Cơ sở hạ tầng ở khu vực Nam Bộ quá tải, đã và đang được báo động

01/07/2019 10:04
Phương Linh
(GDVN) - Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo về Hạ tầng giao thông Nam Bộ, vấn đề và giải pháp.

Ngày 29/6/2019, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo: “Hạ tầng giao thông Nam Bộ: Vấn đề và giải pháp phát triển".

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Phó Giáo sư Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP ở khu vực Nam Bộ luôn đứng ở mức cao, tạo ra nhu cầu ngày càng cao đối với giao thông vận tải.

Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - ông Huỳnh Thành Đạt phát biểu (ảnh: P.L)
Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - ông Huỳnh Thành Đạt phát biểu (ảnh: P.L)

Sự không theo kịp hạ tầng giao thông đã cản trở sự tăng trưởng, thậm chí kìm hãm sự phát triển chung. Nam Bộ là một minh chứng thuyết phục nhất cho mối tương quan này. Hạ tầng quá tải ở khu vực này đã và đang được báo động.

Sự quá tải này song hành với sự gia tăng dân số, xu hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng diễn ra nhanh chóng.

Tại hội thảo này, các chuyên gia và nhà nghiên cứu của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra 5 vấn đề chính của giao thông khu vực Nam Bộ.

Đó là: Chất lượng quy hoạch, Lập và thẩm định dự án, Năng lực triển khai dự án của nhà đầu tư, Những bất cập phát sinh trong đền bù, giải phóng mặt bằng…đang là rào cản để phát triển giao thông ở khu vực Nam Bộ.

Hội thảo: “Hạ tầng giao thông Nam Bộ: Vấn đề và giải pháp phát triển" (ảnh: P.L)
Hội thảo: “Hạ tầng giao thông Nam Bộ: Vấn đề và giải pháp phát triển" (ảnh: P.L)

Theo Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Long An – ông Nguyễn Văn Được, do tốc độ tăng trưởng nhanh của khu vực công nghiệp, dịch vụ của Nam Bộ nói chung, làm tăng hoạt động giao thương, vận chuyển hàng hóa trong khu vực, nên hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ kết nối giữa Đồng Bằng Sông Cửu Long và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam chưa thực sự được phát huy, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế.

Nhiều giải pháp đã được các đại biểu đưa ra, là quy hoạch giao thông cần dựa vào quy hoạch và liên kết phát triển vùng, nâng cao hiệu quả quỹ bảo trì đường bộ, nâng cao tỷ trọng đầu tư cho đường thủy, minh bạch và công khai trong đấu thầu, triển khai thu phí không dừng, phát hành trái phiếu xây dựng hạ tầng.

Theo Tiến sĩ Dương Như Hùng (Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh), đã đến lúc cần thiết có một nhạc trưởng trong sự phối hợp giữa các địa phương, và Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp nhất với vai trò này.

Muốn thực hiện tốt vai trò này, theo Tiến sĩ Dương Như Hùng, Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần có nguồn lực, vì nhu cầu vốn phát triển hạ tầng giao thông cũng rất lớn.

Tiến sĩ Dương Như Hùng đã đưa ra một ví dụ: Giai đoạn từ năm 2016 – 2020, khu vực này cần 1 triệu tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông, nhưng thực tế lại chỉ đáp ứng được có 1/5, riêng Thành phố Hồ Chí Minh cần 500.000 tỷ đồng mà chỉ cân đối được 122.000 tỷ đồng, chưa kể thực tế lại chỉ bố trí được 61.000 tỷ đồng.

Để có thêm nguồn lực, Tiến sĩ Dương Như Hùng đề xuất: Thành phố Hồ Chí Minh cần được giữ lại 20% trong nguồn ngân sách đóng góp về trung ương để phát triển hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, cần sớm có quy định cụ thể chủ trương đầu tư PPP để huy động nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng dành cho giao thông.

Phương Linh