Sở Giáo dục Hà Nội nói không hưởng lợi từ bán sách giáo khoa đầu năm học mới

11/07/2019 06:27
Vũ Phương
(GDVN) - Hai đơn vị cung cấp sách độc quyền cho các trường Hà Nội do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lựa chọn ký hợp đồng, Sở Giáo dục Hà Nội không được hưởng lợi.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh tình trạng từ giữa tháng 4 nhiều trường học trên địa bàn Thành phố Hà Nội gửi thông báo đến phụ huynh học sinh đăng ký mua trọn bộ sách giá cao gấp hàng chục lần so với bộ sách giáo khoa cơ bản. 

Đáng nói, phụ huynh nhiều trường nhận được thông báo đăng ký mua sách cho con khi năm học cũ chưa kết thúc đã phải đăng ký mua sách cho năm học mới. Nói là tự nguyện, nhưng phụ huynh chỉ được chọn mua trọn bộ hoặc không mua.

Bởi vậy, phụ huynh đành nhắm mắt đăng ký mua trọn bộ với giá vài trăm ngàn đồng, thậm chí đến gần triệu đồng tiền sách cho con. Không mua ở trường, ra ngoài mua được chiết khấu, nhưng sẽ không biết mua những sách tham khảo, sách bổ trợ nào để giống nhà trường. 

Bộ Giáo dục nhận hồ sơ đăng ký thẩm định sách giáo khoa lớp 1 từ 1/7 đến 15/7
Bộ Giáo dục nhận hồ sơ đăng ký thẩm định sách giáo khoa lớp 1 từ 1/7 đến 15/7

Nhiều trường vì chiết khấu, hoa hồng bán sách theo kiểu “bia kèm lạc” như sách bổ trợ, sách tham khảo, bộ đồ dùng dụng cụ học tập cùng với sách giáo khoa để hưởng lợi… Điều này khiến nhiều phụ huynh méo mặt nếu nhà có nhiều hơn hai cháu đi học.

Trong khi đó, theo giá bìa bộ sách giáo khoa cơ bản cấp tiểu học chỉ từ 53.000 đến gần 89.000 đồng,  trung học cơ sở từ 117.000 đồng đến 149.000 đồng. Nhưng để hưởng chiết khấu, hoa hồng cao, nhà trường bán sách bị đẩy lên cao gấp chục lần thậm chí còn hơn so với giá bộ sách giáo khoa cơ bản.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thực tế các trường trên địa bàn Hà Nội không được đăng ký mua sách trực tiếp với các đơn vị cung cấp sách mà phải đăng ký với Phòng Giáo dục và Đào tạo, sau đó Phòng gửi lên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Các trường căn cứ vào văn bản hướng dẫn mua sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bổ trợ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để gửi thông báo đến phụ huynh học sinh.

Chia sẻ với Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một Hiệu trưởng (đề nghị không nêu tên) trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội cho biết: “Thường vào đầu tháng 4 hàng năm, trường nhận được văn bản hướng dẫn đăng ký mua sách giáo khoa năm học mới của Phòng và Sở.

Kèm theo các văn bản này có thông tin của đơn vị cung cấp sách. Nhà trường chỉ được lựa chọn đơn vị cung cấp sách này. Đơn vị cung cấp sách có liệt kê chi tiết từng đầu sách, giá tiền từ khối 1 đến khối 5.

Nếu mua theo danh sách liệt kê mà đơn vị bán sách gợi ý sẽ rất nhiều đầu sách, giá trọn bộ sách có thể lên đến tiền triệu.

Căn cứ vào gợi ý đó, nhà trường sẽ họp các tổ chuyên môn từng khối để lựa chọn các đầu sách cần thiết cho học sinh.

Khi phụ huynh học sinh đã đăng ký mua sách xong, Trường sẽ tổng hợp, báo cáo gửi lên Phòng Giáo dục và Đào tạo. Sau đó Phòng mới tổng hợp, báo cáo gửi lên Sở”.

Các trường không được tự ý mua sách của các đơn vị khác ngoài 2 nhà cung cấp sách do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đích danh. Ảnh: Vũ Phương.
Các trường không được tự ý mua sách của các đơn vị khác ngoài 2 nhà cung cấp sách do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đích danh. Ảnh: Vũ Phương. 

Còn theo tìm hiểu của phóng viên, mức chiết khấu đối với sách giáo khoa 19%, còn các loại sách tham khảo, sách bổ trợ khác được chiết khấu ít nhất 40%.

Nhiều giáo viên tiểu học dạy trên địa bàn Hà Nội chia sẻ với phóng viên, nhiều cuốn sách tham khảo, sách bổ trợ cả năm không dùng đến, vô cùng lãng phí, nhưng vì hoa hồng bán càng nhiều càng tốt.  

Để làm rõ những nội dung phụ huynh phản ánh bị ép buộc mua sách giáo khoa, sách tham khảo trọn bộ giá cao, cũng như việc chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội buộc phải lấy sách của đơn vị do Sở chỉ định, ngày 14/6, Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đặt lịch làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Ngày 10/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trả lời văn bản số 2907 do ông Hoàng Hữu Trung - Chánh Văn phòng ký ngày 9/10.

Trả lời câu hỏi của Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về lý do chỉ định 2 đơn vị độc quyền cung cấp sách cho các trường tại Hà Nội, văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho hay: “Ngày 11/3/2019, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có thông báo số 281/TB-NXBGDVN gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc phát hành sách và sản phẩm giáo dục tại địa bàn thành phố Hà Nội.

Trường học biến thành cửa hàng bán sách, hoa hồng bao nhiêu?
Trường học biến thành cửa hàng bán sách, hoa hồng bao nhiêu?

Theo đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ cung ứng sách giáo khoa, sách bổ trợ, sách tham khảo và các sản phẩm giáo dục khác… cho tất cả các ngành học, bậc học trên phạm vi cả nước;

Năm học 2019-2020, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục lựa chọn các Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Nội, Công ty cổ phần Sách – Thiết bị trường học Hà Tây để ký hợp đồng, là đơn vị làm nhiệm vụ cung ứng sách giáo khoa, sách bổ trợ, sách tham khảo, thiết bị giáo dục và các sản phẩm giáo dục tại thành phố Hà Nội”.

Văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo nêu: “Để tăng cường công tác quản lý và ngăn chặn tình trạng sách in lậu, in giả, sai nội dung; các thiết bị và sản phẩm giáo dục kém chất lượng phát hành vào nhà trường, đồng thời đảm bảo chất lượng học tập, quyền lợi của các em học sinh, cũng như đảm bảo việc cung ứng đầy đủ, kịp thời, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu về sách giáo khoa cho học sinh bước vào năm học mới 2019-2020 (tránh để xảy ra hiện tượng thiếu sách giáo khoa cục bộ ở một vài địa bàn hay các tỉnh thành phố như năm 2018) Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có công văn số 1214/SGDĐT-VP ngày 5/4/2019 và Công văn số 2297 ngày 6/6/2019 về việc phát hành sách giáo khoa và thiết bị giáo dục phục vụ năm học 2019-2020 đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện một số nội dung như sau:

Có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác phát hành sách giáo khoa và thiết bị giáo dục đảm bảo đúng với danh mục được phê duyệt và các văn bản quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài các loại sách theo quy định, nhà trường không bắt buộc học sinh mua thêm các loại sách, tài liệu tham khảo, các loại vở và học liệu khác.

Phụ huynh học sinh chủ động lựa chọn đơn vị cung ứng sách có uy tín, kinh doanh sách thật, đúng pháp luật hoặc thông qua hệ thống cửa hàng của các công ty sách, thiết bị trường học hoặc đơn vị được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ủy quyền. Việc mua sách giáo khoa, sách tham khảo do học sinh, phụ huynh học sinh lựa chọn, đăng ký trên tinh thần tự nguyện.

Sở Giáo dục và Đào tạo không chỉ định 2 đơn vị cung cấp sách và không có lợi gì từ phía các đơn vị này”.

Vũ Phương