Đại học Ngoại ngữ mở Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ có trái luật?

27/06/2019 11:53
Hồng Thủy
(GDVN) - Luật Giáo dục hiện hành, Luật Giáo dục sửa đổi không cho phép trường đại học công lập mở trường phổ thông, làm trái điều này sẽ phá hỏng chính sách xã hội hóa.

Ngày 8/4/2019, tại Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra lễ công bố Quyết định thành lập Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ trực thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngày 1/6/2019, Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 6 khóa đầu tiên với 100 chỉ tiêu, có 3000 học sinh dự thi, tỉ lệ cạnh tranh là 1 "chọi" 30.

Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Đỗ Tuấn Minh trao Quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ cho Tiến sĩ Nguyễn Phú Chiến, ảnh minh họa, nguồn: vnu.edu.vn.
Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Đỗ Tuấn Minh trao Quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ cho Tiến sĩ Nguyễn Phú Chiến, ảnh minh họa, nguồn: vnu.edu.vn.

Các thí sinh phải làm 3 bài thi môn Toán và Khoa học tự nhiên; Văn và Khoa học xã hội, Tiếng Anh, ngoài ra cha mẹ học sinh có con dự thi vào lớp 6 Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ cũng phải trải qua một kỳ phỏng vấn. [1] [2]

Đại học đua mở trường phổ thông

Theo Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT ngày 15/2/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học / trường đại học có thể mở trường trung học phổ thông chuyên.

Hiện tại có 8 trường Trung học phổ thông chuyên trực thuộc các trường đại học / đại học sau:

Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Vinh, Đại học Huế, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Tân Tạo.

Tuy nhiên, bên cạnh hệ thống các trường trung học phổ thông chuyên thuộc đại học / trường đại học, từ thập niên 1990 đã xuất hiện thêm các trường trung học phổ thông bán công hoặc dân lập trực thuộc đại học / trường đại học.

Muốn huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục, cần dẹp bỏ các mô hình này
Muốn huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục, cần dẹp bỏ các mô hình này

Ví dụ như Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành thuộc Đại học sư phạm Hà Nội, thành lập ngày 04/07/1998; 

Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings) thuộc Đại học Bách Khoa, thành lập ngày 02/5/2013.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc ngày 8/2/2015, xin được thí điểm tổ chức đào tạo cấp học phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 12) trong Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Chúng tôi được biết, sau khi Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ đầu năm nay, một trường đại học công lập khác tại Thủ đô cũng đang làm đề án xin thành lập trường tiểu học.

Quy định của Luật Giáo dục hiện hành, Luật Giáo dục sửa đổi

Khoản 1, Điều 48, Luật Giáo dục 2005 quy định:

Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau đây:

a) Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên;

b) Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động;

c) Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Cha mẹ học sinh chờ con làm bài thi tuyển sinh vào Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ với tỉ lệ 1 chọi 30, ảnh: Báo Lao động Thủ đô.
Cha mẹ học sinh chờ con làm bài thi tuyển sinh vào Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ với tỉ lệ 1 chọi 30, ảnh: Báo Lao động Thủ đô.

Khoản 1, Điều 47, Luật Giáo dục sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020, quy định:

Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau đây:

a) Trường công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu;

b) Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc; xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật. 

Loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non;

c) Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động.

Trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là trường mà các nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình trường; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường.

Đại học / trường đại học mở trường phổ thông không chuyên là trái luật?

Theo Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 27/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 960/QĐ-TTg ngày 6/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phổ thông hóa hệ bổ túc đang phá hỏng phân luồngNội dung
Phổ thông hóa hệ bổ túc đang phá hỏng phân luồngNội dung

Trường Đại học Ngoại ngữ là một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội [3], Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam [4].

Đối chiếu với quy định tại Điều 48, Luật Giáo dục 2005, đại học / trường đại học không phải cơ quan Nhà nước được phép mở trường phổ thông công lập.

Các đại học / trường đại học này cũng không phải "tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân" để có thể mở trường phổ thông tư thục.

Phải chăng nếu hiểu đại học / trường đại học là "tổ chức" theo quy định tại điểm b) Khoản 1, Điều 48, Luật Giáo dục 2005; cũng như Khoản 2, Điều 18, Nghị định 75/2006/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 2005, các cơ sở đào tạo này có thể cùng cá nhân mở trường phổ thông dân lập?

Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 18, Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục (2005), lại quy định rõ:

"Không thành lập cơ sở giáo dục dân lập ở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học."

Như vậy, việc các đại học / trường đại học công lập thành lập trường phổ thông (không chuyên) trực thuộc là trái với Luật Giáo dục hiện hành cũng như Luật Giáo dục sửa đổi.

Cũng như vậy, việc Đại học Ngoại ngữ trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ không đúng với quy định của Luật Giáo dục. 

Đây phải chăng là "mô hình mới" nằm ngoài Luật Giáo dục hiện hành cũng như Luật Giáo dục sửa đổi? Cơ sở giáo dục này sẽ vận hành và được quản lý nhà nước theo nguyên tắc nào? 

Tác động của xu thế các đại học / trường đại học đua mở trường phổ thông đến hệ thống giáo dục quốc dân ra sao, chúng tôi sẽ phân tích trong các bài viết tới.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/1-choi-30-vao-lop-6-thcs-ngoai-ngu-phu-huynh-chen-kin-san-truong-536791.html

[2]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/tuyen-sinh-lop-6-truong-thcs-ngoai-ngu-phong-van-ca-phu-huynh-526247.html#inner-article

[3]http://ulis.vnu.edu.vn/thuc-hien-co-che-mot-cua-mot-cua-lien-thong-trong-cong-tac-hanh-chinh-doi-voi-can-bo-tai-truong-dai-hoc-ngoai-ngu-dhqghn/

[4]http://www.congdoan.vn/gioi-thieu/cac-don-vi-truc-thuoc-tld-499/truong-dai-hoc-ton-duc-thang-62707.tld

Hồng Thủy