Chánh thanh tra Bộ chỉ ra hàng loạt biểu hiện sai phạm của các trường Đại học

19/07/2019 06:22
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cảnh báo: "Nếu Bộ đã tới kiểm tra, phát hiện vi phạm thì sự việc sẽ rất nặng nề”.

Trong bối cảnh tự chủ trong giáo dục đại học hiện nay để hạn chế tiêu cực, sai phạm thì công tác tự kiểm soát của từng nhà trường luôn phải được chú trọng.

Ngoài ra, sự tăng cường quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng là bài toán đặt ra lúc này.

Đây là một trong những vấn đề mà Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Bằng đề cập tại Hội nghị trực tuyến về công tuyển sinh đại học năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vào ngày 17/7.

Theo ông Nguyễn Huy Bằng, thực tế có nhiều việc không cần chờ thanh tra Bộ mà chính bản thân trường cũng có thể tự phát hiện ra để sửa chữa, điều chỉnh.

Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Huy Bằng (ảnh nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo -  Nguyễn Huy Bằng (ảnh nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo).

“Với điều kiện nhân sự như hiện nay, Bộ chưa có điều kiện đi thanh kiểm tra tất cả các trường ở thời điểm này.

Tuy nhiên tôi cũng xin cảnh báo là nếu Bộ đã tới kiểm tra, phát hiện vi phạm thì sự việc sẽ rất nặng nề” – ông Bằng nhấn mạnh và chia sẻ thêm: “Thực tế vừa qua bên cạnh các trường nghiêm túc thực hiện đúng quy định thì vẫn có không ít trường thiếu sót, sai phạm.

Ví dụ: một số đại học ban hành nhiều văn bản nội bộ nhưng khi ban hành các đại học nhưng chưa cập nhật văn bản mới của Bộ, nên một số chính sách, chế độ thực hiện không đúng.

Ngoài ra, việc xây dựng đội ngũ chưa bảo đảm về số lượng, cơ cấu, đặc biệt cơ cấu theo ngành.

Có những ngành mở ra nhưng không duy trì được chất lượng đội ngũ. Trong quá trình hoạt động, một số trường do có thay đổi về nhân sự do luân chuyển công tác hoặc thay đổi nhiệm vụ, khiến không đủ số lượng tiến sĩ, thạc sĩ của ngành.

Có những ngành đặc thù, do không có tiến sĩ trong nước có thể lấy giảng viên từ ngành gần, ngành tương đối để đủ tiêu chuẩn, điều kiện mở - duy trì ngành, nhưng quy định bắt buộc các trường phải đảm bảo đủ có đội ngũ giảng viên cơ hữu.

Lỗi này nhiều trường vi phạm, nhưng ở một số trường khi mở ngành ra đã không đáp ứng rồi. 

Đây là những sai phạm không ít nơi xảy ra chuyện như vậy, mà chúng tôi phát hiện ra trong quá trình thanh kiểm tra”.

Nếu sai phạm, trường đại học sẽ bị tước quyền tự xác định chỉ tiêu trong 5 năm
Nếu sai phạm, trường đại học sẽ bị tước quyền tự xác định chỉ tiêu trong 5 năm

Một trong những bất cập nữa mà ông Bằng chỉ ra, đó là sai phạm trong liên kết đào tạo như đào tạo không phép, sai đối tượng, sai địa chỉ… số lượng rất nhiều.

Thực hiện Nghị quyết 63 của Quốc hội, vừa qua Bộ đã rà soát, xử lý bước đầu và sẽ tiếp tục xem xét xử lý các trường hợp cụ thể đang vi phạm các quy định về đào tạo chính quy, đào tạo thạc sĩ ngoài trụ sở chính, không ban hành quy chế văn bằng chứng chỉ, cấp chứng chỉ ngoại ngữ tràn lan…

Gần đây, Bộ đang tập trung thanh tra một số trường như trường Đại học Điện lực, trường Đại học Trưng vương…

“Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục xem xét thật khách quan, đơn vị nào sai sẽ xử lý nghiêm túc.

Những vi phạm trên đang tác động tiêu cực đến chất lượng đào tạo đại học, gây bức xúc cho xã hội và ảnh hưởng tới quyền lợi của người học” – ông Bằng nhấn mạnh.

Đánh giá về công tác tuyển sinh, Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cơ bản qua theo dõi thấy rằng bên cạnh một số trường còn gặp khó khăn, thì công tác tuyển sinh đại học ngày càng lành mạnh hơn, tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của xã hội, của từng trường.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều đại học vẫn để xảy ra thiếu sót, sai phạm. Thứ nhất là đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường không rõ ràng, nhiều thông tin chưa chính xác, một số trường xét tuyển không đúng đề án. Nhiều trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo.

Thậm chí, có đại học, do lo ngại tuyển nhiều giảng viên vào mà không có sinh viên thì không có nguồn kinh phí để duy trì bộ máy nên tăng chỉ tiêu đào tạo rất cao mà không đúng năng lực thực tế.

Có trường khai 1.000 giáo viên cơ hữu trong đề án tuyển sinh, nhưng thực tế chưa có từng ấy.

Tới lúc tuyển được nhiều sinh viên, trường mới đi ký hợp đồng giảng viên đủ số lượng. Những việc đó là sai quy định.

Cuối cùng ông Nguyễn Huy Bằng nhấn mạnh: “Lãnh đạo Bộ cũng sẽ thành lập các đoàn thanh tra để thanh tra sát sao, kịp thời, trong quá trình làm sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm túc tới đó nhằm xiết chặt quản lý kiểm soát nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo đại học trong bối cảnh tự chủ hiện nay”.

Trinh Phúc