Tiến sĩ Vũ Thu Hương chia sẻ cách giáo dục con cái tự lập từ nhỏ

17/07/2019 07:04
Đỗ Thơm
(GDVN) - Các bố mẹ có cảm thấy thật sự lo ngại với một đứa con thụ động không khi mà rất nhiều phụ huynh đều mong muốn những đứa con của mình nghe lời răm rắp.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhấn mạnh, một đứa trẻ thụ động thì sau này con sẽ rất khổ.

Lớn lên và đi làm việc, con chỉ hợp với cuộc sống dạng sáng cắp ô đi tối cắp về. Một người thụ động thì khi cuộc sống gặp khó khăn sẽ rên rỉ, khóc lóc mà không biết cách để tự giải quyết vấn đề.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương chỉ ra những sai lầm của bố mẹ dẫn đến trẻ thụ động. Ảnh: Tiến sĩ Hương cung cấp.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương chỉ ra những sai lầm của bố mẹ dẫn đến trẻ thụ động. Ảnh: Tiến sĩ Hương cung cấp.

Trẻ thụ động thường sẽ lười học (cũng có trẻ không bị), lười suy nghĩ trong học tập, không chủ động mọi công việc nên hay bị mắng trở nên nhát, thiếu tự tin. Vì thế, hoạt động trong tập thể thường lẩn trốn, không dám xung phong. Việc gì các bạn ấy cũng tìm cách đùn đẩy.

Trong gia đình, trẻ thụ động thường ngồi ì ra một góc đợi có người nhắc việc mới làm. Từ ăn, ngủ, sinh hoạt đến các công việc của bản thân, trẻ luôn cần sự nhắc nhở.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương chỉ ra các sai lầm của bố mẹ dẫn đến hình thành trẻ thụ động.

Đầu tiên là sai lầm không tin tưởng giao việc cho con. Thường thì các bé này được bố mẹ, người thân chăm sóc tận răng với suy nghĩ: “Con còn bé”.

Hầu hết các bé này sẽ có bố mẹ khó tính, kĩ tính nên thường không yên tâm để con làm. Dần dà, bé sẽ yên trí với suy nghĩ “mình không thể làm, không biết làm” nên bé sẽ đợi hướng dẫn của bố mẹ.

Thứ hai là luôn nghĩ rằng phải hướng dẫn con tử tế. Các bố mẹ ạ, con trẻ có trí não. Việc con nghĩ ra cách giải quyết đôi khi còn thông minh và sáng tạo hơn chúng ta nhiều.

Các bố mẹ mà luôn nghĩ phải hướng dẫn, tạo nếp, thường con sẽ dễ rơi vào trạng thái thụ động vì con dần dần cũng sẽ nghĩ “mình không nghĩ ra đâu, phải bố mẹ mới nghĩ ra”.

Dẫn chứng từ chính trường hợp con gái của mình, Tiến sĩ Vũ Thu Hương chia sẻ, con gái Tiến sĩ biết mẹ mình có khả năng giải quyết vấn đề rất tốt nên hay tìm cách "moi" hướng xử lý từ mẹ. Nhưng khi con hỏi, Tiến sĩ thường trả lời thản nhiên: “Mẹ không biết, việc đó là việc của con mà, chả liên quan”.

Theo Tiến sĩ Hương, chính cái câu “chả liên quan” đó khiến con gái Tiến sĩ luôn phải tự mình tìm hiểu và nghĩ ra cách giải quyết.

Tính chủ động này của con chí ít cũng đã tiết kiệm cho mẹ một số tiền kha khá khi con đi du học vì con tự lo hoàn toàn cuộc sống của mình mà không phải thuê dịch vụ hoặc mẹ phải đưa sang.

Kỷ luật không nước mắt – Một hình thái khác của yêu thương
Kỷ luật không nước mắt – Một hình thái khác của yêu thương

Nhưng điều quan trọng nhất là Tiến sĩ hoàn toàn yên tâm khi con cắp valy sang nơi bán cầu nam trong khi cả con và mẹ đều chưa hề biết gì về đất nước đó.

Bởi con chủ động công việc, tự tìm hiểu những gì liên quan, tự chuẩn bị cho cuộc sống khi đi du học nên không có gì phải lo lắng.

Sai lầm thứ ba là bố mẹ hay nhắc. Việc nhắc nhiều trẻ sẽ rất rất thụ động và ỉ lại. Vì thế, phụ huynh hãy phanh lại đi, đừng nhắc nữa, kệ trẻ.

Đừng nghĩ đến hậu quả gần là không nhắc thì trẻ không học... Hãy nghĩ xa hơn rằng, nếu trẻ không học, cô phạt thì trẻ sẽ rút kinh nghiệm và học hành tự giác hơn. Hãy kiên nhẫn để con tự lo thân mình từ những thứ nhỏ.

Sai lầm thứ tư là xót con. Ai ở trên đời không xót con? Nhưng nếu xót con mà bênh nó vô lối thì sẽ để lại hậu quả dai dẳng.

Đến lúc con hư, thậm chí có thể đâm chém cướp giật người ta, lúc đó muốn xót cũng không xót nổi. Nhẹ hơn, xót con nên bố mẹ không cho con làm việc gì thì con sẽ vụng về, thụ động.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhắn nhủ với các vị phụ huynh:

“Mỗi một hành động hoặc suy nghĩ của cha mẹ sẽ đặt dấu ấn ở đứa trẻ ngay. Vậy nên, tôi vẫn muốn nhắc lại một câu nói quen thuộc “Cha mẹ là số phận của con cái”. Vì thế hãy trách mắc những sai lầm dễ tạo nên một đứa trẻ thụ động”.

Đỗ Thơm