Ba chị em nhà nghèo vượt khó, học giỏi

04/07/2019 06:28
Bài và ảnh: Như Quỳnh
(GDVN) - Cái nghèo luôn ẩn hiện ở làng quê, nhưng các em thì không ngừng cố gắng học tập thật giỏi, với hi vọng sau này sẽ thoát nghèo.

Mặc dù nhà nghèo nhưng ba chị em Nguyễn Thị Hiền (19 tuổi), Nguyễn Như Na (16 tuổi), Nguyễn Như Đô (12 tuổi) con của anh Nguyễn Cương và chị Nguyễn Thị Thương (thôn Phú Nam Đông, xã Tam Xuân II, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) luôn cố gắng vươn lên chăm ngoan, học giỏi.

Quyết tâm học tập để có tương lai tươi sáng

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, đất canh tác ít, ba lại mang đủ thứ bệnh nặng trong người như tim, động kinh; mẹ sức khỏe yếu, ở nhà làm nông và ai thuê đâu làm đấy.

Thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào vài sào ruộng và ít thành quả của hoa màu. Cuộc sống quanh năm đối diện với cái thiếu trước, hụt sau.

Ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, 03 chị em Hiền, Na, Đô luôn quyết tâm học thật giỏi để không phụ lòng ba mẹ và hi vọng có cuộc sống tương lai tốt hơn.

Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng 3 chị em luôn đạt thành tích cao trong học tập.
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng 3 chị em luôn đạt thành tích cao trong học tập.

Trong những năm qua, cả ba chị em luôn là học sinh giỏi cấp huyện. Em Nguyễn Thị Hiền, hiện nay đang là sinh viên năm thứ 2 của trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Qua một năm học, Hiền là sinh viên giỏi của trường với điểm trung bình 3,28. Suốt những năm trung học cơ sở và trung học phổ thông, Hiền luôn là học sinh giỏi của trường.

Đặc biệt năm cấp 2, Hiền đạt giải khuyến khích môn Lịch sử tại kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện.

Mặc dù, là học sinh giỏi Sử nhưng lại đam mê các ngành tự nhiên nên Hiền đã chọn thi vào ngành Công nghệ thực phẩm trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng với số điểm rất cao.

Không kém phần so với chị mình, hai chị em Na (học sinh lớp 11), Đô (học sinh lớp 7) cũng là học sinh giỏi liên tục nhiều năm liền, điểm trung bình luôn của 2 em luôn trên 8,5 một thành tích thật đáng nể.

Bên cạnh việc học rất giỏi, ba chị em đều rất lễ phép, thương yêu đùm bọc và luôn giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như học tập.

Không chỉ ngoan ngoãn, lễ phép học giỏi ở trường, ở nhà ba chị em đều có tính tự giác cao, luôn tự học, tìm thêm tài liệu từ các sách báo để nghiên cứu thêm.

Giá sách của ba chị em
Giá sách của ba chị em

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên chị em Hiền không có cơ hội đến học thêm tại các trung tâm gia sư như bao bạn bè đồng trang lứa.

Nhưng năm nào cũng vậy, ba chị em đều được nhận giấy khen của nhà trường, hội khuyến học thôn, huyện về thành tích học tập của mình.

Dịp nghỉ hè, là lúc ba chị em thường sum vầy bên nhau và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau trong học tập.

Hiền làm chị và luôn có ý thức quan tâm chăm sóc em, chỉ dạy cho em học hành. Cứ thế, đứa lớn chỉ đứa bé, ba chị em tự động viên nhau trong học tập.

Ngoài việc học, ba chị em còn giúp đỡ ba mẹ công việc thường nhật ở nhà như rửa chén, nấu cơm, chăn trâu…

Theo quan sát của chúng tôi, góc học tập của chị em Hiền, Na, Đô rất đơn giản, chỉ có chiếc kệ tềnh tàng và đống vở, sách cũ. Nhưng mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ và gọn gàng.

Còn quanh nhà tràn ngập giấy khen các loại của trường, hội khuyến học tặng cho 3 chị em trong những năm qua. Đây cũng là thành quả mà 3 chị em Hiền không ngừng phấn đấu trong những năm học.

Những tấm giấy khen ghi nhận thành tích học tập của Hiền và các em.
Những tấm giấy khen ghi nhận thành tích học tập của Hiền và các em.

Em Hiền chia sẻ “Biết ba mẹ không có tiền nên em luôn có ý thức giữ gìn sách vở cẩn thận để những đứa em còn dùng lần sau.

Thấy ba mẹ cực quá, từ đó thôi thúc em luôn tự động viên mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để ba mẹ vui lòng, mặt khác để các em phấn đấu theo.

Những năm còn học ở phổ thông, ngoài lo việc học cho bản thân, em còn kèm kẹp và nhắc nhở các em phải biết vâng lời ba mẹ, chăm ngoan, học hành, không được ham chơi”.

Ở địa phương, ba chị em không chỉ là tấm gương hiếu học mà còn tham gia năng nổ các hoạt động đoàn hội do Đoàn viên thanh niên tổ chức, ý thức bảo vệ môi trường xung quanh, nhất là Na luôn rủ bạn bè đến nhà mình để bày thêm cho các bạn có học lực yếu hơn và cùng nhau vươn lên tiến bộ.

Với tính cách hiền từ, hòa đồng, thân thiện, đàng hoàng nên ba chị em luôn được hàng xóm yêu thương và khâm phục về thành tích học tập.

Cha của các em, anh Nguyễn Cương (53 tuổi), tuổi chưa cao lắm so với những người bình thường nhưng với khuôn mặt đã già nua, đen sạm, mang một nỗi niềm khắc khổ tâm sự:

"Tôi thì sức khỏe yếu, bệnh tật liên miên, nhưng thấy các con phấn đấu học giỏi, chăm ngoan, tôi cũng được an ủi phần nào.

Bình thường tôi đi phụ hồ, vợ thì ở nhà lo ruộng vườn, cơm nước cho các con, ai thuê mướn đâu làm đấy.

Tôi chỉ lo bệnh tật nặng hơn, không còn đủ khả năng đi làm thêm sẽ ảnh hưởng đến việc học của các con.

Nhiều lúc hai vợ chồng buồn lắm, biết làm sao bây giờ, được tới đâu hay tới đó. Đợt vừa rồi, tôi đau nặng phải nhập viện, mới đỡ được vài ngày, chưa khỏi hẳn, tôi lại lo đi làm kiếm tiền để trang trải việc học cho các con".

Nữ sinh đạt thủ khoa vào lớp 10 chia sẻ bí quyết học tốt và thi tốt
Nữ sinh đạt thủ khoa vào lớp 10 chia sẻ bí quyết học tốt và thi tốt

Vợ chồng anh Nguyễn Cương đang phải vất vả toan lo từng bữa ăn, tiền học phí, tiền sách vở… cho ba người con.

Lắm khi, để có tiền đóng góp các khoản học phí cho các con, vợ chồng anh phải chạy vạy vay mượn khắp nơi.

Nhọc nhằn, gian khổ là thế, nhưng khi kể về các con của mình, ánh mắt chị Thương bỗng sáng lên niềm tự hào:

“Nhà có ba đứa con, đứa nào cũng chăm ngoan. Năm học nào chúng cũng được nhà trường khen thưởng về thành tích học tập. Thấy con học hành giỏi, bản thân làm cha làm mẹ tuy vất vả nhưng vui lắm”.

Anh Phạm Tý – Bí thư chi bộ thôn Phú Nam cho biết, ba cháu con anh Cương là những học sinh ngoan giỏi của thôn, tính tình hiền hậu, dễ mến, là một trong những tấm gương vượt khó học giỏi để xã hội noi theo.

Hiện nay, thôn đang duy trì hội khuyến học, hằng năm đều rà soát lại các gia đình con em học giỏi, để tổ chức tuyên dương khen thưởng cho các em, các cháu có thành tích học tập tốt, từ đó các cháu, con có thêm động lực, ngày càng học giỏi hơn nữa.

Ở quê, đa số người dân sống nhờ vào nông nghiệp, trồng lúa, hoa màu, thu nhập chẳng là bao, còn nhiều thứ khó khăn đeo bám. Để có tiền lo cuộc sống gia đình đã là một vấn đề, huống hồ chi là việc học của các con.

Cái nghèo luôn ẩn hiện ở làng quê, nhưng các em, các cháu thì không ngừng cố gắng học tập thật giỏi, với hi vọng sau này sẽ thoát nghèo.

Điển hình như ba đứa con nhà anh Cương và chị Thương cho ta thấy, cuộc sống có vất vả đến đâu chăng nữa nhưng mọi thứ đều dành hết tâm huyết cho con cái, mong con cái trưởng thành với một tương lai tươi sáng, đây cũng là một nét đẹp của những người con xứ Quảng nói riêng.

Bài và ảnh: Như Quỳnh