Thầy giáo Phương có nhiều sáng tạo trong đào tạo và huấn luyện hàng hải

29/07/2019 08:11
TUẤN KIỆT
(GDVN) - Muốn làm chủ công nghệ, giảng viên cần nắm chắc, nắm vững quy trình. Mỗi sản phẩm sáng tạo phải thuyết phục bản thân mình trước khi hướng dẫn trò sử dụng.

Đó là những chia sẻ của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Phương, Phó viện trưởng Viện đào tạo sau đại học, Trường đại học Hàng hải Việt Nam.

Từ thực tế làm việc thầy Phương nhận thấy, các trường hàng hải chỉ có chức năng mô phỏng công tác hàng hải, chưa chú trọng công tác xếp dỡ hàng hóa.

Hơn nữa, việc sử dụng hệ thống mô phỏng nước ngoài như TRANSAT, KONGSBERG… tốn chi phí cao. Giảng viên bị động do không nắm rõ quy trình công nghệ.

Vì thế, thầy Phương mong muốn tự xây dựng hệ thống mô phỏng phục vụ công tác giảng dạy tại trường.

Tuy nhiên, việc giải mã công nghệ không hề đơn giản. Từ những chuyến khảo sát thực tế, thầy Phương bắt tay thành lập nhóm nghiên cứu gồm 4 giảng viên.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Phương, Phó viện trưởng Viện đào tạo sau đại học, Trường đại học Hàng hải Việt Nam (Ảnh: CTV)
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Phương, Phó viện trưởng Viện đào tạo sau đại học, Trường đại học Hàng hải Việt Nam (Ảnh: CTV)

“Sự hỗ trợ của các giảng viên, giúp tôi nhận ra thiếu sót, hoàn thiện hơn ý tưởng xây dựng phần mềm của hệ thống tập trung mô phỏng quá trình xếp dỡ hàng hóa trên hai loại tàu hàng rời và tàu dầu”, thầy Phương nói.

Theo thầy Phương, ý tưởng ban đầu đơn giản nhưng khi thực hiện, thầy đối diện với muôn vàn khó khăn.

Nhiều lỗi kỹ thuật phát sinh ngoài dự định như trục trặc về quá trình đổi nguồn điện, có khi lại xuất hiện sự cố liên quan đến phần mềm...

Không nản lòng, mỗi lần như thế, thầy Phương bàn bạc cùng nhóm nghiên cứu rút kinh nghiệm, từng bước tháo gỡ, sửa sai kịp thời.

Sau chục lần thử nghiệm, phần mềm mô phỏng do thầy Phương hoạt động hiệu quả, nâng cao khả năng tương tác giữa người học và người dạy.

Không bằng lòng với kết quả ban đầu, thầy Phương thường xuyên tự thách thức bản thân bằng cách đặt ra các giả thiết khó.

Thầy Phương cho rằng: “Muốn làm chủ công nghệ, giảng viên là người giảng dạy và sáng chế cần nắm chắc, nắm vững quy trình.

Mỗi sản phẩm sáng tạo phải thuyết phục bản thân mình trước khi hướng dẫn trò sử dụng”.

Từ phần mềm chỉ hiển thị các thông tin cơ bản, thầy Phương cùng đồng nghiệp nâng cấp tạo ra các tình huống đột xuất như trời mưa, ngừng làm hàng;

Hết hàng trên cầu tàu… để đánh giá sát sao kỹ năng ứng biến linh hoạt của sinh viên.

Thầy Tiến, đã nửa đời người khơi đèn đom đóm trên non
Thầy Tiến, đã nửa đời người khơi đèn đom đóm trên non

Qua nhiều giai đoạn thử nghiệm, phần mềm mô phòng của nhóm thầy Phương hoàn thiện và được ứng dụng tại Trung tâm Huấn luyện thuyền viên, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

“Khi chạy thử nghiệm thành công, nhóm nghiên cứu mừng rơi nước mắt, vì công sức nghiên cứu, thử nghiệm suốt 1 năm trời đem lại kết quả khả quan.

Nhưng hơn cả là sinh viên, học viên hào hứng, say mê thực hành”, thầy Phương bộc bạch.

Cùng với đề tài thiết kế chế tạo hệ thống báo động ngập nước trong khoang kín, hệ thống mô phỏng công tác xếp dỡ hàng hóa là đề tài nghiên cứu thứ 2 của thầy Phương được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá cao.

Hơn 20 năm gắn bó với công tác giảng dạy tại Khoa điều khiển tàu biển, trong đó có 7 năm trực tiếp công tác ở tàu, thầy Phương không ngừng tự học hỏi để làm giàu kinh nghiệm bản thân.

Không nói nhiều về mình, thầy Phương khiêm tốn kể: “Hệ thống mô phỏng là sự đóng góp trí tuệ, công sức của nhiều giảng viên.

Chính tình yêu nghề, đam mê khoa học giúp chúng tôi có chung tiếng nói, chung quyết tâm”.

Hòa đồng, giỏi chuyên môn đó là ấn tượng của nhiều giảng viên, sinh viên khi kể về thầy giáo Nguyễn Kim Phương.

Em Bùi Văn Tuấn, sinh viên Khoa điều khiển tàu biển, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết: “Những tiết học điều khiển tàu biển không còn khô khan, trừu tượng mà trở nên sinh động hơn khi chúng em được sử dụng hệ thống mô phỏng trên máy tính.

Nhờ vậy, em được trang bị thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm thực tế trong điều khiển hoạt động xếp, dỡ hàng hóa trên tàu”.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, dù là giảng viên hay cán bộ quản lý, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Phương luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Những sản phẩm nghiên cứu của thầy Phương có đóng góp nhất định trong việc phát triển kỹ thuật mô phỏng hệ thống trên tàu thuỷ phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện trên bờ, đáp ứng các tiêu chuẩn Công ước quốc tế.

Thầy Phương là một tấm gương sáng về tự học, tự sáng tạo để nhiều giảng viên trẻ noi theo.

Với giải pháp chế tạo hệ thống mô phỏng công tác xếp/dỡ hàng hoá trên tàu chở hàng phục vụ đào tạo và huấn luyện hàng hải, năm 2017, thầy giáo Nguyễn Kim Phương vinh dự nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

TUẤN KIỆT