Chấm Văn, sợ nhất là giám khảo đếm ý và làm phương pháp loại trừ để cho điểm

02/07/2019 06:26
THANH AN
(GDVN) - Có những thầy cô đi chấm Văn bây giờ rất máy móc, làm phương pháp loại trừ để cho điểm học trò.

Mùa thi, bao giờ cũng là mùa hè nên đa phần các thầy cô đi chấm thi rất mệt mỏi bởi thời tiết nắng nóng mà phần lớn các tỉnh chấm thi tại các phòng học nên mỗi phòng cũng chỉ có vài cái quạt trong lúc nhiều nơi nắng đến hơn 40 độ C.

Thời gian chấm thi thường diễn ra đến cả tuần trời, thậm chí nhiều hơn nữa. Vì vậy, những ngày chấm về sau có nhiều người uể oải, căng thẳng và tất nhiên sự kỹ lưỡng trong chấm bài cũng mai một đi ít nhiều.

Vậy nên, xuất hiện tình trạng có những giám khảo đếm ý và làm các phương pháp loại trừ để cho điểm bài thi.

Việc đếm ý và làm phương pháp loại trừ để chấm điểm sẽ ảnh hưởng đến điểm thi của thí sinh. (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)

Việc đếm ý và làm phương pháp loại trừ để chấm điểm sẽ ảnh hưởng đến điểm thi của thí sinh. (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)

Hiện nay, ngành giáo dục có 2 kỳ thi tổ chức tập trung lớn nhất là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia do Bộ Giáo dục tổ chức và thi tuyển sinh 10 do các Sở Giáo dục tổ chức.

Trong 2 kỳ thi này đều có môn thi bắt buộc là Ngữ văn. Nhìn chung cấu trúc đề thi, đáp án môn Văn của cả 2 kỳ thi này tương đối giống nhau trong cách cho điểm của từng phần, từng câu nhỏ.

Những thầy cô được điều động đi chấm thi đối với kỳ thi trung học phổ thông quốc gia chủ yếu là giáo viên dạy Văn lớp 12.

Những thầy cô được điều động đi chấm tuyển sinh 10 có tỉnh chỉ điều động giáo viên cấp trung học phổ thông nhưng có nhiều tỉnh điều động thêm giáo viên dạy Văn lớp 9 của cấp trung học cơ sở cùng tham gia chấm.

Những thầy cô mà dạy lớp Ngữ văn lớp 12 hay lớp 9 thì thường là họ quen thuộc các đơn vị kiến thức, các kiểu bài nghị luận và tác phẩm văn học mà mình đã dạy.

Chính vì quen thuộc nên những yêu cầu của đề bài, đáp án của đề thi họ dễ dàng cảm nhận và cho điểm chấm rất nhanh và thường chuẩn xác hơn. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều thầy cô họ dạy các khối lớp lâu năm và thường xuyên đi chấm thi.

Chấm Văn, sợ nhất là giám khảo đếm ý và làm phương pháp loại trừ để cho điểm ảnh 2Có cần thiết phải chấm lại toàn bộ những bài thi Ngữ văn có điểm cao?

Trong khi đi chấm thi thường rất áp lực mà nếu có sai sót lại liên lụy đến uy tín, công việc nên họ đề nghị nhà trường đổi và cử người khác đi chấm thay mình.

Vì vậy, có những thầy cô đi chấm có thể là mới dạy khối thi đó hoặc chưa dạy nên khi đi chậm thường hay thụ động và sợ nên họ thường cho điểm ở mức…an toàn.

Hoặc, một số thầy cô cấp trung học phổ thông đi chấm thi tuyển sinh 10 thường ít sát được với các đơn vị kiến thức ở cấp trung học cơ sở.

Dù là các hội đồng thi xếp chấm cặp với 1 giám khảo cấp trung học cơ sở nhưng giữa 2 giáo viên 2 cấp học này thường hay lệch điểm và quan điểm chấm cũng rất khác nhau.

Thường, giáo viên cấp trung học phổ thông chấm “lỏng tay” hơn. Bởi những thầy cô không dạy khối lớp đó nên họ khó có cái nhìn toàn diện về đề thi và thường phải bám sát vào  của cấp, khối mình đang dạy nhưng khi chấm thi ở cấp khác, khối khác rất khó chấm.

Bởi vì khối lượng kiến thức môn Văn hiện nay ở tất cả các khối học đều rất nặng mà môn học này lại thiên về cảm nhận cá nhân nhiều hơn.

Tất nhiên, khi bám sát vào đáp án mà nội dung văn bản của câu nghị luận văn học mà mình không nắm được nội dung một cách kỹ càng thì việc cho điểm thường không chuẩn xác, ảnh hưởng đến kết quả của thí sinh.

Có những thầy cô đi chấm Văn bây giờ rất máy móc, làm phương pháp loại trừ để cho điểm học trò. Chẳng hạn đáo án môn Ngữ văn mà Bộ vừa công bố chúng ta thấy điểm từng phần rất cụ thể.

Trong đó, nội dung chính của bài văn là 3 điểm, 2 điểm còn lại là yêu cầu về cấu trúc, xác định được vấn đề nghị luận, chính tả, ngữ pháp và tính sáng tạo. Người chấm loại trừ dần.

Nếu bài viết có 3 phần được 0,25 điểm; xác địnhh được vấn đề nghị luận 0,5 điểm, nêu được tác giả, tác phẩm 0,5 điểm; bài viết không có lỗi về ngữ pháp, chính tả 0,25 điểm, bài viết có sáng tạo, liên hệ, mở rộng được nhiều thì 0,5 điểm, ít thì 0,25 điểm.

Chấm Văn, sợ nhất là giám khảo đếm ý và làm phương pháp loại trừ để cho điểm ảnh 3Đề thi môn Văn năm nay, thí sinh khó đạt điểm cao

Phần nội dung bài viết chỉ còn lại 3,0 điểm. Vì thế, bài viết tốt thì  cho từ 2,0-2,5 điểm, kém hơn thì loại trừ. Nhiều thầy cô cứ cho phần này từ 1,5 điểm đến 2,0 điểm là...an toàn. Và, câu nghị luận xã hội 2 điểm cũng làm phương án loại trừ như vậy.

Chúng tôi đã nhiều năm đi chấm thi và mỗi năm được chấm cặp với rất nhiều giám khảo khác nhau.

Quan điểm chấm của nhiều người rất máy móc nên họ vẫn thường đếm ý cho điểm và làm phương pháp loại trừ để chấm…cho nhanh. Vì thế, quyền lợi của thí sinh không phải bao giờ cũng được đảm bảo.

Cái hạn chế nhất của chấm Văn là giữa đáp án và cách làm bài của thí sinh thường không bao giờ giống nhau ở các câu nghị luận. Trong khi, điểm cho phép sai số cũng thường rất cao.

Nhiều bài lệch điểm đến 1,75 điểm, thậm chí 2,0 điểm. Xét về nguyên tắc phải ghi biên bản hoặc phải có sự can thiệp của tổ trưởng chấm thi nhưng không mấy cặp chấm làm như vậy.

Phần nhiều, họ vẫn thiên về cách chấm của giám khảo 2- người đã ghi điểm trực tiếp trên bài thi của thí sinh.

Còn đối với giám khảo 1 thì nếu sửa ít trên bảng điểm thì họ gạch cột điểm đó để ghi điểm thống nhất rồi ký tên vào. Nếu sửa nhiều họ sao lại bảng điểm vào tờ giấy khác.

Chuyện chấm kiểm tra hay chấm phúc khảo cũng rất khó có thể thay đổi được điểm ở phần nghị luận (7 điểm) bởi nhiều người họ vẫn cho rằng đó là “quan điểm” của người chấm.

THANH AN