Vì danh hiệu “trường chuẩn quốc gia”, Trưởng phòng giáo dục chấp nhận vi phạm

03/07/2019 06:28
Nguyễn Phan
(GDVN) - Với mục tiêu phải đạt được 4 trường chuẩn quốc gia như đã công bố đã phần nào lý giải cho việc ông trưởng phòng giáo dục này bất chấp vi phạm pháp luật.

Như tin đã đưa, ngày 7/5/2019, ông Huỳnh Thanh Bình - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) đã ban hành Quyết định số 1169/QĐ-UBND thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 1163/QĐ-UBND ngày 06/05/2019 về việc thành lập đoàn kiểm tra, thẩm định kết quả chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia do ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận ký trước đó 01 ngày.

Điều đặc biệt quan trọng của vụ việc này là ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận không hề biết đến sự hiện diện của Quyết định số 1163/QĐ-UBND ngày 06/05/2019, bởi quyết định này do thuộc cấp của ông tự ý tạo dựng, tự ý scan chữ ký và tự ý ban hành.

Quyết định số 1163/QĐ-UBND ngày 06/05/2019 của Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận (Tài liệu tác giả cung cấp)
Quyết định số 1163/QĐ-UBND ngày 06/05/2019 của Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận (Tài liệu tác giả cung cấp)

Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm khá nhiều tình tiết bí ẩn trong vụ việc nói trên.

14h15 phút ngày 6/5/2019, Phòng Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Thuận gửi qua email cho 33 trường mầm non và phổ thông trực thuộc quyết định thành lập đoàn kiểm tra, thẩm định kết quả chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia… không số, không chữ ký và không dấu với nội dung sau:

Quyết định được duyệt nhưng đang chờ Lãnh đạo huyện ký… quyết định có dấu gửi sau. Các thành viên và đơn vị được kiểm tra vẫn tiến hành từ ngày 07/5/2019”.

15 giờ ngày 6/5/2019, hiệu trưởng của một trong bốn đơn vị thuộc đối tượng kiểm tra đã tới Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận để phản ánh trực tiếp với ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận hai nội dung sau:

Thứ nhất, Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận ban quyết định số 1163/QĐ-UBND ngày 06/05/2019 thành lập đoàn kiểm tra, thẩm định kết quả chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia 4 đơn vị là chưa đúng thẩm quyền, quy định tại khoản 1 Điều 27 Thông tư Số 17/2018/TT-BGDĐT Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học.[1]

Ông Huỳnh Minh Tâm ăn gan hùm hay sao mà dám làm thế?
Ông Huỳnh Minh Tâm ăn gan hùm hay sao mà dám làm thế?

Thứ hai, nhà trường đã thành lập Hội đồng tự đánh giá, đã thực hiện công tác tự đánh giá theo Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT, nhưng sau khi tự đánh giá, đơn vị trường chưa đạt được cấp độ 1 theo các quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT.

Nên, căn cứ vào Điều 26 Thông tư Số 17/2018/TT-BGDĐT Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học, nhà trường chưa có “nguyện vọng đánh giá ngoài trường tiểu học để được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục hoặc công nhận đạt chuẩn quốc gia hoặc đồng thời công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia”.

Trong quá trình làm việc, ông Huỳnh Thanh Bình ghi nhận ý kiến và cho biết sẽ trao đổi với ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch Ủy ban phụ trách mảng công tác này vào ngày mai (tức là ngày 7/5/2019) vì hiện tại vị này đi công tác.

Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra là 16h37 phút ngày 6/5/2019 Phòng Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Thuận gửi qua email cho 33 trường mầm non và phổ thông trực thuộc quyết định thành lập đoàn kiểm tra, thẩm định kết quả chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia với đầy đủ số, chữ ký của ông Phạm Văn Hậu - Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận và dấu đỏ (?)

Để văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận có thể tự ý ban hành quyết định số 1163/QĐ-UBND ngày 6/5/2019 là do trước đó, ông Huỳnh Minh Tâm - Trưởng Phòng giáo dục và Đào tạo đã gửi tờ trình số 36/TTr-PGDĐT ngày 2/5/2019 “về việc đề nghị thành lập Đoàn thẩm định kết quả trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia trường Tiểu học Vĩnh Bình Bắc 3, trường Tiểu học Vĩnh Bình Bắc 4, trường Tiểu học Thị Trấn 2, trường Mẫu giáo Phong Đông”.

Và, để có cơ sở trình Ủy ban nhân dân, ông Huỳnh Minh Tâm đã không nề hà tạo tờ trình giả của 01 trường tiểu học trực thuộc, để tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận ban hành Quyết định trái thẩm quyền với mục tiêu duy trì được tỷ lệ trường chuẩn (?).

Có thể nói, trong quá trình 19 năm làm Trưởng phòng giáo dục, ông Huỳnh Minh Tâm luôn tự hào và cho rằng thành tích nổi bật nhất là đã thực hiện tốt công tác thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Trả lời trên truyền thông, ông Huỳnh Minh Tâm tự hào: “…từ đầu năm 2018 đến nay ở huyện có thêm 4 trường tiểu học và trung học cơ sở được công nhận đạt chuẩn quốc gia; nâng số lượng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận lên 22/33 trường (gồm mầm non, tiểu học và trung học cơ sở); chiếm tỷ lệ cao nhất so với các huyện, thị khác trong tỉnh Kiên Giang… thực hiện lộ trình phấn đấu một năm phải đạt 4 trường chuẩn quốc gia”… [2]

Như vậy, với mục tiêu phải đạt được 4 trường chuẩn quốc gia như đã công bố đã phần nào lý giải cho việc ông trưởng phòng giáo dục này bất chấp vi phạm pháp luật, sẵn sàng tạo tài liệu giả để tham mưu ban hành quyết định trái thẩm quyền.

Quyết định số 1169/QĐ-UBND thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 1163/QĐ-UBND (Tài liệu tác giả cung cấp)
Quyết định số 1169/QĐ-UBND thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 1163/QĐ-UBND (Tài liệu tác giả cung cấp)

Cùng với việc ông Huỳnh Minh Tâm sẵn sàng bất chấp vi phạm pháp luật để tạo lập tài liệu giả phục vụ mục đích giữ được tỷ lệ 22 trường chuẩn quốc gia và Ủy ban nhân dân huyện vội vã ban hành quyết định số 1163/QĐ-UBND ngày 06/05/2019 về việc thành lập đoàn kiểm tra, thẩm định kết quả chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia trái thẩm quyền có thể thấy rằng việc bằng mọi giá ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận phải duy trì tỷ lệ trường chuẩn quốc gia có rất nhiều câu hỏi cần được giải đáp (?!)

Nhà giáo bị xâm phạm quyền lợi nhưng ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận lại sẵn sàng “xé luật” đổ tiền đầu tư nâng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia?

Sức mạnh nào để vị Trưởng phòng Giáo dục làm trái luật?
Sức mạnh nào để vị Trưởng phòng Giáo dục làm trái luật?

Như tin đã đưa, hiện nay huyện Vĩnh Thuận có 1.120 nhà giáo và viên chức giáo dục đang mòn mỏi trông chờ được chi trả tiền nâng lương thường xuyên từ năm 2018.

Và, mặc dù nhà giáo chờ đợi được chi trả chế độ trong vô vọng nhưng cuối năm 2018, thông qua báo cáo tài chính và đối chiếu xác lập cụ thể giữa 33 đơn vị trường học của huyện Vĩnh Thuận với Phòng Tài chính - Kế hoạch của huyện này thì số tiền tồn dư trong phân bổ chi cho con người lên đến 5.055.821.009 đồng đã được biến hóa một cách ảo diệu.

Hiện tại người lao động vẫn chỉ biết ngồi đó trông chờ để Phòng Giáo dục và Phòng Tài chính- kế hoạch kiểm tra lại rồi công bố xem cơ quan nào chịu trách nhiệm trong vấn đề này (!)

Và, trong một báo cáo (báo cáo tự kiểm tra theo Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định 186-QĐ/UBKTTU ngày 20/04/2018 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang), với vai trò là Bí thư chi bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận, ông Huỳnh Minh Tâm lại tiếp tục tự hào khẳng định:

Riêng phần kinh phí phân bổ cho các đơn vị, Phòng Giáo dục căn cứ vào Quyết định 02/2011/QĐ-UBND ngày 14/1/2011 và Quyết định số 13/2017/QĐ-UBND ngày 24/1/2017 của UBND tỉnh, đồng thời căn cứ vào Đề nghị của các đơn vị; căn cứ vào Kế hoạch xây dựng trường chuẩn Quốc gia, trường Trọng điểm, Trường đăng ký Kiểm định chất lượng Giáo dục; thực hiện các đề án của UBND tỉnh và khoảng cách các đơn vị xa hay gần trung tâm huyện....

Nhờ biết điều tiết kinh phí cho các đơn vị phù hợp từ đó đến nay toàn huyện có 22/33 trường Đạt chuẩn Quốc gia và 17/33 trường đạt Kiểm định chất lượng Giáo dục.

Hàng năm nguồn kinh phí phân bổ trên và nguồn kinh phí giữ lại chi tập trung đều được Phòng Tài chính và UBND huyện phê duyệt”.

Nhưng, trong thực tế, có nhiều đơn vị trong nhiều năm hoàn toàn không được đảm bảo tỷ lệ đầu tư như quy định của Quyết định số 13/2017/QĐ-UBND ngày 24/1/2017 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang [3].

Việc nàydẫn đến nhiều trường không thể duy trì danh hiệu trường chuẩn đã được công nhận và nhiều trường mặc dù đã đến thời điểm phải đề nghị công nhận lại nhưng không thể đáp ứng được các tiêu chí quy định.

Đây phải chăng là áp lực khiến cho Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Thuận bất chấp luật pháp để níu kéo giữ vững thành tích 22 trường đạt chuẩn quốc gia? Và đây có phải là lý do để chế độ nhà giáo bị xâm hại một cách trắng trợn?

Những câu hỏi này rất cần được cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang làm rõ.

(Bài kỳ sau: 22 trường Chuẩn Quốc gia của huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang có phải là thực chất?)

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thukyluat.vn/vb/thong-tu-17-2018-tt-bgddt-kiem-dinh-chat-luong-va-cong-nhan-dat-chuan-doi-voi-truong-tieu-hoc-59b94.html

[2] http://www.sggp.org.vn/mot-huyen-vung-sau-co-22-truong-dat-chuan-quoc-gia-509139.html

[3] https://thukyluat.vn/vb/quyet-dinh-13-2017-qd-ubnd-dinh-muc-phan-bo-du-toan-chi-thuong-xuyen-ngan-sach-2017-kien-giang-539ca.html

Nguyễn Phan