Chúng ta đang sống trong thế giới nào?

11/07/2019 06:07
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Chúng ta đang “chuyển đổi” từ thế giới thực sang ảo, từ thế giới hiện thực sang thế giới số?

Bạn sẽ nhìn thế giới, từ cốc nước chỉ có một nửa hay may quá vẫn còn nước để uống?

Vì chúng ta đang giáo dục con trẻ hướng đến vai trò Công Dân Toàn cầu, tôi muốn đặt câu hỏi cho những nhà nghiên cứu giáo dục và cải cách giáo dục của chúng ta, trước khi nói đến tương lai 30 năm - 50 năm hay thậm chí 100 năm tới, chúng ta hãy định hình lại, chúng ta đang sống trong thế giới nào?

Khi tôi lang thang ở Harvard/Boston hơn 4 tháng với những suy nghĩ về giáo dục đại học và thay đổi xã hội, như một định hướng mà Thomas Valley [1], cũng một giáo sư của Harvard Kennedy đưa ra cho đại học Fulbright Việt Nam (Agent of Change), và nó đi cùng với xu hướng của Liên Hợp Quốc, UN-GUNi, khi xác định liên kết và quốc tế hóa giáo dục đại học như một cách tiếp cận mới lãnh đạo những thay đổi trong xã hội, tôi không rõ, nhưng có nhiều điều chúng ta xác lập phương thức tiếp cận, giải quyết vấn đề, chỉ bởi vì chúng ta không còn lựa chọn nào khác tốt hơn?

Tương tự vậy với những suy ngẫm về kinh tế và khủng hoảng kinh tế kéo dài trong hơn 2 thập kỷ qua [2], tôi đọc và hỏi con tôi, hỏi các giáo sư về kinh tế, rằng trong thời đại như hiện nay, việc giảng dạy và hướng dẫn sinh viên suy nghĩ về kinh tế và các học thuyết kinh tế nên như thế nào? 

Những bóng ma của quá khứ, Tư tưởng thống trị của vĩ đại
Những bóng ma của quá khứ, Tư tưởng thống trị của vĩ đại

Khi những nền kinh tế đều đang phát triển tốt đẹp, hình như những học thuyết, những khái niệm được dễ dàng chấp nhận hơn khi tất cả đang cùng đi theo trào lưu đi xuống, và các nguồn lực đều cạn kiệt dần.  

Liệu họ và các đại học có ai dám đề xuất sinh viên hãy tư duy phản biện lại những gì họ đang giảng dạy và nghiên cứu, bởi thời đại này đang minh chứng những khái niệm, những học thuyết, những cách thức tư duy về kinh tế và phát triển đã và đang “không còn phù hợp” và chúng ta cần một cách tiếp cận mới, một tư duy mới… [3]?

Chúng ta đang sống trong thế giới nào?

Trước khi nói chúng ta đang “chuyển đổi” từ thế giới thực sang ảo, từ thế giới hiện thực sang thế giới số?

Để làm rõ hơn những điều suy nghĩ, những câu hỏi mà chưa biết cách nào để trả lời, tôi muốn chia sẻ cách sắp xếp 4 cuốn sách khá có tên tuổi trên đây, về kinh tế toàn cầu - bất bình đẳng toàn cầu - địa chính trị và kinh tế thế giới - sức mạnh của nhân dân và lợi nhuận kinh tế - sức mạnh của số đông khi tham gia vào mạng xã hội. 

Hầu hết, những từ ngữ này, những chủ đề này đều nằm trong top tra cứu và dẫn chiếu trong học thuật cũng như trong đời sống xã hội hàng ngày, ở bất kỳ đâu và hữu ích cho bất kỳ ai.

Câu chuyện là, nếu chúng ta sắp xếp chúng, 4 cuốn sách với những chủ đề rất hữu ích và thiết thực trên cùng với nhau, tôi thấy được nhiều hơn những gì chúng ta đang nói đến, trong từng cuốn sách.

Lấy ví dụ, từ cuốn “Bất Bình Đẳng Toàn Cầu, Một cách tiếp cận mới trong thời toàn cầu hóa”, khi kết nối nó với cuốn bên cạnh: Thế Giới Không của Riêng Ai, Phương Tây, Sự Trỗi dậy của Thế giới còn lại và Sự Xoay Chuyển Toàn cầu, bạn sẽ nghĩ gì, bạn sẽ nói gì với sinh viên của bạn?

Cuốn “Bất Bình Đẳng Toàn Cầu, Một cách tiếp cận mới trong thời toàn cầu hóa” (Ảnh: tác giả cung cấp).
Cuốn “Bất Bình Đẳng Toàn Cầu, Một cách tiếp cận mới trong thời toàn cầu hóa” (Ảnh: tác giả cung cấp).
Cuốn Thế Giới Không của Riêng Ai, Phương Tây, Sự Trỗi dậy của Thế giới còn lại và Sự Xoay Chuyển Toàn cầu (Ảnh: tác giả cung cấp).
Cuốn Thế Giới Không của Riêng Ai, Phương Tây, Sự Trỗi dậy của Thế giới còn lại và Sự Xoay Chuyển Toàn cầu (Ảnh: tác giả cung cấp).

Tương tự vậy, nếu đọc Bất Bình Đẳng Toàn Cầu, Một cách tiếp cận mới trong thời toàn cầu hóa, với cuốn của giáo sư nổi tiếng Joseph Stiglitz, Nhân Dân – Quyền Lực – Lợi nhuận, Chủ nghĩa Tư Bản Tiến bộ trong Thời đại Toàn cầu Bất mãn, hãy hỏi lịch sử của tư bản có khi nào và đã bao giờ là tiến bộ?

Cuốn Nhân Dân – Quyền Lực – Lợi nhuận, Chủ nghĩa Tư Bản Tiến bộ trong Thời đại Toàn cầu Bất mãn (Ảnh: tác giả cung cấp).
Cuốn Nhân Dân – Quyền Lực – Lợi nhuận, Chủ nghĩa Tư Bản Tiến bộ trong Thời đại Toàn cầu Bất mãn (Ảnh: tác giả cung cấp).

Đo lường sự tiến bộ đó bằng cách nào?

Từ Chủ Nghĩa Tư Bản Tiến bộ đến với Bất Bình Đẳng Toàn cầu như thế nào?

Tại sao lại bất mãn, khi đó là chủ nghĩa tư bản tiến bộ?

Tại sao chúng ta lại bất mãn và đi kèm là bất bình đẳng toàn cầu, khi vì toàn cầu hóa mà tạo ra bất bình đẳng toàn cầu? 

Để giải quyết những bất mãn đó, liệu không toàn cầu hóa có là giải pháp? Hay toàn cầu hóa đi “chệch hướng” như Stiglitz đề xuất sẽ được “chỉnh đúng hướng” như thế nào, hay chúng ta lại mất 50 năm tới để đi “tìm hướng”?

Điều cuối cùng khá thú vị, với cá nhân tôi khi đọc và suy ngẫm giữa cuốn sách của Stiglitz trên đây với cuốn Quyền lực Mới – Làm sao để Quyền lực có hiệu quả trong thế giới kết nối và Làm sao để chúng phục vụ bạn!

Bởi nếu có ai đọc và nghe Stiglitz chia sẻ về Quyền lực của Nhân dân và Lợi Nhuận, dưới khía cạnh “quyền lực của mạng xã hội là một dạng độc quyền tự nhiên, và chúng có khả năng xâm phạm vào tất cả những quyền cá nhân, quyền con người, và không dễ gì chúng bị phá vỡ khỏi trạng thái độc quyền đó…Theo đó, người dùng trên mạng xã hội sẽ bị chi phối…

Chúng ta có một tiền lệ trong quá khứ, là chúng ta không trả tiền cho nô lệ, chúng ta trả tiền cho chủ nô, và hiện giờ là mô hình đi theo như vậy”. [4]

Vậy thì, bản chất của thế giới “kết nối” là thuộc về Nhân dân, thuộc về số đông đi theo (followers), hay thực ra, tất cả chỉ là nô lệ của vài hệ thống mạng xã hội mà có ai đó, vài ba hãng đang làm chủ cả thế giới?

Chủ nô và Nô lệ thời Thực tế ảo
Chủ nô và Nô lệ thời Thực tế ảo

Cuốn Quyền lực Mới, khi tôi đọc, tôi thấy thú vị và hài hước làm sao, bởi đó chỉ là một vài ví dụ quá đơn giản và nhỏ lẻ để thu hút sức mạnh của ai đó tin vào quyền lực đám đông dựa trên mạng xã hội mà thôi. 

Hãy đọc kỹ vài cuốn tiếp sau đây mà tôi không muốn trưng bìa sách lên, nhưng nó là một góc nhìn tuyệt vời khác về mạng xã hội và sự xâm phạm quyền con người, quyền cá nhân một cách tuyệt đối và những “tập đoàn và chính phủ bất lương thì không cần đọc nghiên cứu khoa học, cũng sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp để gây thiệt hại lớn cho nhân dân đa số gánh chịu”. [5]

(i) Thời đại của giám sát tư bản – Cuộc chiến đấu vì Tương lai Nhân loại trước sức mạnh mới, Shoshana Zuboff;

(ii) Xin cảm ơn vì đã đến trễ - Thomas Friedman;

(iii) Tất cả chúng ta đều nói dối cả - Dữ liệu lớn, Dữ liệu mới và Internet có thể nói chúng ta là ai như thế nào, Seth Stephens-Davidowitz;

(iv) Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính, Sự hình thành kinh tế học hành vi, R. Thaler.

Sự thật về lạm dụng nhân quyền và con người trong các nghiên cứu ứng dụng Dữ liệu lớn và AI đã được cảnh báo từ 2001 bởi một nghiên cứu khoa học được trích dẫn khá rộng rãi [6], nhưng tiếc thay không ai quan tâm đến Nhân Quyền của đa số Nhân dân.

Bởi, một sự thật khác lớn hơn đó là với sự bắt tay giữa lợi ích chính trị và lợi ích các tập đoàn lớn trong từng quốc gia, hay xuyên quốc gia, chúng ta đã và đang chứng kiến “sự lũng đoạn của những quyền lực lớn chưa từng có trong lịch sử loài người” [7], có khả năng gây đổ vỡ và xâm phạm đến toàn bộ hệ thống trật tự sinh tồn mang tính tự nhiên và có nguyên tắc Vì Con Người, Vì Nhân dân. 

Trong cuốn Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính, Thaler đã mô tả “những kẻ điên đang nhảy múa trong nhà thương…”, hóa ra không phải chỉ có vậy.

Bởi, đó lại có thể là 136 quốc gia và tổ chức đã chính thức áp dụng các nghiên cứu về tâm lý hành vi trong các chính sách công, trong các chính sách thúc đẩy mua bán và thay đổi tư duy, hành vi và hướng số đông nhân dân, qua những nghiên cứu dựa trên dữ liệu lớn mà họ thu thập hơn 30 năm qua, thậm chí thay đổi nhận thức về chính trị và phiếu bầu.

“Khủng hoảng tuổi lên 2” thời đại số hóa!
“Khủng hoảng tuổi lên 2” thời đại số hóa!

Nếu có ai muốn đặt câu hỏi về Brexit, về bầu cử Mỹ 2016 và sắp tới 2020, hay những cuộc cách mạng dân chủ nửa mùa được ai đó giật dây thực hiện qua mạng xã hội (Xin cảm ơn vì đến trễ, Thomas Friedman), tất cả đó không phải là sức mạnh của nhân dân. 

Đó là sức mạnh của mạng truyền thông và công nghệ internet, và chúng tác động để thay đổi NHẬN THỨC đa số người sử dụng mạng, theo những định hướng được ai đó “đặt hàng” trước đó bởi những chính trị gia muốn thắng cử. [8]

Sức mạnh của Nhân dân ư? 

Với nền giáo dục chất lượng thấp, nhận thức về kinh tế - chính trị trong tình trạng thông tin bất đối xứng ư? Trong sự đói nghèo và bất bình đẳng lớn nhất trong lịch sử loài người ư?

Liệu có giáo sư nào, đại học nào, chính phủ nào, hay tổ chức quốc tế nào có thể lý giải những điều trên?

Thay vì ai đó của MIT hỏi tôi về tương lai 100 năm tới, những câu hỏi trên liệu có ai trả lời?

Chúng ta đang sống trong thế giới nào, nếu lấy Con Người - Nhân Quyền và Xóa bỏ Bất Bình Đẳng là trục chính để đánh giá tất cả các vấn đề còn lại của kinh tế - chính trị - giáo dục?

Tài liệu tham khảo:

[1]  https://ash.harvard.edu/people/thomas-vallely;

[2] https://www.adb.org/sites/default/files/publication/363326/20-years-asian-financial-crisis.pdf; https://blogs.imf.org/2017/07/13/what-we-have-seen-and-learned-20-years-after-the-asian-financial-crisis/; Crashed. How a decade of financial crisis changed our world? Adam Tooze;

[3] https://www.weforum.org/agenda/2016/04/five-measures-of-growth-that-are-better-than-gdp/;  http://theconversation.com/womens-unpaid-work-must-be-included-in-gdp-calculations-lessons-from-history-98110; http://hdr.undp.org/en/content/human-development-index-and-environmental-sustainability; https://www.nytimes.com/2018/09/14/opinion/columnists/great-recession-economy-gdp.html; https://www.educationnext.org/event-have-we-closed-socioeconomic-achievement-gaps-naep-timms-pisa/

[4] https://www.c-span.org/video/?459877-1/people-power-profits

[5]  Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính, Sự hình thành kinh tế học hành vi, R. Thaler

[6] Mặt trái của những con số, Những hệ thống dữ liệu dân số trong mối xâm phạm nhân quyền, https://www.jstor.org/stable/pdf/40971467.pdf

[7] Bất Bình Đẳng Toàn Cầu, Một cách tiếp cận mới trong thời toàn cầu hóa, Branco Milanovic

[8]https://en.wikipedia.org/wiki/Facebook%E2%80%93Cambridge_Analytica_data_scandal; https://bits.blogs.nytimes.com/2008/11/07/how-obamas-internet-campaign-changed-politics/; https://www.researchgate.net/publication/290609211_The_Dark_Side_of_Digital_Politics_Understanding_the_Algorithmic_Manufacturing_of_Consent_and_the_Hindering_of_Online_Dissidence; https://en.wikipedia.org/wiki/Russian_interference_in_the_2016_United_States_elections;

Nguyễn Thị Lan Hương