Xin đừng làm “nhọ” danh nhà giáo

26/07/2019 06:49
Xuân Dương
(GDVN) - Với nhà giáo, nếu phải dùng từ “nhọ” thì cách ứng xử tốt nhất là xin ra khỏi ngành, bởi không chỉ “con sâu làm rầu nồi canh” mà còn có thể nhọ lây sang cả trò.

“Nhọ” được hiểu gần với màu đen, chẳng hạn “nhọ nồi” là muội đen bám ở đáy nồi khi đun bằng rơm, rạ, củi,… Dùng với nghĩa bóng, chẳng hạn “Thằng ấy nhọ quá” là câu ám chỉ một người chẳng ra gì về mặt nhân cách mặc dù người đó có thể có địa vị, giàu có hoặc bằng cấp đầy mình.

Rất ít khi người ta nói “Bà ấy nhọ quá” hoặc “Mụ ấy nhọ quá” có thể vì đối với phụ nữ, dù sao cũng phải tế nhị một tí.

Đối với nhà giáo, nếu phải dùng từ “nhọ” thì cách ứng xử tốt nhất là xin ra khỏi ngành, bởi không chỉ “con sâu làm rầu nồi canh” mà còn có thể làm “nhọ” lây sang học trò.

Phải nói điều này bởi ngày 16/07/2019 báo Baophapluat.vn - cơ quan của Bộ Tư pháp - trong bài “Một đề xuất vi hiến và ngớ ngẩn” trích dẫn phát biểu của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Hồng Xuân, người có học hàm phó giáo sư, học vị tiến sĩ như sau:

“Đã đến lúc nghĩ đến việc ăn cây nào phải rào cây nấy. Thực tế, có một bộ phận người nhập cư không tuân thủ các quy định của thành phố.

Có biện pháp nào mạnh mẽ hơn không? Thành phố Hồ Chí Minh có thể yêu cầu họ trở về nơi cư trú cũ vì “Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen”. [1]

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Hồng Xuân (Ảnh: Infonet.vn)
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Hồng Xuân (Ảnh: Infonet.vn)

Khi tờ báo thuộc Bộ Tư pháp đề cập đến chuyện “vi hiến” thì chắc chắn không cần bàn luận vị đại biểu Hội đồng nhân dân này “vi hiến” như thế nào.

Vấn đề còn lại là vì sao một nhà giáo, là trưởng khoa một đại học là đưa ra một đề xuất bị báo chí cho là “ngớ ngẩn”?

Tra cứu sách đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, mục quê quán giới thiệu đại biểu Phan Thị Hồng Xuân quê ở xã Mỹ Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Chẳng biết vị đại biểu này có hộ khẩu thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh được bao nhiêu năm mà đã đề xuất với chính quyền thành phố “ăn cây nào phải rào cây nấy”.

Một đề xuất mang tính cục bộ, địa phương, của một phó giáo sư, tiến sĩ, lại là Trưởng khoa Đô thị một đại học được nêu ra tại nghị trường khiến các nhà giáo chân chính cảm thấy xấu hổ.

Còn những người, cơ quan nhào nặn lên một lãnh đạo, một phó giáo sư như thế có cảm thấy xấu hổ không thì thật khó nhận biết.

Thế nào là “đã đến lúc nghĩ đến việc” Thành phố Hồ Chí Minh phải “ăn cây nào rào cây nấy”?

Cái Lon trong lời bà Cục trưởng và cái Lu của bà Nghị
Cái Lon trong lời bà Cục trưởng và cái Lu của bà Nghị

Từng có những ý kiến cất lên từ Thành phố Hồ Chí Minh, rằng dân số thành phố chiếm 9,5%, lao động chiếm 8,2% cả nước; đóng góp 27% thu ngân sách quốc gia nhưng chỉ được dùng 5,2% ngân sách là bất hợp lý. Đúng ra thành phố phải được dùng 9,5% ngân sách,…

Phải chăng vị đại biểu Hội đồng nhân dân Phan Thị Hồng Xuân cũng chỉ phụ họa theo trào lưu hay còn có ý thúc giục những người lãnh đạo phải “rào giậu” cho thật kỹ, sớm biến Sài Gòn thành ốc đảo, chỉ cần thành phố mình giàu mà không cần đến cả nước?

Nói cách khác, có phải những người ngoại tỉnh nhập cư về thành phố chỉ là gánh nặng với dân thành phố “xịn” nên cần phải “rào” thành phố lại, không cho người hoặc địa phương nào “tắc lỏm”?

Nghe nói lý do “yêu cầu họ trở về nơi cư trú cũ” là chuyện xả rác thải sinh hoạt xuống kênh, rạch, nơi công cộng.

Thế nhưng ai cũng biết nhờ nguồn lực “nhập cư”, nhờ chuyện dọn “rác thải” mà có vị lãnh đạo công ty công ích thành phố nhận lương 2,6 tỷ đồng một năm, “bét nhất” là kế toán trưởng cũng nhận lương từ 700 - gần 900 triệu đồng/năm. [2]

Dẫu sao rác thải sinh hoạt xả ra thành phố còn có công ty môi trường đô thị thu dọn, còn “rác phát ngôn” cũng xả bừa bãi nơi công cộng thì ai thu dọn?

Với người xả “rác phát ngôn” bừa bãi có nên đưa họ “trở về nơi cư trú cũ”?

Khi khuyến nghị thành phố “ăn cây nào rào cây nấy” không biết “cô nghị” có còn người thân nào ở quê gốc, nếu còn mà họ hàng nhà cô  biết được có người trong họ đề xuất “rào” thành phố Hồ Chí Minh” không cho người ngoài bén mảng đến thì họ nghĩ gì”?

Đừng nghĩ là Đại biểu Quốc hội thích nói thế nào cũng được!
Đừng nghĩ là Đại biểu Quốc hội thích nói thế nào cũng được!

Sau Baophapluat.vn của Bộ Tư pháp đến lượt báo Infonet.vn của Bộ Thông tin và Truyền thông, hôm 23/07/2019 báo này đăng bài “Cán bộ ngồi nhầm chỗ”, bài báo có đoạn:

Dư luận nghi ngờ năng lực phó giáo sư đề xuất “dùng lu” chống ngập… Vậy là chưa từng học đô thị học, cũng chẳng kinh qua ngày nào làm chuyên viên trong lĩnh vực đô thị, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân nghiễm nhiên giữ chức vụ Trưởng khoa Đô thị học. Dư luận đặt ra câu hỏi:  

“Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh đã hết người để bổ nhiệm đúng vị trí, đúng chuyên môn? Và với một người không có chuyên môn sẽ đào tạo thế hệ sinh viên tương lai đất nước ra sao?”. [3]

Là tờ báo của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngôn từ được sử dụng đương nhiên rất có chừng có mực, vậy mà tờ báo này lại phải nêu vấn đề một đại học danh tiếng là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh có phải “đã hết người để bổ nhiệm đúng vị trí, đúng chuyên môn”?

Với người được dân bầu, được ủy nhiệm thực hiện quyền lực của nhân dân ở cấp cao nhất, báo Tienphong.vn từng trích dẫn câu hỏi của cử tri Thủ Thiêm với đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm:

“Trong hai nhiệm kỳ vừa qua, chị Tâm ngồi ở đây cho biết đã làm được gì? Đã lo cho dân chúng tôi được cái gì, xin chị nói cho chúng tôi biết?”.

Có lẽ cử tri Thành phố Hồ Chí Minh không cần phải đặt câu hỏi như vậy với đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Phan Thị Hồng Xuân bởi vị này đã làm được nhiều việc khiến báo chí và người dân cả nước đều biết.

Ẩn phía sau câu hỏi của báo Infonet.vn, kết hợp với đánh giá “vi hiến và ngớ ngẩn” của báo Baophapluat.vn, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên xem lại quá trình nhào nặn một cử nhân đại học mở thành một vị phó giáo sư, tiến sĩ như vậy?

Và phải chăng chính việc đặt một “nhà giáo” như vậy vào vị trí đòi hỏi cả trình độ lẫn tâm đức ít nhiều đã góp phần “làm nhọ” thanh danh nhà giáo?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/mot-de-xuat-vi-hien-va-ngo-ngan-461560.html

[2] http://vneconomy.vn/doanh-nhan/cach-chuc-cac-sep-luong-khung-tai-tphcm-20130912075912581.htm

[3] https://infonet.vn/can-bo-ngoi-nham-cho-post306786.info

Xuân Dương