Có tuổi hai mươi thành sóng nước…

27/07/2019 06:17
NGUYỄN VĂN KHÁNH
(GDVN) - Máu xương các anh, các chị đã hòa chung vào lòng đất nước. Tuổi 20 của các anh, các chị đã là hồn thiêng sông núi ở ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau.

Mỗi năm, cứ vào dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) thì lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn thể từ trung ương đến các địa phương lại hướng về những người đã hy sinh, những người đã để lại một phần máu xương cho nền độc lập và giải phóng dân tộc.

Chính các thế hệ cha anh không quản máu xương của mình, không tiếc tuổi thanh xuân của mình hiến dâng cho tổ quốc, cho sự hồi sinh của dân tộc để hôm nay đất nước được bình yên, phát triển.

Những cuộc chiến đã đi qua, những nỗi đau vẫn còn đọng lại. Hàng trăm các nghĩa trang trên mọi miền tổ quốc như nhắc nhở cho thế hệ những người đi sau, thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về đất nước và để biết trân quý giá trị hòa mình của dân tộc.

Người dân thắp hương tại nghĩa trang Đường 9, Quảng Trị (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)
Người dân thắp hương tại nghĩa trang Đường 9, Quảng Trị (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Kể từ sau khi nước nhà độc lập vào năm 1945, đất nước ta đã trải qua quá nhiều những cuộc chiến tranh khốc liệt. Hết chống Pháp, chống Mỹ, sau này là các cuộc chiến ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc...

Dải đất hình chữ S thân thương này đã phải đối đầu với nhiều thế lực thù địch ở bên ngoài. Hết thế hệ này cho đến thế hệ khác đã cầm súng đánh giặc và biết bao nhiêu những chàng trai, cô gái tuổi 20 đã nằm lại đâu đó trong các nghĩa trang của đất nước.  

Máu xương các anh, các chị đã hòa chung vào lòng đất nước. Tuổi 20 của các anh, các chị đã là hồn thiêng sông núi ở ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau.

Mỗi năm, khi đến dịp Ngày Thương binh- Liệt sĩ thì các ban ngành của các địa phương lại thành kính dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ ở địa phương mình.

Những ngôi mộ của những chiến sĩ đã nằm lại, dù các anh sinh ra ở đâu nhưng đã là một phần máu thịt quê hương khi các anh đang nằm lại ở nhiều nghĩa trang địa phương trong cả nước.

Nước ta, nếu tính về số lượng nghĩa trang liệt sĩ, chắc không có địa phương nào nhiều như tỉnh Quảng Trị. Nơi đây, hiện nay có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có nghĩa trang Trường Sơn và nghĩa trang Đường 9 là lớn nhất.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước… ảnh 2Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt vòng hoa, tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ

Nghĩa trang Trường Sơn - nơi yên nghỉ của 10263 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tổ quốc.

Đến với nghĩa trang Trường Sơn không ai có thể không cảm thấy ngậm ngùi đi giữa những hàng mộ vô danh.

Nơi đây, những người con ưu tú của mọi miền trong tổ quốc đang kề tựu bên nhau giữa núi rừng Trường Sơn bạt ngàn nắng gió.

Nghĩa trang Đường 9 cũng có tới 9423 ngôi mộ liệt sỹ. Điều đau đớn nhất là nghĩa trang đường 9 có tới 5404/ 9423 ngôi mộ chưa tìm được tên tuổi của các liệt sĩ.

Nếu có dịp đến với vùng đất Quảng Trị bây giờ, dù lúc này cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đi qua hơn 40 chục năm rồi nhưng dấu vết chiến tranh vẫn còn hằn in trên mảnh đất thân yêu này.

Những tháng năm quân ngũ ở đây và sau này có một số lần trở lại Quảng Trị, chúng tôi đã có dịp đi đến nhiều nơi, tìm hiểu nhiều điều về vùng đất kiên cường này.

Chúng tôi đến với Khe Sanh, làng Vây, Thành cổ Quảng Trị… Có lúc âm thầm đi giữa nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 hay đứng trên cầu Hiền Lương của dòng sông Bến Hải - ranh giới của điểm chia cắt đất nước suốt hàng chục năm trời.

Có lúc lại trầm ngâm bên dòng sông Thạch Hãn yêu thương, hay những lúc đi dọc theo các quả đồi hoặc hàn huyên cũng những người dân Quảng Trị. Ở đâu cũng còn những dấu vết của chiến tranh còn lưu lại, ở đâu cũng còn những con người là nhân chứng lịch sử.

Chúng tôi tự hỏi rằng mảnh đất nhỏ bé này sao phải chịu đựng quá nhiều những đau thương như vậy?

Nỗi đau ấy không chỉ đối với những người sinh ra và lớn lên trong cuộc chiến mà kể cả những người sinh sau chiến tranh nhưng vấp phải bom mìn nên máu xương thời bình vẫn còn tiếp tục đổ xuống.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước… ảnh 3Tháng 7 ở…Hà Giang!

Và, đâu chỉ có mình Quảng Trị, cái dải đất Miền Trung nhỏ nhoi ấy đã phải gánh biết bao nhiêu bom đạn, bao nhiêu những trận chiến ác liệt.

Những mảnh đất khác như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên- Huế hay Quảng Nam và cả Sài Gòn…cũng đều là những chiến trường vô cùng khốc liệt.

Những trận chiến xảy ra, những người lính nằm lại, những nghĩa trang liệt sĩ bây giờ ở các địa phương vẫn còn biết bao nhiêu những chiến sĩ vô danh chưa tìm ra tên tuổi.

Những ngôi mộ liệt sĩ vô danh ấy vẫn là nỗi đau nhức nhối cho những người còn sống trong quá trình đi tìm và trả lại tên cho các anh.

Đây cũng là nỗi đau chung của dân tộc, nỗi đau của hàng ngàn gia đình khi cuộc chiến đi qua nhiều năm trời mà vẫn chưa thể tìm được nơi yên nghỉ của người thân mình…

Chiến tranh, hàng triệu gia đình Việt Nam ly tán, hàng triệu gia đình phải chịu cảnh xa cách và có biết bao nhiêu những người mẹ, những người vợ, những người yêu phải âm thầm khóc con, khóc chồng, khóc các anh không trở về…

Và, có cả những người lính đi qua chiến tranh giờ đây vẫn âm thầm đi tìm đồng đội đã ngã xuống ở các chiến trường. Có những người lính hàng năm vẫn trở về với chiến trường cũ để viếng thăm, thả hoa cho những người nằm lại.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin mượn những câu thơ của cựu binh Lê Bá Dương viết về những đồng đội của mình- viết về những người đã từng chiến đấu và hy sinh ở dòng sông Thạch Hãn (Quảng Trị).

Nơi ấy, có những bạn bè của ông đã hòa vào sóng nước yêu thương và các anh mãi mãi là tuổi 20 bất tử: “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.

NGUYỄN VĂN KHÁNH