Alex Ferguson, 25 năm và những mốc son chói lọi (phần 2)

05/11/2011 08:22
C.K
(GDVN) - Cột mốc tròn 25 năm Sir Alex dẫn dắt Man Utd chỉ còn 2 ngày nữa, hãy cùng GDVN điểm lại những dấu ấn đậm nét của Sir Alex ở quãng thời gian đã qua.

Mùa 1994/95.
Giữ được thành công đã khó, bảo vệ nó còn khó hơn. Ngay sau mùa vô địch Premier League, Man Utd gặp khủng hoảng lực lượng. Các ngôi sao trẻ như Beckham, Butt, Neville chưa thực sự lớn, trong khi Cantona gặp vấn đề về tâm lý, mà điển hình là scandal song phi vào người CĐV Leeds United mang đến điều tiếng cho Man Utd. Sau sự kiện ấy, ngôi sao người Pháp xuống phong độ thấy rõ. Đây là lý do lớn nhất khiến Man Utd đánh mất ngai vàng vào tay… Blackburn Rovers, dù trước đó họ đang băng băng về đích, Cantona cũng nổ súng liên tục với 25 bàn, đứng đầu danh sách phá lưới. Đây là mùa giải bước ngoặt của Sir Alex, buộc ông phải đầu tư có chiều sâu hơn cho hàng công, thay vì chỉ biết phụ thuộc vào mình Cantona. Cũng trong năm này, Scholes trình làng.
Cantona xuất hiện dấu hiệu bất ổn về tâm lý lẫn phong độ...
Cantona xuất hiện dấu hiệu bất ổn về tâm lý lẫn phong độ...
Mùa 1995/96. Rút kinh nghiệm từ bài học Cantona, hè năm 1995, HLV Ferguson đã đẩy mạnh cho công tác tuyển mộ. Bên cạnh sự trưởng thành của thế hệ vàng, ông liền đưa về Andy Cole. Tiền đạo này ngay lập tức nổ súng giúp đưa Man Utd trở lại ngôi đầu Premier League. Nắm bắt xu thế mua sắm bắt đầu thịnh hành, nhà chiến lược người Anh sau đó tậu về Ole Gunnar Solskjaer, ông còn theo đuổi cả Roberto Baggio nhưng không thành. 
... buộc HLV Ferguson phải tin dùng lứa trẻ nhiều hơn...
... buộc HLV Ferguson phải tin dùng lứa trẻ nhiều hơn...
Nhưng kể từ đây, công cuộc mua sắm của HLV Ferguson lại càng rầm rộ hơn, những ngôi sao lớn như Jaap Stam (1998), Dwight Yorke (1998), Teddy Sherringham (1998)… giúp Quỷ đỏ đồng đều và có chiều sâu hơn. Trong khung thành, Peter Schmeichel luôn chơi vững chãi kể từ khi về Old Trafford năm 1991. Và nhớ đó, cuộc chinh phục của Quỷ đỏ trở nên mãnh liệt, đáng sợ hơn rất nhiều.
... cũng như đẩy mạnh công tác tuyển mộ...
... cũng như đẩy mạnh công tác tuyển mộ...

Mùa 1998/99. Vô địch Premier League mùa 95/96, 96/97, nhưng ở mùa 97/98, Quỷ đỏ lại hoàn toàn trắng tay, phần vì cú sốc Cantona giải nghệ, phần bởi hàng thủ với cặp Henning Berg – Jonny Johnsen chơi sa sút, và phần quan trọng hơn cả là sự vươn lên của Arsenal với một thế hệ xuất sắc luôn được HLV Wenger chăm chút.

Chính vì thế, HLV Ferguson gặp nhiều thách thức trong mùa 1998/99. Nhưng, thách thức lại khiến ông cùng các học trò bản lĩnh hơn. Giggs, anh em nhà Neville, Beckham, Scholes, Butt vươn mình lên tầm vóc quốc tế để thay nhau tỏa sáng, cộng với sự xuất hiện của hòn đá tảng Jaap Stam và sát thủ có khuôn mặt cười Dwight Yorke, Man Utd khi ấy đích thực là kẻ chinh phục. Kết thúc mùa giải, họ lần đầu tiên lập hat-trick danh hiệu (Champions League, Premier League và FA Cup), chính thức vượt qua Liverpool để trở thành niềm tự hào của nước Anh trên đất trường châu Âu.
Mùa giải lịch sử 1998/1999
Mùa giải lịch sử 1998/1999
Thành công cũng đến với cá nhân HLV Ferguson. Bởi nhờ có cú hat-trick danh hiệu này, ông đã được phong tước hiệu Hiệp sĩ, qua đó sánh ngang với huyền thoại tiền bối Matt Busby. Từ lúc ấy, người ta gọi ông bằng cái tên đầy kính trọng: Sir Alex Ferguson.

Mùa 2002/2003. Từ khi đoạt hat-trick danh hiệu lịch sử đến thời điểm này, Man Utd vẫn là ông vua nước Anh với 3/4 mùa giải vô địch. Song, Sir Alex cũng bắt đầu gặp nhiều khó khăn hơn trong việc trị trò bởi Man Utd khi ấy là tập thể của các ngôi sao thế giới. 

Ông cũng chứng tỏ mình quyết đoán ra sao khi sẵn sàng bán những học trò xuất sắc nhưng có tư tưởng chống đối thầy. Đầu tiên là Jaap Stam, sau đó đến lượt Dwight Yorke và năm 2003 là cuộc chia ly trong nước mắt với David Beckham sau sự kiện ‘giầy bay’. Song song với đó, những ngôi sao lớn như Laurent Blanc hay Veron cũng nói lời từ biệt Old Trafford sau ít năm gắn bó.
Beckham và Stam, 2 sự ra đi đáng tiếc nhất của Quỷ đỏ
Beckham và Stam, 2 sự ra đi đáng tiếc nhất của Quỷ đỏ

Và từ đây, Sir Alex lại phải bắt đầu công cuộc xây dựng lại cỗ máy của mình và chấp nhận trở thành cái đuôi của Chelsea, thế lực mới nổi nhờ ngân sách gần như vô hạn của ông chủ Roman Abramovich.

Mới bạn đọc đón xem phần 3: Chặng đường Sir Alex phục hưng Man Utd và hái quả ngọt
C.K