Cuộc gặp Trump-Kim tại Bàn Môn Điếm có thể giúp Triều Tiên cải cách kinh tế

12/07/2019 06:30
Thanh Bình
(GDVN) - Những tín hiệu tích cực vừa qua sẽ giúp Triều Tiên tập trung nỗ lực thực hiện việc cải cách kinh tế trong nước, thay vì tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân.

Ngày 10/7/2019, phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh, việc đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ "không bao giờ là một giải pháp" hay là sự kết thúc của một tiến trình phi hạt nhân hóa, mà hy vọng đó sẽ là một sự khởi đầu.

Sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào, tại cuộc họp kín tại Bàn Môn Điếm (Panmunjom), khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên (DMZ) ngày 30/6/2019, hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên.

Điều này đã mở ra triển vọng mới cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Báo Japan Times cho biết, Mỹ cũng đang cân nhắc việc tạm dừng lệnh cấm vận nhằm vào Triều Tiên trong thời gian từ 12 đến 18 tháng.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại DMZ ngày 30/6/2019 đã cho thấy những tín hiệu tích cực (Ảnh: Reuters).
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại DMZ ngày 30/6/2019 đã cho thấy những tín hiệu tích cực (Ảnh: Reuters).

Trong đó nhiều nhà bình luận cho rằng, những tín hiệu tích cực vừa qua sẽ giúp Triều Tiên tập trung nỗ lực thực hiện việc cải cách kinh tế trong nước, thay vì tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân.

Bài viết này sẽ phân tích một số chính sách cải cách kinh tế của Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un.

Sau khi trở thành nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên vào cuối năm 2011, Kim Jong-un đã nhanh chóng tuyên bố rằng “gạo còn quý hơn đạn” và tờ Korea Joongang Daily của Hàn Quốc đã dự đoán, đường hướng phát triển của Kim Jong-un sẽ khác với cha mình.

Tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 7, ông Kim Jong-un đã đề xuất kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ nhất, đó là “Chiến lược hoạch định phát triển kinh tế quốc gia giai đoạn 2016-2020.”

Đây là kế hoạch 5 năm đầu tiên kể từ những năm 1980 của thế kỷ 20 trở lại đây và Kim Jong-un đang có ý định thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế lên một nấc cao hơn.

Tháng 4/2018, tại phiên họp lần thứ 3 khóa 7 Đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên sẽ không tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa, dỡ bỏ bãi thử hạt nhân ở phía Bắc, tập trung toàn lực để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.

Theo đó, chính sách ngoại giao của Triều Tiên cũng từng bước mở cửa. Tính từ chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của ông Kim Jong-un vào tháng 3/2018, đến nay Chủ tịch Triều Tiên đã thăm Trung Quốc 4 lần.

Cũng trong vòng một năm, ông Kim Jong-un đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in 3 lần và đã có 2 hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các khu chung cư mới tại đường Ryomyong, thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: AP)
Các khu chung cư mới tại đường Ryomyong, thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: AP)

Theo thống kê của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, trong năm 2018, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có 98 lần xuất hiện công khai, trong đó hơn 70% là liên quan đến các hoạt động kinh tế và ngoại giao, các hoạt động liên quan đến kinh tế là 41 lần, chiếm tỷ lệ tương đối cao.

Thời báo New York trích các số liệu ước tính cho thấy dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un, kinh tế Triều Tiên tăng trưởng 1-5% mỗi năm.

Đầu năm 2019, nhà khoa học Siegfried Hecker của Đại học Stanford, Mỹ nhận định, cuộc tấn công ngoại giao của Triều Tiên trong năm 2018 đã giúp giảm nhẹ sức ép kinh tế mà nước này phải đối mặt mặc dù lệnh trừng phạt vẫn chưa được nới lỏng ngay.

Tình hình kinh tế Triều Tiên có sự cải thiện nhất định trong ổn định, có nhiều tiến triển trong một số lĩnh vực như đầu tư vào các dự án xây dựng chủ yếu và năng lượng.

Đặc biệt là các dự án đầu tư dài hạn trong lĩnh vực năng lượng đang được triển khai, như xây mới hoặc cải tạo các nhà máy điện để cải thiện khả năng cung ứng điện cho các nhà máy sản xuất và các khu dân cư.

Mặc dù năm 2018, Triều Tiên không tiến hành bất cứ cải cách kinh tế lớn nào nhưng những cải cách thị trường đã được triển khai từ năm 2012-2014 vẫn mang lại kết quả.

Một dấu hiệu rõ ràng là tại Thủ đô Bình Nhưỡng, mật độ giao thông ngày càng tăng, ngày càng có nhiều trạm xăng và trạm dừng chân mới. Xét về mặt cơ cấu, xu hướng hợp nhất các tập đoàn thương mại lớn vẫn tiếp tục được triển khai.

Sau khi trở thành nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên, Kim Jong-un đã tiến hành hàng loạt chính sách đổi mới hệ thống nền kinh tế Triều Tiên như ký kết hợp đồng đất đai, mở rộng doanh nghiệp, thành lập các đặc khu.

Theo trang Sputniknews của Nga, hiện tất cả các doanh nghiệp của Triều Tiên đều có thể tự lên kế hoạch để sản xuất và chỉ cần thông báo kế hoạch lên đơn vị cấp trên trực tiếp.

Khi đã hoàn thành định mức nhà nước phân bổ, các sản phẩm còn lại có thể được bán ra thị trường và có thể thỏa thuận giá cả với khách hàng và nhà cung cấp.

Số tiền thu được có thể sử dụng để mua nguyên liệu đầu vào, mở rộng sản xuất và trả lương. Tương tự, khu vực nông thôn cũng có sự đổi mới. Theo đó, nông dân của hợp tác xã cũng có thể bán các sản phẩm nông nghiệp dư thừa.

Đến nay, Triều Tiên đã có 22 khu kinh tế với các ngành nghề khác nhau như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, chế biến xuất khẩu và công nghệ cao.

Các chuyên gia cho rằng, Triều Tiên có thể thông qua các khu kinh tế để kiểm nghiệm những quy tắc mới và dần thay đổi, điều chỉnh quy tắc cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un đã đưa ra khẩu hiệu “kinh tế tự lập”, nhấn mạnh chính quyền Triều Tiên đã không còn theo đuổi việc nới lỏng các lệnh trừng phạt do cuộc đối đầu giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn còn kéo dài, lệnh trừng phạt của quốc tế vẫn còn tiếp diễn.

Tài liệu tham khảo:

1. Tài liệu tham khảo 154 ngày 21/6/2019 của Thông tấn xã Việt Nam

2. https://sputniknews.com/asia/201907111076211501-north-korea-kim-jong-un-dozed-off/

3. https://www.japantimes.co.jp/news/2019/07/11/asia-pacific/u-s-weighs-18-month-sanctions-pause-north-korea-report/#.XScI5D8zbIU

4. https://www.nytimes.com/2019/06/30/world/asia/trump-kim-north-korea-negotiations.html

Thanh Bình