, ngành; Thủ trưởng các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp….

Điều 7, Luật Biển Việt Nam, đã quy định về cơ quan quản lý nhà nước về biển, như sau:

- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biển trong phạm vi cả nước.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về biển.

Điều 47, 48, Luật Biển Việt Nam, đã quy định về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển và nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển. Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển bao gồm:

- Các lực lượng có thẩm quyền thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân, các lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành khác.

- Lực lượng dân quân tự vệ của các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương, lực lượng bảo vệ của tổ chức cơ quan ven biển và các lực lượng khác có trách nhiệm tham gia tuần tra, kiểm soát trên biển khi được cơ quan có thẩm quyền huy động.

Tuy nhiên, khi giao nhiệm vụ cho các “lực lượng bán vũ trang” cũng cần tính đến địa vị pháp lý của họ theo quy định của Luật pháp Quốc tế có liên quan.

Tiến sỹ Trần Công Trục